Tháp Rùa, quen mà lạ…

Administrator| 18/03/2015 06:52

Biết bao buổi chiều thả bộ quanh hồ, thấy mình thật giàu có khi bất chợt gặp những thảm lá vàng nhuộm kín lối đi; vài lần gặp "cụ Rùa" trong tò mò, háo hức; những tối mùa đông co ro áo mỏng ngồi ngắm Tháp Rùa lung linh ánh điện từ một quán cà phê quen thuộc... Tháp Rùa với tôi tưởng như đã thân quen lắm, thế mà một ngày tôi mới khám phá được một góc thật lạ của không gian huyền ảo ngày ngày luôn nuốt trọn ánh mắt tôi.

Sắc xuân Hồ Gươm. Ảnh: Nguyệt Ánh

Một đêm tháng Giêng, trời se lạnh và lất phất mưa bay. Cái ẩm ướt của đêm đầu xuân khiến Hồ Gươm được bao phủ bởi một lớp sương dày, cảnh vật càng thêm huyền ảo. Một cơ duyên may mắn đưa tôi lên con thuyền gỗ nhỏ ra Tháp Rùa cùng mọi người chuẩn bị cho buổi lễ vào rằm tháng Giêng. Con thuyền nhẹ nhàng êm ả rời đền Ngọc Sơn đến Tháp Rùa trong màn khói sương tĩnh lặng. Cảm xúc lần đầu tiên đi giữa mênh mông Hồ Gươm huyền thoại ngắm vùng lõi của Thủ đô thật diệu kỳ. Ánh đèn dìu dịu từ con đường dạo ven hồ khiến tấm biển quảng cáo lớn của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam cao ngất phía xa cũng nhòe đi trong làn nước giăng giăng. Dù phải căng mắt nhìn chiếc đồng hồ lớn trên nóc nhà bưu điện tôi cũng chẳng biết mấy giờ. Những vệt sáng từ dòng xe cộ loang loáng trên những con đường thân quen như dòng chảy liên hồi không ngừng nghỉ, như những sợi tơ đủ màu sắc cuộn quanh những gốc cây tối sẫm đầy kỳ ảo. Bao âm thanh náo nhiệt thường ngày dường như chỉ còn văng vẳng, mơ hồ đâu đó. Khung cửa sổ quen thuộc nơi tôi thường ngồi cũng nhòa nhạt trong màu tối thẫm của những tán lá xung quanh, cả ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ chỉ còn le lói một chút ánh đèn…

Đêm Hồ Gươm, Tháp Rùa đầy bí ẩn giữa không gian trầm lắng cho hồi tưởng một Thăng Long xưa. Những ngọn đèn chiếu sáng hắt lên "vừa đủ dùng", không quá yếu ớt như tưởng tượng của tôi khi đứng trên bờ. Cỏ mọc kín xung quanh chân tháp, xanh thắm. Chạm chân vào bãi mượt mà, tôi thoáng ngất ngây bởi mùi hương dại ngai ngái. Và huyền thoại về vua Lê trả gươm báu cho thần Kim Quy lại hiện về… Như một nhân duyên, tôi tìm được người quen cũ, anh là Nguyễn Lê Đại, cháu nội đời thứ 5 của ông Nguyễn Hữu Liên, thường được gọi là Bá hộ Kim - người được cho là đã xây dựng Tháp Rùa. Trong ngôi nhà cổ tại số 14 phố Hai Bà Trưng, đồ đạc dường như cách đây cả trăm năm, từ bộ bàn ghế gỗ chạm khảm đến những chiếc bình sứ bày trong phòng khách, tất cả đều toát lên màu thời gian. Thắp nén hương thơm lên ban thờ trang trọng tại phòng khách, nơi có ảnh một người đàn ông dáng người nhỏ, mặc áo vàng, ngồi oai vệ trên chiếc ghế như ngai thờ, anh Đại nói: "Đó là cụ tổ nhà tôi, người đã xây dựng Tháp Rùa. Ban thờ chính của cụ hiện ở 29 Hai Bà Trưng - nơi cháu trưởng chăm nom, gia đình tôi là ngành thứ nhưng cũng rước cụ về đây".

Trong câu chuyện với vợ chồng anh Đại, tôi được nghe nhiều câu chuyện về người đã xây Tháp Rùa. Anh Đại bảo, có nhiều người nghiên cứu về tháp này đã lầm lẫn tên cụ tôi, chính xác cụ là Nguyễn Hữu Liên, hiệu là Chu Ái, sinh năm 1832, mất ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch năm 1901, gia đình vẫn cúng giỗ hằng năm. Cụ là thương gia chuyên buôn đồ gỗ ở phố Hàng Trống, đất đai rộng khắp cả phố Hai Bà Trưng bấy giờ. Chị Hà kể, hồi mới về làm dâu nhà họ Nguyễn, bố chồng chị thường bảo: "Nhà mình ngày xưa thường ra Hồ Gươm rửa rau, múc nước đấy con ạ".

