Mế ơi…

Trần Thanh Cảnh| 16/10/2021 07:20

(HNMCT) - A Giắng mười sáu tuổi, ở trên núi mới xuống làm thuê.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Giắng đi làm công nhật ở công ty Đài Loan trong khu công nghiệp. Công việc chỉ là khuân vác. Tiền công mỗi ngày hai trăm nghìn đồng và một bữa cơm trưa, cũng ổn. Thuê nhà trong xóm trọ, bốn thằng một phòng hết chín trăm nghìn mỗi người, điện nước tính riêng. Sáng ăn 2 bánh mỳ tôm “khỏa thân”, nêm chút bột canh. Tối nấu cơm ăn chung no kềnh cũng chỉ hết hai chục nghìn một người. Giắng nhẩm trong bụng, công việc cứ đều, hết tháng cũng có một món gửi về cho bố đong gạo nuôi em. Ở nhà Giắng còn 2 em nhỏ, một đứa 9 tuổi, đứa kia 13. Mế Giắng bỏ nhà đi đâu từ lúc em bé chập chững biết đi. Đi đâu không rõ. Một sáng thức dậy, thấy bố ngồi góc bếp uống rượu suông, bảo mế mày đi mất rồi...

Lúa, ngô, khoai, sắn đắp đổi, rồi Giắng cũng lớn. Chỉ mỗi tội nghèo. Không quần áo mới, không xe máy, điện thoại như lũ trai trong bản. Bọn ấy bảo: “Về xuôi đi làm thuê ở khu công nghiệp, dễ kiếm tiền mà!”. Thế là Giắng theo lũ bạn về xuôi.

Giắng không biết cái chữ nào của người dưới xuôi. Nếu biết chữ Giắng đã được làm công nhân chính thức, có đồng phục, oách hơn. Và quan trọng là nhiều lương hơn. Khu công nghiệp ven đô thiếu công nhân lắm nên Giắng cũng chả nghĩ ngợi gì nhiều, cứ đi làm thôi. Chỗ này hết việc thì sang chỗ khác, thiếu gì đâu. Có sức khỏe, làm việc gì chả được, phụ hồ, bốc xếp, đẩy xe cút kít, dọn phế liệu. Làm tất. Ngày đi làm, tối về xóm trọ ăn no rồi lăn ra ngủ. Từ hôm xuống đây Giắng chưa ra khỏi dãy phòng trọ ngoài những khi đi làm. Chị chủ nhà bảo: “Thằng ấy chẳng nói năng gì, cũng chẳng đi chơi đâu. Thanh niên gì mà lạ vậy?”

***

Chị chủ nhà trọ năm nay ba mươi tám tuổi. Hai con, một gái mười hai, một trai chưa đầy hai tuổi. Là mẹ đơn thân. Ấy là Giắng nghe bọn cùng phòng nói thế chứ không hiểu mẹ đơn thân là gì. Nhẽ cũng như bố Giắng trên núi, một mình nuôi 3 anh em. Hôm đầu tiên theo mấy anh xuống trọ, lên nhà đưa cho chị ấy bản phô tô chứng minh nhân dân, chị khen Giắng khỏe mạnh, xuống đây ít ngày uống nước máy ngủ quạt điện sẽ kẻng trai ra ngay. Giắng cũng chả hiểu kẻng trai là thế nào. Chị ấy vừa nói vừa cười tít mắt, cái bộ ngực đang cho con bú sau lần vải áo phông cứ rung rinh, dập dềnh. Sữa thấm ướt áo, hằn rõ hai cái núm nâu nâu. Giắng thấy trong người như có kiến đốt, vội lủi nhanh về phòng.

Nhà chị chủ xưa ngoài rìa cuối làng nên đất rộng. Xưa chả ai thèm để ý đến mảnh đất giáp cánh đồng ấy. Nhưng đến khi nhà nước thu hồi cả cánh đồng làm khu công nghiệp, nhà chị bỗng ra mặt tiền, được giá. Chị bán bớt một nửa đất, lấy tiền xây nhà tầng mấy mẹ con ở cho mát, còn lại quây ít phòng trọ cho công nhân thuê, lại mở thêm cái quán bán hàng tạp hóa ở cổng nữa, cũng tốt tiền.

