Sắc hương ký ức

Thụy Anh| 30/01/2022 21:26

(HNMCT) - Trong những giấc mơ thường trở đi trở lại với tôi suốt 17 năm xa Hà Nội, tôi thấy mình trôi chầm chậm giữa chợ hoa ngày Tết. Những cành đào bích dáng ôm tròn thân thuộc, những cành đào phai cao vút ngày ấy còn lạ lẫm. Violet tím ngắt làm nền cho cúc vàng đại đóa, dơn hồng dơn trắng, đồng tiền đơn đỏ thắm rực lên. Giật mình tỉnh dậy, ngẩn ngơ thấy chỉ mênh mông một màu tuyết trắng của mùa đông nước Nga lạnh sâu thăm thẳm. Tết Nguyên đán thường đến gần giữa những ngày tuyết ấy, càng khiến người xa quê quặn nhớ những sắc hương xưa.

Ảnh: Nina May.

“Giấc mơ hoa” làm tôi, ngày đó còn là cô sinh viên Trường Sư phạm Mátxcơva, vùng dậy quày quả quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực. Vài ba đứa sinh viên chúng tôi rủ nhau đi kiếm một nhánh cây bên vệ rừng hay vào nhà dân xin dăm cành cây khô khẳng góc vườn. Đem về, hồi hộp ngâm vào nước nóng, thay nước liên tục trong 8 - 10 ngày thì một chiếc mầm nhỏ xanh mướt bí ẩn bật lên. Cho đến khi toàn thân cành đã lấm tấm màu xanh, chúng tôi trịnh trọng cắm cành hoa vào chiếc lọ gốm và bắt tay vào làm hoa.

Hoa đào của tôi được làm theo trí nhớ. Thời ấy làm gì có internet để tra cứu, không có “giáo sư Google” để hỏi han. Tất cả đều dựa vào giấc mơ bé nhỏ với những hồng tím xôn xao của mùa Tết cũ. May thay, càng xa xôi, giấc mơ càng rõ nét, ký ức Tết trở về càng mạnh mẽ! Hoa đào nhiều lớp cánh mỏng, dùng kéo cuốn cho cong, ở giữa chấm một màu vàng nhỏ nhẹ thoáng qua. Nụ đào tròn xoe được vê bằng giấy mềm, đính vào cuống hoa màu nâu, đôi khi phơn phớt bạc. Dán hoặc bắt dây đồng kheo khéo vào giữa những khoảng trống của thân cành đang nhú những mầm xanh: Đừng quên hoa đào có từng chùm, nụ so le... Loáng một cái đã có một “cành đào Nhật Tân” nơi xứ tuyết, tuy dáng không ôm tròn đầy đặn, cành không giằng níu thanh thoát, nhưng cũng đủ để mơ hồ thấy trên má vương sợi mưa phùn và hương pháo Tết đã về đâu đây...

17 năm đón Tết ở Nga, mỗi năm Tết lại đủ đầy hơn với chúng tôi. Dường như càng xa, Tết Hà Nội càng trở về trọn vẹn. Dẫu là trên đất khách, ai ai cũng sắm Tết, nấu Tết, làm Tết. Nhà nhà ăn Tết, vui Tết, chúc Tết... Sau này về Hà Nội, đón những cái Tết mới, tôi bần thần nhận thấy mình đã theo trào lưu lựa chọn những cái Tết nhẹ nhàng, giải phóng khỏi bếp núc bằng cách mua sẵn mọi thứ có thể. Rồi những chuyến đi du lịch xa, dài ngày càng khiến Tết ngắn ngủi thêm. Trong sự hài lòng của việc tận hưởng những cái Tết mới chóng vánh nhường chỗ cho thư giãn, nghỉ ngơi, tôi vẫn thầm nuối tiếc những bận rộn, tất bật, gắng gỏi những ngày Tết xa xứ. Ở đó, tôi tự gói chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời, kiên nhẫn quấy nồi chè kho đến đêm trong khi nồi bánh sôi lục bục, loay hoay rang vừng thơm nức. Cũng ở đó, tôi lần đầu biết mổ gà, luộc gà sắp mâm cúng, có miếng tiết luộc và bông hoa ngậm trong mỏ gà, trang trọng đặt lên bàn thờ. Cạnh đó là đĩa xôi gấc lên màu đỏ của hoa hiên, thấp thoáng những hạt gấc cũ được rửa sạch sấy khô dùng lại, thế mà cũng dậy mùi gấc thơm từ ký ức. Hương thơm nồng nàn của ký ức cũng tràn về đậm đặc vào thời điểm 30 Tết, khi tôi mang hạt mùi già mua ở chợ Nga về đun nước, nôn nao nhớ những mớ mùi già hoa mong manh trắng mẹ thường dựng góc vườn, chuẩn bị cho thủ tục tắm tất niên. Tắm gội nước mùi già xong, người cứ nhẹ bỗng, thanh sạch, sẵn sàng cho một khởi đầu tươi mới.

