Quốc Oai đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất

Hoàng Văn| 15/03/2021 07:38

(HNM) - Những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Quốc Oai có bước phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, Quốc Oai còn đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở tất cả các khâu, giúp nông dân chủ động được thời vụ, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng năng suất và nâng cao giá trị cây trồng.

Nông dân xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) cấy lúa bằng máy, giúp giảm chi phí trong sản xuất. Ảnh: Minh Khuê

Xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) là một trong những địa phương có tỷ lệ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cao nhất huyện. Toàn xã có khoảng 94ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khâu làm đất và thu hoạch được nông dân sử dụng máy móc 100%, cấy máy đạt 25%. Ông Lương Văn Học - người dân xã Thạch Thán cho biết, việc đưa máy móc vào sản xuất giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, kinh phí và công sức lao động. Trong đó, khâu làm mạ khay, cấy máy, giúp nông dân giảm được 40% lượng thóc giống so với gieo mạ theo phương pháp truyền thống. Lúa cấy bằng máy đều, thưa nên mặt ruộng thông thoáng, tăng khả năng quang hợp, giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, ít bị sâu bệnh.

Tương tự, tại các xã: Đồng Quang, Đông Yên, Tuyết Nghĩa, Sài Sơn... mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng tăng mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất. Bà Nguyễn Thị Sắc, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, tính đến vụ xuân 2021, huyện đã hỗ trợ nông dân hàng chục tỷ đồng mua 25 máy làm đất công suất lớn, 15 máy cấy, 33 máy gặt đập liên hợp. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% kinh phí cho 20 hộ dân các xã: Tân Hòa, Sài Sơn, Đồng Quang mua máy làm đất đa năng... Nhờ đó, huyện Quốc Oai cơ giới hóa khâu làm đất 100%, tưới tiêu đạt 95%, thu hoạch đạt 90%, khâu cấy mới đạt 12%.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê khẳng định, hiện nay, nông dân đã ý thức được vai trò quan trọng của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, vì không chỉ giải quyết được bài toán thiếu lao động ở nông thôn, mà còn có thể áp dụng trên diện tích lớn, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích sản xuất. Năng suất lúa cấy máy cao hơn cấy thủ công 10-15%, giảm chi phí cho nông dân khoảng 6 triệu đồng/ha/năm...

Phát huy kết quả đạt được, huyện Quốc Oai đặt mục tiêu đến năm 2025, khâu thu hoạch lúa sử dụng 100% bằng máy gặt đập liên hợp, 50-55% áp dụng mạ khay, cấy máy...

Để đạt mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Để hỗ trợ các hộ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện có phương án hỗ trợ một lần, tối đa 50% giá trị máy, nhưng không quá 75 triệu đồng/máy hoặc hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% trong 3 năm...

Ở góc độ cơ sở, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang Vương Duy Hùng cho biết, để tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đang đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, chủ động nguồn nước tưới, tiêu; tăng cường tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất mới cho nông dân.

Đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của huyện Quốc Oai nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Khi triển khai thành công, chương trình giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quốc Oai đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất