Huyện Sóc Sơn: Nỗ lực liên kết tiêu thụ nông sản công nghệ cao, hữu cơ

Bạch Thanh| 06/07/2022 16:07

(NSHN) - Ngày 6-7, Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức diễn đàn "Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp".

Quang cảnh diễn đàn.

Huyện Sóc Sơn hiện có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ; chăn nuôi lợn sinh học; trồng nấm công nghệ cao... Đến nay, huyện đã có 76 sản phẩm được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao.

Về phát triển kinh tế nông thôn, Sóc Sơn hiện có 10 hợp tác xã toàn xã; 43 hợp tác xã thôn, liên thôn và 53 hợp tác xã chuyên ngành. Các hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ công ích thủy lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, huyện đang có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Huyện định hướng hỗ trợ tối đa các đơn vị sản xuất công nghệ cao, hữu cơ, từ khâu tổ chức sản xuất đến quảng bá cũng như tiêu thụ.

Tham gia diễn đàn, bà Đỗ Thị Minh, đại diện Công ty nông lâm Việt Đức chuyên sản xuất dược liệu hữu cơ tại xã Minh Trí bày tỏ, đơn vị đã và đang liên kết sản xuất dược liệu với doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu. Với nhiều sản phẩm dược liệu hữu cơ tốt, bà Minh mong muốn mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu bổ trợ cho nhau, để mô hình phát triển bền vững.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Tân Hưng, xã Tân Hưng chia sẻ: Hợp tác xã hiện nay sản xuất chủ yếu các loại lúa gạo đặc sản, trong đó, vụ xuân chủ lực là gạo J02, vụ mùa là nếp cái hoa vàng với quy mô lên tới 250ha sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Mặc dù quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm vượt trội nhưng đầu ra vẫn chưa được như mong muốn...

Nhiều nông dân, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao tham dự diễn đàn đều mong muốn mở rộng quy mô, kết nối tiêu thụ ổn định thông qua các kênh bán hàng bài bản, qua đó yên tâm mở rộng sản xuất, đầu tư.

Nhiều nông sản chất lượng cao của huyện Sóc Sơn được giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp thu mua ngay bên lề diễn đàn khuyến nông.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để sản phẩm nông nghiệp vào được hệ thống phân phối hiện đại, nông dân, HTX cần chú trọng các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu và chất lượng. Bên cạnh đó, nông dân, HTX cần phân loại đối tượng tiêu dùng theo từng phân khúc (nông thôn hay thành thị) và chủ động tìm hiểu thị trường.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển đánh giá cao vùng nông nghiệp Sóc Sơn với nhiều sản phẩm chất lượng cao, được chứng nhận chất lượng từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, địa phương, doanh nghiệp, nông dân cần có sự liên kết, kết nối, trao đổi thông tin để lựa chọn mô hình tiêu thụ nông sản phù hợp, giúp các mô hình phát triển bền vững.

Chung quan điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân nhấn mạnh, người sản xuất, HTX cần liên kết với nhau, nhất là ở những khâu như: Bảo quản sau thu hoạch, sơ chế sản phẩm... Về phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, cần xúc tiến hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng các mô hình điểm về kho lạnh bảo quản, dây chuyền chế biến..., góp phần gia tăng giá trị nông sản.

Tại diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa một số hộ sản xuất, HTX trên địa bàn huyện Sóc Sơn với các doanh nghiệp lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sóc Sơn: Nỗ lực liên kết tiêu thụ nông sản công nghệ cao, hữu cơ