Những cánh đồng không khói ở Sóc Sơn

Hoàng Huân| 08/11/2021 07:40

(HNM) - Thời điểm này, trên các xứ đồng ở huyện Sóc Sơn, nông dân đã hoàn thành thu hoạch lúa mùa và đang tích cực thu gom rơm rạ, ủ hoai mục làm phân bón hữu cơ. Việc làm này cần được nhân rộng bởi không chỉ có lợi ích về kinh tế mà còn tạo nên những cánh đồng không khói rơm rạ, góp phần bảo vệ môi trường...

Nông dân huyện Sóc Sơn thu gom rơm rạ vụ mùa 2021 để ủ làm phân hữu cơ. Ảnh: Hoàng Sơn

Vụ mùa vừa qua, hơn 4 sào lúa của gia đình chị Nguyễn Thị Thân ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn ít bị sâu bệnh, năng suất lúa đạt cao hơn những vụ trước. “Được như vậy là nhờ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ của vụ lúa trước làm phân bón”, chị Nguyễn Thị Thân chia sẻ. Còn theo chị Nguyễn Thị Hòa, ở xã Thanh Xuân, nhờ lượng phân bón từ rơm rạ ủ hoai mục, gia đình chị đã giảm được 65% chi phí mua phân hóa học bón cho cây trồng mà năng suất, chất lượng lúa vẫn đạt cao...

Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân Ngô Xuân Trường, địa phương cấy hơn 400ha lúa, trước đây, lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn. Khi đến vụ sản xuất mới, người dân có thói quen đốt bỏ ngoài đồng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến an ninh hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Chính vì vậy, việc xử lý rơm rạ luôn là yêu cầu cấp thiết tại địa phương.

“Trong 2 vụ lúa vừa qua, nông dân trong xã sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, cho kết quả tích cực: Rơm rạ nhanh phân hủy, dễ làm đất, lúa ít sâu bệnh gây hại, nhất là hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Chúng tôi tiếp tục giao các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của mô hình để nhân rộng ra 100% số hộ trồng lúa trên địa bàn”, ông Ngô Xuân Trường thông tin.

Tương tự, mô hình xử lý rơm rạ làm phân bón tại các xã: Phú Minh, Mai Đình, Quang Tiến, Phú Cường, Tân Dân… cũng cho lợi ích “kép”: Tạo nguồn phân bón cho cây trồng và không ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này trong thời gian qua chủ yếu do Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn và Hội Liên hiệp phụ nữ các xã thực hiện, tập trung ở những nơi xung quanh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; tại các địa phương khác, người dân tham gia chưa nhiều.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Trương Thị Thanh Nhàn cho biết, sau khi đánh giá hiệu quả mô hình xử lý rơm rạ làm phân bón ở vụ xuân 2021, hội đã triển khai nhân rộng mô hình đến hội viên phụ nữ tại 25 xã trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có 100% số xã ký cam kết không đốt rơm rạ; 100% số xã xây dựng phương án xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đặc biệt, từ tháng 10 đến nay, nông dân trong huyện đã thu gom được hơn 6.000 tấn rơm để ủ làm phân hữu cơ, góp phần hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên các xứ đồng.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình, UBND huyện Sóc Sơn đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế phối hợp với các hội, đoàn thể rà soát, đánh giá lại lượng rơm rạ, phụ phẩm cây trồng phát sinh ở từng vụ sản xuất để lập đề án xử lý; đồng thời, xây dựng kinh phí mua chế phẩm sinh học, tập huấn kỹ thuật ủ rơm rạ cho nông dân. Huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của mô hình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ, khi nông dân thấy được lợi ích của mô hình này sẽ tự nguyện từ bỏ thói quen đốt rơm rạ, góp phần tạo ra ngày càng nhiều cánh đồng không khói rơm tại huyện Sóc Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cánh đồng không khói ở Sóc Sơn