Giám sát để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng, đúng pháp luật

Hà Phong| 27/04/2021 12:05

(NSHN) - Ngày 27-4, đoàn viên công đoàn và người lao động thuộc Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ đã tham gia giao lưu trực tuyến "Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND". Chương trình do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tổ chức.

Trong chương trình, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã giải đáp các câu hỏi của người lao động.

Liên quan đến công tác giám sát việc bầu cử, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội thông tin, để thực hiện yêu cầu này, hoạt động giám sát, kiểm tra từ Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là hết sức cần thiết.

Trong những ngày qua, nhiều đoàn công tác của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đến các địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị cuộc bầu cử. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều vướng mắc ở cơ sở đã được đoàn công tác và địa phương cùng nhau tháo gỡ kịp thời, bảo đảm cho ngày bầu cử (23-5) thực sự là ngày hội của toàn dân.

Các nội dung giám sát đã, đang và sẽ thực hiện là:

Thứ nhất, việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử (nhất là ở địa phương) phải bảo đảm đúng pháp luật;

Thứ hai, giám sát việc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và thủ tục làm hồ sơ ứng cử; giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử;

Thứ ba, giám sát việc lập danh sách cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử; việc xóa tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp;

Thứ tư, giám sát việc vận động bầu cử, giám sát việc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử vận động bầu cử;

Thứ năm, giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử như việc lập thẻ cử tri có đúng mẫu quy định không, việc bố trí khu vực bỏ phiếu ra sao; giám sát việc kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử.

Trả lời câu hỏi của người lao động thắc mắc khi ngày bầu cử trùng vào ngày người lao động phải đi làm thì ngày hôm đó người lao động có được tính công không, đại diện Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, người lao động không được phép nhờ người đi bầu cử hộ trừ khi rơi vào hai trường hợp là người khuyết tật hoặc người không có chân tay, không thể tự viết phiếu.

Theo quy định, ngày bầu cử sẽ được bố trí vào chủ nhật để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi bỏ phiếu. Trong trường hợp cử tri là người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải bố trí thời gian làm việc hợp lý để họ được đi bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng, đúng pháp luật