Sóc Sơn tập trung xử lý vi phạm đất đai

Đức Duy| 13/05/2022 07:25

(HNM) - Trong một thời gian dài, trên địa bàn huyện Sóc Sơn tồn đọng hàng nghìn vi phạm về đất đai, gây bức xúc trong dư luận. Để lập lại trật tự kỷ cương, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền xã, thị trấn quyết liệt vào cuộc, tập trung rà soát, xử lý dứt điểm vi phạm…

Lực lượng chức năng phá dỡ một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Hoàng Sơn

Theo Kết luận Thanh tra số 139/KL-STNMT-TTr ngày 15-1-2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn huyện Sóc Sơn tồn đọng 2.190 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, diện tích lên tới 77,25ha. Vi phạm xảy ra ở cả 26 xã, thị trấn, trong đó chủ yếu là trên đất nông nghiệp với 1.530 trường hợp, 514 trường hợp trên đất công và 146 trường hợp trên đất nông nghiệp...

Trước thực trạng trên, bên cạnh việc tập trung ngăn chặn vi phạm mới phát sinh, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án xử lý những vi phạm kéo dài nhiều năm nay trên quan điểm là xử lý quyết liệt, không nể nang. Đặc biệt, địa phương nào để xảy ra nhiều vi phạm mà chậm xử lý thì chủ tịch UBND xã, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện. Quán triệt quan điểm này, nhiều địa phương ở Sóc Sơn đã tập trung vào cuộc xử lý vi phạm.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại xã Mai Đình, địa phương này tồn đọng 55 trường hợp vi phạm. Để xử lý, xã Mai Đình đã vận động được 43 hộ dân tự tháo dỡ công trình, tổ chức cưỡng chế 11 trường hợp, còn 1 trường hợp đang thực hiện các bước xử lý theo quy trình.

Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình Nguyễn Văn Long cho biết, để việc xử lý vi phạm diễn ra an toàn, đúng quy định, xã thống kê, rà soát, phân loại và lập biên bản hiện trạng đầy đủ, chi tiết từng trường hợp, sau đó thông báo cho chủ hộ biết để chủ động tháo dỡ trước khi bị cưỡng chế. Nhờ cách làm này, nhiều diện tích đất bị lấn chiếm đã được trả lại cho tập thể. Chẳng hạn như vi phạm của hộ ông Nguyễn Văn Toán ở thôn Thái Phù (xã Mai Đình) tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Cuối tháng 12-2021, sau khi được tuyên truyền, gia đình ông Toán đã tự tháo dỡ vi phạm. Hay trường hợp xây dựng 117m2 nhà xưởng trên đất công của hộ ông Phạm Gia Hữu cũng đã được xã xử lý dứt điểm, trả lại mặt bằng cho tập thể quản lý.

Trong khi đó, tại xã Tân Dân, từ năm 2020 trở lại đây đã xử lý được 58 trường hợp, còn 7 trường hợp xã đang lập hồ sơ báo báo UBND huyện hướng giải quyết…

Ngoài sự chủ động vào cuộc của các xã trên, theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn, thời gian qua, các xã, thị trấn khác cũng xử lý quyết liệt vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên đất nông nghiệp theo Kết luận Thanh tra số 139/KL-STNMT-TTr của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Nhờ vậy, đến ngày 31-12-2021, toàn huyện đã xử lý, giải tỏa dứt điểm được gần 2.000 trường hợp. Còn hơn 190 trường hợp, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương hoàn thành xử lý trong năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho rằng, dù đạt được những kết quả trong xử lý vi phạm nhưng Sóc Sơn vẫn là địa bàn nóng về đất đai, dễ phát sinh vi phạm và tái vi phạm. Do vậy, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện tiếp tục tập trung ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh; gắn trách nhiệm đến từng cá nhân để xử lý nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhất là tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn tập trung xử lý vi phạm đất đai