Có điều, nhà chỉ có đàn bà trẻ nhỏ mà đồ đạc lại rất hay bị hỏng. Toàn hỏng vào ban đêm. Mà chị chẳng biết sửa chữa gì, nên thỉnh thoảng lại gọi “a lô” cho 3 đứa cùng phòng với Giắng lên chữa hộ. Hôm thì: “Mìn ơi, lên hộ cái bóng đèn”. Lúc lại: “Lù ơi lên hộ cái van nước”. Hôm khác: “Phủ ơi, lên chữa cho cái công tắc”... Ba gã trai khỏe như ngựa núi, vậy mà cứ lên “chữa đồ” một lúc thôi là về ngủ lăn như chết, ngáy như sấm. Giắng lấy làm lạ, hỏi:

- Các anh sửa chữa gì mà vất vả hơn cả đi làm ca về, lăn lóc như đá trên nương vậy?

Ba gã cười sằng sặc. Cười chán rồi hỏi Giắng:

- Ở núi, mày đi phiên chợ đã biết vỗ mông đứa con gái nào chưa?

Ồ, cái này thì Giắng biết. Năm 13 tuổi, bọn bạn cùng lứa trong bản rủ Giắng xuống chợ phiên, vỗ mông gái. Chả là cái tục “bắt vợ” trên quê Giắng vẫn còn. Mùa xuân trai gái xuống phiên chợ gặp nhau, uống rượu, múa khèn. Con trai nhìn con gái. Con gái liếc con trai. Ưng mắt cô nào bèn vỗ vào mông một cái, nếu cô gái kia tỏ vẻ thuận tình là kéo nhau vào rừng rồi bắt về làm vợ thôi. Nếu định vỗ mông mà nó gạt tay ra, nguẩy đi chỗ khác là không được rồi...

Giắng đi loăng quăng xem bọn bạn rình vỗ mông gái bản một buổi, chưa dám vỗ mông cô nào. Về nhà bố bảo: “Nhà ta không có gì ăn, chẳng đứa con gái nào cho vỗ mông đâu. Mế mày tao cướp về đây, đẻ 3 đứa rồi cũng chìa mông cho thằng khác vỗ, bỏ theo nó luôn đấy. Đợi lớn lên đi làm có tiền rồi muốn vỗ mông đứa nào cũng được mà”. Thế là Giắng chẳng đi theo bọn trai bản rình vỗ mông gái nữa. Ở trên núi mải mê làm cả ngày. Nhưng cứ làm từ ngày này sang tháng khác cũng chẳng có tiền. Chỉ được tí lúa ngô khoai sắn tạm no bụng với rau rừng.

Giắng về xuôi đi làm kiếm tiền, thấy nhiều cái lạ. Mà chị chủ lại cho cả mấy thằng “vỗ mông” là sao? Con gái trên núi đã cho trai nào vỗ mông là không cho trai khác vỗ nữa đâu. Cố vỗ có khi ăn nhát dao quắm đấy. Ba gã cùng phòng bảo thế là hai bên cùng vui ấy mà, chả bên nào mất gì, giúp đỡ nhau thôi. Thỉnh thoảng có rau quả tươi, đồ ăn ngon chị chủ còn cho cả phòng, Giắng cũng được ăn ngon. Thấy chị chủ tốt tốt là. Cơ mà Giắng không thích “sửa chữa điện nước” như 3 tay kia, kệ thôi. Giắng chỉ muốn được đi làm công nhân công ty như Mìn, Lù, Phủ để có nhiều tiền hơn gửi về cho bố đong gạo nuôi em. Ba tay ấy lại bảo: “Thôi mày cứ chịu khó làm công nhật, thỉnh thoảng bọn tao dạy cho cách đứng máy, lúc nào thành thạo thì xin quản lý cho vào làm chính thức vậy”.

