Thanh Trì bảo đảm đầu ra cho rau an toàn

Ngọc Quỳnh| 20/05/2022 07:24

(HNM) - Huyện Thanh Trì là một trong những địa phương có diện tích rau an toàn lớn của Hà Nội. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Thanh Trì tiếp tục duy trì, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát hỗ trợ tiêu thụ rau an toàn cho nông dân huyện Thanh Trì. Ảnh: Thu Xuyến

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (huyện Thanh Trì) Lưu Ngọc Nam cho biết, để bảo đảm nguồn rau an toàn, cung cấp ổn định cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, hợp tác xã đã liên kết với 120 hộ nông dân ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) sản xuất hơn 20ha rau sạch. Ngoài ra, đơn vị còn ký kết bao tiêu toàn bộ rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc...

Nói rõ hơn vấn đề này, bà Ngô Thị Như ở thôn 2, xã Yên Mỹ cho biết, gia đình có 1,6 mẫu rau, mỗi vụ, gia đình cung cấp cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát 3-7 tấn rau màu các loại; còn lại khoảng 50% được bán tại các chợ đầu mối, trừ chi phí, gia đình bà thu lãi 120-130 triệu đồng/năm. Còn theo ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Duyên Hà), toàn xã hiện có 54,7ha sản xuất rau an toàn, trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 20ha. Sản lượng rau của hợp tác xã đạt 3.000 tấn/năm. Thực hiện liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn, hợp tác xã đã bao tiêu một phần sản phẩm rau cho nông dân bán tại các cửa hàng, siêu thị...

Đánh giá về hiệu quả của chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, toàn huyện có 140ha rau an toàn, trong đó, 106ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc… Huyện duy trì mô hình nhóm hộ liên kết chuỗi với 151 hộ tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát, Công ty Davicorp, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan, Công ty Thắng Loan... với tổng diện tích 37ha, giá thu mua ổn định và cao hơn giá thị trường khoảng 10-15%.

“Cùng với duy trì vùng sản xuất rau an toàn, huyện hỗ trợ kinh phí mua phân hữu cơ cho các hộ sản xuất tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, bảo đảm nguồn cung rau sạch cho thị trường. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tổ chức các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm an toàn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc tại thị trấn Văn Điển, Tứ Hiệp, Tân Triều... Do đó, 80% bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện sử dụng rau an toàn, nâng sản lượng rau tiêu thụ qua các công ty, doanh nghiệp lên 60%”, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh nhấn mạnh.

Để phát huy hiệu quả của các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, thời gian tới, huyện ưu tiên phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ; tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã mở gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh khâu tiêu thụ cho nông dân khi vào vụ thu hoạch.

Về lĩnh vực này, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, chuỗi liên kết tiêu thụ rau an toàn ở huyện Thanh Trì đang cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tiêu thụ ổn định. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn trực tuyến miễn phí cho các hợp tác xã sản xuất rau an toàn, kỹ năng bán hàng online, livestream để tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì bảo đảm đầu ra cho rau an toàn