Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đậu phụ Võng La tiếp tục vươn xa

Đỗ Minh| 09/06/2023 07:19

(HNM) - Đậu phụ Võng La là sản phẩm làng nghề nổi tiếng trăm tuổi tại xã Võng La (huyện Đông Anh). Trải qua quá trình gìn giữ và phát triển, đến nay, đậu phụ Võng La trở thành món ẩm thực nổi tiếng của Đông Anh. Với chứng nhận đạt 3 sao tại Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đậu phụ Võng La tiếp tục khẳng định vị thế tại thị trường trong nước.

Sản xuất đậu phụ tại xã Võng La (huyện Đông Anh). Ảnh: Đào Huyền

Đến Võng La, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh người dân xay đỗ, làm đậu, mùi thơm phảng phấp khắp các ngõ, xóm của làng. Với trên 40 năm kinh nghiệm, bà Lê Thị Đoàn chia sẻ, người dân Võng La làm đậu phụ từ năm 1910 và trở thành nghề chính của địa phương. Trải qua không ít thăng trầm, có lúc làng chỉ còn vài hộ làm đậu phụ nhưng với quyết tâm giữ nghề của người dân cùng sự hỗ trợ từ chính quyền xã, huyện, nghề này dần được khôi phục và phát triển.

Nói về quy trình làm đậu phụ ở Võng La, bà Lê Thị Đoàn cho hay, muốn sản phẩm ngon, đầu tiên là lựa đỗ tương sạch, tròn hạt, vỏ mỏng vàng, đem ngâm nước giếng cho hạt nở. Mùa hè ngâm khoảng 4 giờ, mùa đông ngâm 6 giờ là vừa đủ. Sau khi ngâm, vỏ hạt đỗ tự bong ra, người làm nghề đem vo sạch và cho vào xay nghiền. Lượng nước dùng khi xay đậu phải vừa đủ, bởi ít nước việc hòa tan các chất kém, tạo ma sát mạnh, gây nên hiện tượng tăng nhiệt, làm protein biến tính, khiến cho đậu phụ bị giảm chất. Sau khi xay tạo ra sữa đậu có màu trắng, không bọt là nước đậu ngon, có vị bùi, béo. Tiếp đó đổ sữa đậu vào túi lọc, bỏ bã lấy nước tinh đun sôi, múc ra nồi om và chế thêm nước chua tự nhiên, rồi khuấy đều.

“Khâu chế nước chua vô cùng quan trọng, vì đây là công đoạn quyết định phần lớn chất lượng đậu. Nước chua màu vàng nhạt là phù hợp, nước quá trong làm cứng đậu; ngược lại nước đục, đậu sẽ nhão. Sau khâu pha chế này, sữa đậu sánh lại thành hoa đậu (óc đậu) và được cho vào khuôn ép, tạo thành bìa đậu phụ. Nhiệt độ của hoa đậu đem ép tốt nhất là 70-80 độ C, nếu để dưới 60 độ C hoa đậu không kết dính, bánh đậu bở và không thành hình được...”, bà Lê Thị Đoàn chia sẻ.

Là đặc sản của làng nghề truyền thống, song đậu phụ Võng La vẫn được sản xuất theo quy mô hộ gia đình, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu hay tiếp cận thị trường, nên sức tiêu thụ thấp. Với khát khao giữ nghề, đưa đậu phụ Võng La ra khỏi “làng”, các bạn trẻ tại xã Võng La đã thành lập Hợp tác xã Thanh niên Võng La để lưu giữ nghề truyền thống này. Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Võng La Lê Văn Đạt cho biết, với mong muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông, anh cùng 6 thanh niên trong xã thành lập hợp tác xã, nhằm sản xuất đậu phụ theo quy trình chuẩn, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, giúp đậu phụ Võng La có chỗ đứng trên thị trường.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, hợp tác xã đã đưa máy móc vào sản xuất, thay vì làm thủ công như trước kia. Giám đốc Lê Văn Đạt khẳng định, chất lượng sản phẩm là tiêu chí then chốt của đậu phụ Võng La. Đặc biệt, để bảo đảm sản xuất theo chuỗi khép kín, Võng La duy trì gần 30ha đất hoa màu trồng đậu tương, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho làng nghề.

Từ những thành công bước đầu, Hợp tác xã Thanh niên Võng La liên kết các hộ sản xuất hình thành nguồn cung lớn cho thị trường. Năm 2020, khi tham gia Chương trình OCOP của thành phố, sản phẩm đậu phụ Võng La của hợp tác xã đạt chứng nhận 3 sao, với 3 sản phẩm: Đậu phụ truyền thống, đậu phụ nướng và đậu phụ cháy thịt.

Đánh giá về sản phẩm đậu phụ Võng La, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, sản phẩm đậu phụ của hợp tác xã bảo đảm tiêu chuẩn “3 không”: Không chất phụ gia, không chất bảo quản, không thạch cao. Đồng thời, đậu phụ được kiểm định và cấp giấy chứng nhận bởi Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia.

Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Võng La Lê Văn Đạt thông tin, sau khi tham gia Chương trình OCOP, đậu phụ của hợp tác xã được biết đến nhiều hơn, các công ty thực phẩm đặt hàng ngày một nhiều. Do sản lượng tăng, nên hợp tác xã đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động, chủ yếu là thanh niên tại làng nghề, với mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đậu phụ Võng La tiếp tục vươn xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.