Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Minh Phú| 18/05/2022 07:40

(HNM) - Chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững. Huyện Phúc Thọ đã và đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, trong đó có việc đưa công nghệ số vào tiêu thụ sản phẩm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, từ năm 2019 đến 2021, huyện đã có 50 sản phẩm nông sản, làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận OCOP 3 và 4 sao. Huyện cũng có nhiều vùng sản xuất an toàn, hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn, nhiều nông sản được công nhận nhãn hiệu tập thể…

Những năm gần đây, một số hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn huyện đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, Hợp tác xã chuối Vân Nam đã xây dựng website bán và quảng bá sản phẩm; các sản phẩm thịt lợn sinh học xã Thọ Lộc, rau an toàn Thanh Đa, bưởi Vân Hà… đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc và niêm yết trên trang web hn.check.net.vn của thành phố Hà Nội...

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của huyện, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến...

Chị Hoàng Thị Ái Mơ, thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Phú An (xã Thanh Đa) cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa hiểu nhiều về chuyển đổi số, những việc cần phải làm để tiến hành chuyển đổi số. Bên cạnh đó, người sản xuất vẫn khó tiếp cận được các ứng dụng khoa học công nghệ, kiến thức, cách làm mới… Nếu phải đầu tư, chúng tôi mong được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị chuyển đổi số trong nông nghiệp”.

Tháo gỡ khó khăn, huyện Phúc Thọ đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn về chuyển đổi số trong nông nghiệp cho đại diện các trang trại, hợp tác xã và người dân có nhu cầu. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và dựa trên nền tảng số, dữ liệu số… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quang Vinh, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam cho rằng, ứng dụng các kỹ thuật thông minh trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc như nhà lưới, hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, truy xuất nguồn gốc, bán hàng trên nền tảng số… chính là cách để nông dân ứng dụng để chuyển đổi số.

Mới đây, huyện Phúc Thọ đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo; đồng thời, tiếp tục làm cầu nối mở rộng phát triển vùng nguyên liệu. Huyện mong muốn được thành phố hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại điện tử thông qua tập huấn, hướng dẫn bán hàng trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ số...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp