Dấu xưa tìm lại

Nguyệt Chu| 05/11/2022 05:35

(HNMCT) - Đã không còn những người đàn ông lam lũ trèo cây hái sấu trên con đường rợp bóng xanh. Họ trôi dạt về những miền quê nghèo khó.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Tấm áo bạc phếch cùng giọt mồ hôi nóng hổi đã tan vào những nắng, những gió, những chênh vênh của mùa hạ khô gầy để đọng lại trong từng nét thu, qua trái sấu chín ngơ ngác rụng giữa mùa thay lá. Chỉ còn tiếng rụng cô đơn của những trái sấu cuối cùng, lạc lõng trong nỗi niềm u ẩn, thả vào lòng thu nỗi sầu kiêu hãnh trên con phố đượm màu thời gian. Tiếng sấu rơi lọt thỏm giữa những bộn bề hối hả, chạm vào đáy lòng lữ khách như một nốt lặng giữa buổi chiều xanh. Lữ khách nhặt lên trái mùa thu vàng ươm rồi ngắm nghía. Những chiều kích của sự sống đã từng diễn ra ở đấy, âm thầm và mãnh liệt, trong lòng quả, từ chiếc hoa trắng tinh khôi bé dại đến từng lớp cùi trắng nõn căng tràn được bao bọc bởi khúc hoan ca của muôn ngàn diệp lục, đến khi màu nắng ôm trọn chiếc hạt nâu sần thì trái sấu rơi vào lòng đất mẹ. Kết thúc một vòng đời để bắt đầu hồi sinh.

Tôi gặp lại con phố Phan Đình Phùng như gặp lại cố nhân, rồi ngẩn ngơ say trước từng giọt thời gian đọng trong rêu phong dấu cũ. Hai hàng cây gối đầu vào nhau như vẫn mơ màng trong màu xanh của lịch sử, nghe trong giấc mơ chập chờn tiếng reo hò từ Cửa Bắc Thăng Long. Để lại ngoài kia những ồn ào của nhịp đời sôi động, những hàng cây trên con phố mỗi mùa là một sắc xanh. Tôi nhớ cái màu xanh non tơ trong từng búp lá mỗi độ xuân về, nhớ màu xanh mát dâng lên ngút ngàn trong mùa nắng cháy, nhớ màu xanh đã phai tàn diệp lục trong sắc của mùa thu và màu xanh ẩn giấu trong lòng những thâm u của cành lá xám trong ngày gió mùa đông bắc thổi. Con phố nối dài những bước chân thương nhớ, bình thản neo đậu vào lòng lữ khách như một trạm dừng chân, để những muộn phiền chảy trôi theo con tàu tốc hành của thời gian.

Tôi trở về với trái sấu còn sót lại của mùa hè cũ mà nhớ về những câu chuyện rất xưa. Bởi sau mỗi trái sấu rụng nơi hè phố là thấp thoáng bóng hình tôi từ một dĩ vãng xa xôi. Ngày đó, bố từ quê lên Hà Nội kiếm việc làm. Bố ngồi ở chợ lao động mãi chẳng có người thuê, sau có người bảo bố đi trèo sấu. Công việc khó khăn và nguy hiểm, nhưng lại kiếm được khá tiền. Tấm áo của bố như đã mủn ra vì muối kết tinh từ những giọt mồ hôi xót lặng. Những trái sấu như từng giọt mồ hôi của bố tôi đọng lại, thành cục, thành hình, lăn lóc giữa phố thị phồn hoa. Những chiếc bút, quyển vở, cái cặp sách mới mà tôi có khi vào đầu năm học được đổi từ trái sấu. Thời gian bao quanh tôi là vòng đời của sấu, hương thời gian là hương sấu chín trong mỗi độ cuối hè. Cái cảm giác chua xót như ngấm vào máu thịt. Cũng khoảng thời gian ấy, bố tôi bị ngã khi đang trèo sấu. Bố trở về quê với đôi chân không lành lặn. Trái sấu cuối mùa cô độc rơi vào lòng tôi nhức buốt. Từ sau lần đó, bố nghiêm cấm tôi trèo cây, dù là bất cứ cây gì. Thế nên, ở góc vườn nhà tôi, luôn có trái chín gọi chim về. Những hạt rơi xuống đất nâu lại tiếp tục một vòng luân hồi. Bao nhựa sống chắt chiu, dồn lại cho một lần sau chót dâng đời.

Sau này, tôi đã từng tránh con phố xưa, nơi cha tôi đã ngã vì một cành sấu gãy. Nhưng rồi, tôi chợt nhận ra, có những ký ức, dù đau nhói vẫn không thể lãng quên. Nên tôi đã trở lại con phố ấy, như trở về với cố nhân, tìm về với gốc sấu già, với màu thời gian và hương thời gian đọng lại trong từng trái sấu. Còn đó cội rễ vặn xoắn của gốc sấu xưa, loang lổ những rêu phong ánh lên sắc xanh trầm tư của vĩnh hằng. Tôi cầm trái sấu trên tay, bước qua những hàng cây lá đổ mà như cầm trái thị thơm của một miền cổ tích thuở nào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu xưa tìm lại