Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội: Đoàn kết, thống nhất hoàn thành nhiệm vụ được giao

Hương Ly| 19/06/2022 07:20

(HNM) - Chặng đường phát triển 10 năm (2012-2022) của Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có không ít thử thách với việc phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: Xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và làm tốt công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút các dự án lớn vào các khu công nghiệp của Thủ đô. Toàn Đảng bộ đã đoàn kết, thống nhất khắc phục khó khăn, không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được thành phố giao.

Bí thư Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long trao quyết định thành lập Đảng bộ Khu công nghiệp Quang Minh.

Tăng cả chất và lượng

Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, tháng 6-2012, Thành ủy đã ban hành Quyết định số 1771-QĐ/TU thành lập Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy.

Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, khi mới thành lập, Đảng bộ chỉ có 5 tổ chức Đảng, với 248 đảng viên. Đảng bộ ra đời giữa bối cảnh nền kinh tế nước ta và thế giới đang gặp giai đoạn khủng hoảng, suy giảm nên công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp có rất nhiều thách thức. Song, vượt qua những khó khăn, công tác chính trị, tư tưởng luôn được Ban Thường vụ Đảng ủy triển khai nền nếp, bài bản, cho kết quả là nhiều năm không phát sinh điểm nóng, không xảy ra đình công, biểu tình đông người.

Năm 2016, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội được Thành ủy nâng cấp thành Đảng bộ cấp trên cơ sở, tạo tiền đề quan trọng giúp Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

Ngay sau Đại hội đại biểu lần thứ II (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp, bảo đảm bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.

Sau 10 năm hoạt động, tính đến tháng 5-2022, số tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ đã tăng 19,2 lần, số đảng viên tăng 5,35 lần so với lúc đầu thành lập. Đến nay, toàn Đảng bộ có 96 tổ chức Đảng, với 1.328 đảng viên. Tổng số tổ chức Công đoàn cơ sở là 315 tổ chức, với 135.460 đoàn viên. Tổ chức Đoàn thanh niên cơ sở là 44 tổ chức, với 3.555 đoàn viên…

Đáng chú ý, Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất cũng đã hoàn thành Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025”; đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 7-1-2022… Những kết quả mà toàn Đảng bộ đạt được đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển chung của Thủ đô Hà Nội những năm qua.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thu hút nhiều dự án lớn

Song hành với việc triển khai công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao luôn được Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

Lũy kế đến hết năm 2021, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án, trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,43 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư. Doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.855 triệu USD, tăng 16,71% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 180 triệu USD, tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2021.

Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long chia sẻ, để vượt qua những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ và hoàn thành “nhiệm vụ khó” được Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng giao phó là xây dựng và phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chế xuất, bài học đầu tiên chính là phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy; tranh thủ sự quan tâm của Thành ủy, sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các Ban Đảng Thành ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố. Đặc biệt, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội với các quận, huyện có khu công nghiệp đóng trên địa bàn. Cùng với đó, cần đồng hành, nắm bắt, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển…

Đồng chí Lê Quang Long cũng khẳng định, giai đoạn tới, Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ không ngừng đổi mới phương pháp làm việc theo hướng khoa học, hiệu quả, sâu sát hoạt động của doanh nghiệp để tạo nguồn thành lập các tổ chức Đảng, kết nạp thêm đảng viên, đoàn viên mới. Song hành với việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, Ban Thường vụ Đảng ủy cũng phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập mới từ 5 đến 7 khu công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội: Đoàn kết, thống nhất hoàn thành nhiệm vụ được giao