Đông Anh - điểm sáng xây dựng sản phẩm OCOP

Sơn Tùng| 18/12/2020 06:55

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, huyện Đông Anh đã tổ chức 2 lần đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Qua đó cho thấy, địa phương có nhiều sản phẩm thủ công đặc sắc, điển hình là tranh điêu khắc gỗ.

Nghệ nhân Đỗ Danh Nam (thôn Thiết Ứng, xã Vân Hà) - chủ nhân của các sản phẩm OCOP (khay gỗ trái đào, tượng gỗ Phật Bà Quan Âm, tượng gỗ lưng trâu thổi sáo... đã được Hội đồng thành phố đánh giá đạt 4 sao), chia sẻ: "Nét độc đáo trong tác phẩm đồ gỗ mỹ nghệ thủ công, gia dụng của Vân Hà, đặc biệt là các pho tượng là có thần thái hài hòa, sống động. Đặc điểm này không máy móc hiện đại nào có thể thay thế bàn tay nghệ nhân".

Ngoài sản phẩm đặc sắc của các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện, nhiều thực phẩm tươi sống và chế biến cũng là thế mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm sản phẩm OCOP của Đông Anh, như: Đậu phụ trắng làng chài của Hợp tác xã Thanh niên Võng La; ống hút từ rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng…

Nói về sản phẩm ống hút được làm từ rau, củ, quả, ông Lê Văn Tám - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng cho biết, đây là lần đầu tiên sản phẩm của Hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP và đã đạt 5 sao. Để có kết quả đó, Hợp tác xã đã đầu tư rất bài bản cho dây chuyền sản xuất ống hút thân thiện với môi trường. Một chiếc ống hút đạt chuẩn đòi hỏi qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn có yêu cầu riêng vì nguyên liệu là sản phẩm hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản. Các ống hút được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau nên màu sắc khá bắt mắt. Khi đến tay người tiêu dùng, ống hút bảo đảm sự đồng đều, đẹp; bảo đảm độ cứng trong vòng 10 tiếng ở môi trường nóng hoặc lạnh. Ngoài công dụng chính để uống nước thì loại uống hút này có thể xào, luộc, nhúng lẩu... thậm chí là rán thành các loại snack (thức ăn nhẹ), tạo nên những món ăn giàu dinh dưỡng, lạ miệng...

Đánh giá về việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của Đông Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét: Đông Anh là điểm sáng trong hai năm triển khai Chương trình OCOP vừa qua. Các sản phẩm của địa phương có hàm lượng khoa học khá cao, được đầu tư bài bản về bao bì, nhãn mác, nhận diện sản phẩm, đặc biệt là bảo đảm an toàn thực phẩm...

Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện đã xây dựng Đề án “Thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, huyện bố trí kinh phí và chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế trên địa bàn. Trên cơ sở rà soát được 270 sản phẩm tiềm năng, huyện đã và đang hỗ trợ các chủ thể tập huấn, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt các tiêu chí dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP từ nay đến năm 2025. Toàn huyện Đông Anh hiện có 133 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đến năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh - điểm sáng xây dựng sản phẩm OCOP