Ảnh: Cao Anh Tuấn.

Những năm sau, khi đường bay sang Nga đã thông thoáng, tấp nập thì chúng tôi chẳng còn thiếu thứ gì cho một cái Tết Nguyên đán trọn vẹn nơi đất khách. Bánh chưng, măng miến, mộc nhĩ, nấm hương, giò lụa, giò xào, xôi gấc... - một góc Việt Nam xôn xao luôn có ở đâu đó trong các chợ châu Á, chợ Việt. Đến cả cành đào cũng đã theo máy bay sang với bà con xa quê! Những đào bích đào phai được cuốn nilon kín để bảo vệ khỏi hơi giá khắc nghiệt của nước Nga, vào tới nhà ấm áp mới bung ra sắc màu nhớ thương của những thời khắc cũ. Tuy nhiên, cành đào hồi ấy sang đến nơi thì cũng... đội giá lên giời, không phải ai cũng có thể mua được. Có lần, chú Huy - một đồng đội của bố tôi - nhờ người gửi sang cho chúng tôi một cành đào lớn. Đón đào về, chúng tôi hạnh phúc đến nỗi vội tháo bỏ nilon ngay để nó kiêu hãnh bừng lên sắc thắm, nâng niu đi suốt con đường trắng, bồi hồi như đang cầm trong tay một cành đào giữa chợ hoa Hàng Lược để nghe người xung quanh rộn ràng hỏi: “Cành này mua bao nhiêu?” rồi xuýt xoa khen rẻ, khen nhiều nụ nhiều lộc mà lòng tràn trề niềm vui sướng của ngày xuân... Cành đào Nhật Tân duy nhất chúng tôi có được năm ấy đã nhanh chóng rụng hết hoa, cháy hết lá sau khi được đặt vào phòng ấm khoảng 15 phút! Nó đã không chịu nổi cái rét khắc nghiệt của nước Nga.

Và những Tết sau đó, tôi vẫn tiếp tục cắm cành vào nước nóng già, làm hoa dán lên, gọi ký ức trở lại. Khi tôi có con, con tôi lại ngồi làm hoa cùng mẹ. Tết của nó không phải là Tết Hà Nội xa xưa thương nhớ với gió bấc mưa phùn như Tết của tôi, nhưng tôi đã luôn cố gắng để ký ức của con có sắc màu và hương thơm của Tết quê nhà. Nó lũn cũn theo tôi đi chọn mua cúc vàng đại đóa, tỉ mẩn cùng tôi cắm hoa, sắp mâm ngũ quả, rồi cũng hân hoan tắm gội bằng nước mùi già, vừa hít hà hương thơm vừa nghe tôi kể mãi không thôi về Hà Nội những sắc hương của mùa xuân xưa cũ...

Bây giờ tôi đã trở về, sống trong lòng Hà Nội và mỗi năm lại được đẫm mình trong hương sắc Tết Việt. Vậy mà không hiếm khi tôi vẫn mơ thấy mình trôi trên dòng người xe đạp xưa, với những tưng bừng màu hoa Tết khiến cho cái sắc xanh xám bàng bạc của cảnh và người thời bao cấp được thắm lên với nhiều hy vọng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sắc hương ký ức