Tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả

Ánh Dương| 27/02/2023 07:38

(HNM) - Năm 2022, huyện Gia Lâm tập trung thực hiện “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”. Nhờ đó đến nay, huyện phát triển được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người sản xuất.

Nông dân xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) thu hoạch khoai tây vụ đông. Ảnh: Hoàng Nga

Điển hình là mô hình trồng khoai tây vụ đông, được triển khai thực hiện thí điểm tại 3 xã: Yên Thường, Dương Hà và Dương Quang cuối năm 2022. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho biết, mô hình được triển khai trên tổng diện tích 15ha. Trong thời gian thực hiện mô hình, Phòng phối hợp với Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các hộ tham gia mô hình về: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ trong phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch; hướng dẫn kỹ năng tiếp cận thị trường nông sản, xây dựng liên kết trong sản xuất chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp thu mua nông sản; hỗ trợ các hộ 50% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thường Nguyễn Chí Nguyện thông tin: Khoai tây sau thu hoạch, năng suất đạt hơn 16,6 tấn/ha, giá bán ra thị trường 8.500 đồng/kg, giá trị kinh tế đạt hơn 140 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình cho năng suất cao, ổn định, sản phẩm đạt chất lượng nên địa phương sẽ tuyên truyền vận động nông dân mở rộng diện tích trồng, tạo thành vùng sản xuất lớn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cũng khẳng định, thời gian tới, Phòng tiếp tục đề xuất với UBND huyện xem xét, hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng khoai tây vụ đông ra các xã khác trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp tăng thu nhập cho hộ nông dân.

Trong khi đó, mô hình thí điểm sử dụng biện pháp bao quả để phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chuối ở xã Kim Sơn cũng cho hiệu quả khả quan. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Sơn Bùi Văn Quyên, diện tích trồng chuối của xã 145ha, lớn nhất huyện, chiếm 60% tổng diện tích trồng cây ăn quả của xã. Sản lượng quả chuối hằng năm lên đến hàng chục nghìn tấn, được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc… Khi địa phương triển khai thí điểm mô hình bao quả trên diện tích 1ha cho thấy: Quả chuối xanh, giữ được phấn, vỏ quả bóng, đẹp, không gây ô nhiễm môi trường, giúp hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại lợi nhuận gần 14 triệu đồng/sào/vụ.

Với những ưu điểm, hiệu quả thiết thực từ mô hình bao quả chuối ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm đang tuyên truyền để nông dân trên địa bàn huyện áp dụng rộng rãi trên cây chuối và cây trồng khác (cam, bưởi, đu đủ…), góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, toàn huyện duy trì và phát triển 1.693,5ha trồng rau, củ, quả an toàn tại các vùng sản xuất chuyên canh, trong đó có 453,4ha rau, củ an toàn, 1240,07ha quả an toàn; duy trì và mở rộng thêm 110ha sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng tổng diện tích toàn huyện lên 415,73ha. Trong năm 2022, Phòng Kinh tế huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức triển khai 29 mô hình thí điểm và mô hình trình diễn nhân rộng, ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, quả, trong đó có: 8 mô hình sản xuất cà chua nhót, hoa, rau, quả trong nhà lưới tại các xã: Dương Quang, Lệ Chi, Đa Tốn, Trung Mầu, Phú Thị; 8 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong xử lý bệnh vàng lá, thối rễ, rụng quả, bao quả trên cây bưởi, chuối, trồng dưa chuột lai tại các xã: Phú Thị, Kim Sơn, Trung Mầu, Dương Quang, Phù Đổng, Đặng Xá, Văn Đức; 3 mô hình sản xuất hoa giấy, cà pháo, dưa lê vàng theo hướng sinh thái hữu cơ tại các xã: Phù Đổng, Yên Thường…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, năm 2023, huyện phấn đấu chuyển đổi 60ha diện tích đất trồng màu, lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, tập trung tại các xã: Phù Đổng, Trung Mầu, Dương Xá, Văn Đức, Yên Thường; xây dựng 16 mô hình thí điểm và mô hình trình diễn nhân rộng trong sản xuất rau, hoa, quả theo hướng VietGAP, sinh thái hữu cơ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu nâng tổng diện tích sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP lên 515,73ha...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả