Tạo đà phát triển kinh tế ở Sóc Sơn

Hoàng Sơn| 22/11/2021 07:33

(HNM) - Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Sóc Sơn đã có 61 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được công nhận 3-4 sao. Đây là động lực quan trọng để Sóc Sơn phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Hiện, huyện đang tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP nhằm tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn) được công nhận là sản phẩm OCOP "4 sao". 

Là chủ thể quản lý 20 sản phẩm OCOP, bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân cho biết, lợi ích lớn nhất khi tham gia Chương trình OCOP là giúp hợp tác xã nâng cao ý thức trong sản xuất, tạo nhiều sản phẩm tốt, cung cấp đến người tiêu dùng. Hiện nay, các sản phẩm rau cải chíp, bí xanh, su hào, cà tím, đậu cove, cải canh, cà chua... của hợp tác xã đều được công nhận "4 sao", đáp ứng tiêu chí về chất lượng, quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp cho thị trường 20-25 tấn rau, củ, quả, doanh thu đạt 450-500 triệu đồng/tháng.

Còn bà Đinh Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng khẳng định: Từ ngày sản phẩm của hợp tác xã được gắn "4 sao", thị trường tiêu thụ ổn định hơn. Hiện, các sản phẩm: Vòng đeo tay hạt gỗ hương, rèm hạt gỗ hương, mành hạt gỗ bồ đề... được thị trường ưa chuộng nên sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Nhờ vậy, hợp tác xã tạo được việc làm cho 8-12 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định. "Chúng tôi đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nhiều mẫu mã đẹp, có sức cạnh tranh trên thị trường, doanh thu nhờ đó tăng cao hơn trước khoảng 1,5-2 tỷ đồng/năm", bà Đinh Thị Quỳnh Nga cho biết thêm...

Ngoài 2 chủ thể trên, hiện nay, trên địa bàn Sóc Sơn còn nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với Chương trình OCOP, như: Hợp tác xã Tâm Ngọc (xã Đông Xuân), Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (xã Minh Trí), Hợp tác xã Lâm nghiệp Bắc Sơn (xã Bắc Sơn)...

Để giúp các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm OCOP, Sóc Sơn đã huy động nguồn lực được hơn 900 triệu đồng mở các lớp tập huấn kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ kinh phí in tem, nhãn mác, mã QR cho sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ cho biết, tuy số sản phẩm được công nhận OCOP là 61, vượt 22 sản phẩm so kế hoạch, nhưng kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, huyện xác định phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp trọng tâm để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân; phấn đấu mỗi năm, huyện có thêm 10-15 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3-4 sao trở lên. Đến hết năm 2025, toàn huyện dự kiến có hơn 100 sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Để đạt mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khoa học và công nghệ vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề. Cùng với đó, huyện tiếp tục làm cầu nối giúp các tổ chức, cá nhân tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà phát triển kinh tế ở Sóc Sơn