Sóc Sơn phát huy thế mạnh các vùng trọng điểm

Tùng Thanh| 20/08/2021 07:27

(HNM) - Liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã và đang được huyện Sóc Sơn hình thành, phát triển với nội dung, hình thức đa dạng. Từ đó, các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện Sóc Sơn phát huy được thế mạnh, trụ vững trước những tác động của thị trường, dịch bệnh...

Sản xuất rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho hiệu quả cao nhờ đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Xã Minh Phú được coi là "thủ phủ" chăn nuôi gà đồi của huyện Sóc Sơn với nhiều trang trại tận dụng lợi thế vườn đồi, nuôi bán hoang dã dưới tán cây ăn quả. Toàn xã có gần 3.000ha đất tự nhiên thì 3/4 diện tích là đồi, rừng. Ông Đặng Quang Tiến - hộ chăn nuôi gà ở xã Minh Phú cho biết, hiện nay, đa số hộ chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Gà được phân thành từng khu chuồng theo độ tuổi để có chế độ chăm sóc phù hợp. Các hộ chăn nuôi còn tận dụng cây cỏ thiên nhiên làm thức ăn, đồng thời bổ sung vị thuốc, tăng sức đề kháng cho gà.

Sản phẩm gà đồi Sóc Sơn đã được đăng ký thương hiệu nên mang lại hiệu quả kinh tế cao 1,5-2 lần so với phương pháp nuôi truyền thống. UBND huyện Sóc Sơn cũng đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với giá bán cao hơn 10% so với trước, bảo đảm chất lượng sản phẩm... Hiện, tổng đàn gà trên địa bàn huyện đạt khoảng 1 triệu con, tập trung chủ yếu tại các xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú...

Tương tự, đối với cây rau, nhờ phát triển theo chuỗi giá trị, rau hữu cơ của Sóc Sơn cũng có vị thế tốt trên thị trường. Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bái Thượng, xã Thanh Xuân cho hay, ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản phẩm rau, củ, quả của nhiều địa phương tiêu thụ khó khăn thì nhờ sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ, rau của huyện Sóc Sơn vẫn tiêu thụ thuận lợi. "Toàn bộ sản phẩm hữu cơ của huyện Sóc Sơn trước khi đưa ra thị trường đều được sơ chế, đóng gói, dán tem nhãn thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Các vùng rau hữu cơ của Sóc Sơn đã có ký kết thu mua với 12 công ty và 45 điểm bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn thành phố...", ông Hoàng Văn Hưng thông tin thêm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, huyện đang tập trung xây dựng thương hiệu, thực hiện quản lý tốt 5 nhãn hiệu tập thể gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đó là: Rau hữu cơ Sóc Sơn, chè an toàn Bắc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn; các mặt hàng nông sản khác như: Đu đủ Nam Sơn; dưa, nấm ăn... cũng đã hoàn thiện bao bì sản phẩm, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Đến nay, các chuỗi liên kết trên địa bàn Sóc Sơn tiếp tục được mở rộng quy mô, thu hút hàng nghìn nông dân tham gia.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, Sóc Sơn cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng chuyên canh. Mặt khác, huyện cần phối hợp với các cơ quan chức năng tạo cơ chế ưu đãi về vốn vay, thuê đất, chính sách thuế để thu hút đầu tư; tập trung duy trì, phát triển các thương hiệu đã hoàn thành, tiếp tục xây dựng một số thương hiệu nông sản tiềm năng; việc tổ chức sản xuất theo chuỗi cần gắn với thông tin thị trường nhằm giúp nông dân chủ động, định hướng sản xuất, tạo thuận lợi hơn nữa trong khâu tiêu thụ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn phát huy thế mạnh các vùng trọng điểm