Trong cuốn sách "Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn", của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, ông đã kể chuyện về Bá hộ Kim và quá trình xây dựng Tháp Rùa. Theo ông, với những luận cứ khoa học và có tính lịch sử, cùng việc nghiên cứu tỉ mỉ gia phả dòng họ Nguyễn do bác sĩ Nguyễn Thìn, một giáo sư sản khoa đầu ngành của Bệnh viện C Hà Nội, là cháu trưởng 5 đời của Bá hộ Kim cung cấp, thì ông Nguyễn Hữu Liên (tức Bá hộ Kim) có 5 người con trai và 3 con gái, con trưởng là ông Nguyễn Hữu Tiến, con thứ 5 là ông Nguyễn Ngọc Toản. Ông Toản (1880-1936) lấy một bà vợ họ Đàm ở làng Hương Mặc, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, sinh được 4 người con trai, con trai trưởng là Nguyễn Ngọc Vũ (1908-1932). Ông Nguyễn Ngọc Vũ là Bí thư Thành ủy chính thức đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội đã hy sinh trong nhà tù Hỏa Lò năm 1932. Như vậy, ông Nguyễn Ngọc Vũ là cháu nội của Bá hộ Kim.

Ông Bá Kim là một hào mục của làng Cựu Lâu (tức khu vực Tràng Tiền, Hàng Khay hiện nay). Do có cộng tác với người Pháp trong những ngày đầu chúng chiếm Hà Nội nên sau được làm Thương biện, vì vậy dân gọi ông là Thương Kim. Tuy làm việc cho chính quyền khi đó, song ông có một cô con gái tên Khuê tham gia phong trào văn thân chống Pháp. Vì vậy ông bị Pháp nghi kỵ nên cách chức rồi quản thúc. Cũng theo những tài liệu ông Nguyễn Vinh Phúc thu thập được, Bá hộ Kim cùng với một số người đã bí mật chôn cất cho Tổng đốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội năm 1882. 

Viết về Tháp Rùa không chỉ có nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, trước đó có nhà Nho Doãn Kế Thiện, một số người Pháp và gần đây là nhà nghiên cứu Nguyễn Dư hiện đang sống ở Pháp. Dù có những khác biệt từ quan điểm nghiên cứu nhưng từ cuối thế kỷ XIX đến nay, Tháp Rùa trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân Hà Nội và người dân cả nước vì tháp nằm giữa Hồ Gươm - trung tâm của Hà Nội...

Tôi bước vào tầng 1 của tháp, diện tích không quá lớn, một ban thờ lớn trên nền xi măng đập ngay vào mắt tôi. Những bậc thang gỗ nhỏ nhưng chắc chắn, đã lên màu đen bóng, dẫn chúng tôi lên tầng 2 và tầng 3, mỗi tầng đều có một ban thờ nhỏ, được sắp đặt gọn gàng. Ban công tầng 2 không quá rộng nhưng cũng đủ để tôi ngắm cảnh vật xung quanh hồ. Đền Ngọc Sơn vẫn trầm mặc nhưng cầu Thê Húc màu son như bật lên dưới ánh đèn. Trong đêm mưa, với hàng triệu tia sáng rắc xuống mặt hồ, cảnh vật càng trở nên hư hư, thực thực. Tôi có cảm giác thời gian ở đây như ngừng lại, dù xung quanh cuộc sống vẫn đang chuyển động…

Đêm trên Tháp Rùa, tôi nhớ đến câu chuyện kể xảy ra vào một đêm cách đây gần 70 năm, gắn với hình ảnh đầy khí phách của một chiến sĩ Hà Nội, người đã bao năm gắn bó với Tháp Rùa. Đêm 19-5-1948, một tổ chiến sĩ Công an Hà Nội dũng cảm bơi ra hồ Hoàn Kiếm và Nguyễn Trọng Quang, với sự yểm trợ của đồng đội đã cắm được lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp. Lần đầu tiên cờ Tổ quốc tung bay lồng lộng giữa lòng Hà Nội kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô tạm thời rút khỏi thành phố, lại đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, đã trở thành sự kiện gây tiếng vang lớn. Có người cắm cờ nghĩa là Việt Minh vẫn hoạt động ngay giữa lòng địch. Tiếc thay, cả ba chiến sĩ cắm cờ đều lần lượt sa vào tay giặc. Chúng giam các anh tại Hỏa Lò. Tại đây, Nguyễn Trọng Quang đã vẽ lá cờ đỏ sao vàng và viết khẩu hiệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm" kín một bức tường lớn. Để bảo vệ đồng đội, một mình Nguyễn Trọng Quang đứng ra nhận tội. Cuối cùng Quang bị đưa đi biệt giam với tội danh đặc biệt nguy hiểm. Ngày 12-6 năm đó, quân giặc đã hèn hạ bắn chết con người dũng cảm. Sau này với sự giúp đỡ của phóng viên Báo Công an nhân dân, mọi người trong đơn vị mới tìm ra gia đình Nguyễn Trọng Quang ở số 12 Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm. Năm 2009, sau 61 năm hy sinh, Bằng Tổ quốc ghi công đã được trân trọng trao cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Trọng Quang… 

Mùi hương thoang thoảng từ trong tháp bay ra như đưa tôi trở lại với quá khứ của một "Thăng Long bách chiến thành", một Thăng Long - Hà Nội văn hiến…

Văn Ngọc Thủy

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháp Rùa, quen mà lạ…