Hoài Đức giải bài toán nâng cao giá trị thương hiệu

Ánh Dương| 19/08/2022 07:10

(HNM) - Triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Hoài Đức có 68 sản phẩm thực phẩm, mặt hàng trang trí và đồ gia dụng được thành phố Hà Nội chấm điểm, phân hạng, trong đó có 15 sản phẩm được cấp chứng nhận 4 sao và 5 sao. Tiếp nối thành công, huyện Hoài Đức tiếp tục tập trung xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm OCOP.

Sản phẩm đũa gỗ trắc đầu ngọc và tăm của Công ty TNHH Trường Thịnh (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Tại xã Minh Khai (huyện Hoài Đức), các chủ thể đã được cơ quan chức năng huyện Hoài Đức, Sở NN&PTNT Hà Nội, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ xây dựng thành công 11 sản phẩm OCOP.

Chủ tịch UBND xã Minh Khai Đỗ Xuân Đáng cho biết, nhiều chủ thể sản xuất ra những sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương và đạt OCOP 4 sao, như: Nước tương, dầu hào, sa tế của hộ kinh doanh thương mại chế biến thực phẩm gia vị Hùng Thắng; miến dong sợi rút, bún khô, bún gạo lứt của các hộ kinh doanh Lợi Hải, Phương Nam; miến tinh bột sắn dây DOCHI của hộ kinh doanh Đỗ Danh Xuân... Các sản phẩm sau khi đạt OCOP, được các chủ thể tiếp tục quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng, làm đẹp bao bì... đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng. Nhờ đó, lượng sản phẩm xuất bán tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi...

Tương tự, các sản phẩm đũa gỗ trắc đầu ngọc và tăm Trường Thịnh của Công ty TNHH Trường Thịnh (thôn 9, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức), sau khi đạt OCOP 4 sao, được nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành phố biết đến. Giám đốc Công ty TNHH Trường Thịnh Nguyễn Bách Trường cho biết: “Khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm của đơn vị được cơ quan chức năng, địa phương trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, hội nghị lớn của huyện và thành phố... Nhờ đó, chúng tôi đã có cơ hội kết nối với khách hàng, lượng tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng. Chúng tôi có các sản phẩm tăm tre và 20 sản phẩm đũa gỗ trơn, vuông, tròn, đầu gắn ngọc các loại. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phấn đấu xây dựng sản phẩm đũa gỗ trơn đạt OCOP 4 sao trở lên, vừa góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động”.

Ngoài ra, các xã Dương Liễu, Sơn Đồng, Tiền Yên... cũng có nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống đạt OCOP 4 sao, như: Tinh dầu gừng, gừng mật ong, miến dong sợi rút, bộ cuốn thư câu đối, tranh thêu tứ bình...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến, năm 2022, toàn huyện phấn đấu có ít nhất 35 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, đạt từ 3 sao trở lên. Để hoàn thành mục tiêu, huyện tập trung hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; tổ chức khai trương từ 1 đến 2 điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc trưng của huyện...

Từ đầu năm đến nay, Hoài Đức đã tổ chức đánh giá đợt 1 được 17 sản phẩm đạt 4 sao, đang trình UBND thành phố đánh giá phân hạng và công nhận sao OCOP. Thời gian tới, huyện tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ngành thành phố tổ chức tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO... đối với sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng hoặc nâng cấp sao OCOP. Đồng thời, huyện tổ chức tuyên truyền về chính sách hỗ trợ liên quan đến Chương trình OCOP tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn nhằm khuyến khích các chủ thể chủ động tham gia Chương trình OCOP, tạo sản phẩm tiêu biểu và tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức giải bài toán nâng cao giá trị thương hiệu