Thạch Thất chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

Ngọc Quỳnh| 08/01/2021 06:53

(HNM) - Thời gian qua, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, nông sản, huyện Thạch Thất tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ việc được tạo điều kiện phát triển, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã nhận được các hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.

Chăm sóc su hào tại Hợp tác xã Rau Hương Ngải (huyện Thạch Thất). Ảnh: Hương Giang

Là một trong những chủ thể có sản phẩm vừa được chấm điểm công nhận đạt OCOP "4 sao", ông Nguyễn Trung Đức ở xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) thông tin, cơ sở đang sản xuất các mặt hàng gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ... tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và địa phương lân cận, doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Để giúp cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng giá trị sản phẩm, huyện đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tham gia Chương trình OCOP. “Trong thời gian qua, sản phẩm của gia đình tôi đã được cơ quan chức năng của huyện tạo điều kiện để hội tụ đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Tôi hy vọng sau khi các mặt hàng đồ gỗ của cơ sở được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ được nhiều người biết đến, doanh thu sẽ tăng lên 3-4 tỷ đồng/năm”, ông Nguyễn Trung Đức chia sẻ.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Rau Hương Ngải cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã có 5ha chuyên trồng các loại rau ăn lá, củ, quả theo mùa, mỗi năm tiêu thụ 200-300 tấn rau các loại. Vừa qua, sản phẩm rau của Hợp tác xã được công nhận OCOP "4 sao", đây là cơ hội để đơn vị ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ rau an toàn với các siêu thị, bếp ăn tập thể.

Nói về Chương trình OCOP trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng thông tin: Năm 2019, Thạch Thất có 49 sản phẩm được công nhận OCOP. Vừa qua, huyện được thành phố chấm điểm và đã có thêm 73 sản phẩm đạt OCOP. Như vậy, tính đến thời điểm này, Thạch Thất đã có 122 sản phẩm làng nghề, nông sản được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó, 104 sản phẩm đạt "4 sao", 18 sản phẩm đạt "3 sao". Các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP đã có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho hay, Thạch Thất là một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Thời gian tới, huyện tiếp tục đăng ký thêm nhiều sản phẩm đạt OCOP hơn nữa để nâng cao thu nhập cho nông dân; đồng thời, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện. Để làm được việc này, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao gói, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm...

"Đến nay, Thạch Thất là một trong những huyện có sản phẩm được công nhận OCOP nhiều nhất thành phố. Việc các sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận OCOP sẽ mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể. Để tạo thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thất nói riêng và toàn thành phố nói chung, Hà Nội đã khai trương 14 điểm để bán và giới thiệu các sản phẩm OCOP. Sắp tới, Hà Nội có chính sách hỗ trợ khâu tiêu thụ đối với các chủ thể tham gia OCOP trên địa bàn Hà Nội", Phó Chánh Văn phòng xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất chú trọng phát triển sản phẩm OCOP