***

Bỗng đùng một cái có lệnh phong tỏa. Vì dịch cúm cô vít gì đấy. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ba gã cùng phòng mang quần áo chăn màn sang công ty “3 tại chỗ”, vừa sản xuất vừa phòng dịch bệnh lây lan. Cả phòng còn mỗi mình Giắng nằm co. Không được phép đi đâu. Nhà cách ly với nhà. Phòng cách ly với phòng. Người cách ly với người. Cái con vi rút này kinh lắm, hơn cả ma xó ma rừng, nó làm chết nhiều người rồi đấy. Loa ở đầu xóm oang oang suốt ngày: “Cách ly tuyệt đối... Tuân thủ 5K... Không đi ra ngoài khi không cần thiết...”.

Một tuần, hai tuần, rồi cả tháng cách ly chưa biết đến khi nào xong. Giắng cứ nằm bẹp trong phòng thôi. Không có điện thoại nên chẳng gọi về cho bố được. Ít gạo mắm, mỳ tôm mua chung ăn hết. Có ít tiền để dành định gửi về nhà thì ra hàng chị chủ mua gạo mắm về ăn cũng hết rồi. Không được đi làm, không có tiền nên chẳng mua được gì ăn. Mấy ngày nay đứt bữa, uống nước lã nằm dán bụng xuống chiếu sôi òng ọc, đau quặn vì đói. Giắng nằm chập chờn, chợt thấy mùi sắn luộc tỏa hơi nóng thơm nức đâu đây. Mở mắt ra nhìn, hình như góc nhà có nồi sắn đang tỏa khói. Cố vùng dậy đi ra chỗ nồi sắn đang bồng bềnh trước mắt mà không dựng người lên nổi. Không cả đưa tay ra với được nữa kia. Giắng yếu quá rồi. Giắng chìm vào cõi mù mờ...

Tiếng loa oang oang từ đầu xóm vọng vào: “Mời các lao động mất việc, không có lương ra trụ sở ủy ban xã lĩnh quà cứu trợ của các nhà từ thiện...”. Loa chói vào tận phòng, nhưng Giắng chẳng dậy nổi nữa. Giắng thiếp đi, mê man chới với bay theo nồi sắn luộc đang tỏa khói mịt mờ. Trong giấc mơ, Giắng cứ với tay, với mãi, với mãi mà không vớ được củ sắn nào cho vào cái miệng đang đắng khô vì đói khát. Giắng bật lên tiếng khóc gọi: “Mế ơi!”.

***

Chị chủ nhà đứng ở trên tầng hai gào to tướng: “Còn đứa nào ở nhà thì mau ra ủy ban lĩnh gạo, mắm về ăn kìa!”. Các phòng có người lục tục khẩu trang rồi kéo nhau đi. Hân hoan vác gạo, mắm, mỳ gói, rau củ về. Thế này cũng chống chọi được cả tháng. Vãn dịch có việc đi làm là lại ổn ngay.

Riêng cửa phòng Giắng vẫn đóng im ỉm. Chị chủ gióng giả: “Quái cái thằng này không biết dậy mà đi nhận đồ cứu trợ. Mà đã lâu không thấy mặt mũi nó đâu. Hay là làm sao rồi?”. Chị tong tả chạy xuống phòng Giắng. Gõ cửa. Không thấy động tĩnh gì. Chị đẩy cửa xông vào. A Giắng nằm thiêm thiếp trên chiếc giường cá nhân, mắt nhắm nghiền, mặt tái xanh. Chị chủ cúi xuống ôm đầu lay gọi: “Giắng ơi! Giắng ơi!”. Giắng ú ớ: “M... ế, mế... ế!”. Tay Giắng quờ quạng vào ngực áo chị, miệng khô khốc nhóp nhép như trẻ con đòi bú. Chị vén áo lên, kề bầu ngực căng mọng sữa vào miệng Giắng bóp nhẹ. Một tia trắng thơm nức phun xuống đôi môi khô nứt. Giắng nhóp nhép rồi nuốt ừng ực. Chị áp cả bầu vú vào miệng Giắng. Hết bầu này sang bầu kia. Giắng vẫn nhắm nghiền mắt nuốt. Khuôn mặt dần hồng lên. Chị nhìn xuống, mãn nguyện...

Giắng mở mắt ra nhìn. Rồi Giắng ôm chầm lấy chị, òa khóc, nức nở: “Mế ơiii...”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mế ơi…