Gia Lâm tận dụng lợi thế từ sản phẩm OCOP

Trung Nguyên| 16/04/2021 06:50

(HNM) - Trong các năm 2019 và 2020, huyện Gia Lâm có 49 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá, phân hạng, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao, 36 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao. Giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung xây dựng 100-150 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên nhằm tận dụng lợi thế phát triển kinh tế ở địa phương.

Sản xuất gốm sứ tại làng nghề truyền thống Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Tính đến hết năm 2020, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) xây dựng được 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm đạt 4 sao (bắp cải, cải thảo, súp lơ xanh, súp lơ trắng…) và 5 sản phẩm đạt 3 sao (mướp hương, bầu sao, rau muống…). Theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh, giai đoạn 2021-2025, Văn Đức tập trung duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng để các sản phẩm OCOP 3-4 sao sẽ đạt 5 sao; đồng thời gắn giới thiệu sản phẩm OCOP với mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm.

Cụ thể, theo Đề án nông nghiệp du lịch trải nghiệm ở Văn Đức được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt năm 2020, địa phương đang tập trung xúc tiến đầu tư trên diện tích 1ha ao thả cá và 20ha đồng ruộng sản xuất rau. Hợp tác xã cũng tái hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp và những nông cụ phục vụ sản xuất từ thời kỳ bao cấp, như: Cuốc, xẻng, quang gánh, xe thồ, xe đạp, xe cải tiến…

“Dự kiến năm 2023, mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái trải nghiệm đi vào hoạt động. Khách du lịch sẽ tham gia trồng, chăm sóc rau cùng nông dân, trải nghiệm bắt cá ở ao… Mô hình sẽ giúp địa phương phát triển các cửa hàng giới thiệu, bán nông sản tới khách thập phương, thêm dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ... góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn” - ông Nguyễn Văn Minh kỳ vọng.

Từ năm 2020 đến nay, Gia Lâm phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức khai trương 2 điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP tại các xã: Dương Xá và Bát Tràng, gắn với du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tới du khách. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng và các xã tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định 6 nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tập trung vào những sản phẩm lợi thế tại các làng nghề truyền thống: Gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; dát vàng quỳ và may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau, quả an toàn ở Văn Đức, Đặng Xá… gắn với du lịch làng nghề văn hóa, sinh thái trải nghiệm.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khẳng định, việc xây dựng, phát triển các điểm bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP rất quan trọng, qua đó khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng… Mỗi năm, huyện sẽ tổ chức ít nhất một chuyến đi thực tế cho cán bộ, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đến các huyện, tỉnh, thành phố đang thực hiện tốt Chương trình OCOP…

Huyện cũng tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, triển khai xây dựng thêm nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP khác gắn với các địa điểm du lịch làng nghề, sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn, góp phần quảng bá sản phẩm tiêu biểu của huyện tới khách thập phương, tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ và tăng thu nhập cho người dân làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm tận dụng lợi thế từ sản phẩm OCOP