Gặp người đưa ẩm thực Hà Nội ra thế giới

Dạ Khánh| 29/10/2018 05:40

(NSHN) - Từ căn gác nhỏ trên phố cổ Mã Mây, các món ăn đậm chất Hà thành do nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết chế biến đã làm say lòng biết bao thực khách trong và ngoài nước.

(NSHN) - Từ căn gác nhỏ trên phố cổ Mã Mây, các món ăn đậm chất Hà thành do nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết chế biến đã làm say lòng biết bao thực khách trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, điều đặc biệt ở người phụ nữ này là bà luôn say sưa truyền nghề cho tất cả những ai muốn tìm hiểu, học hỏi về cách nấu những món ăn truyền thống của Hà Nội cũng như nhiều món ăn thuần Việt khác.

Từ truyền thống gia đình

Sinh năm 1953, nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết, chủ nhà hàng Ánh Tuyết số 25 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm là con gái của một gia đình Hà Nội gốc có tiếng nấu ăn ngon ở phố cổ. Bà Tuyết bảo, cũng như những người con gái Hà Nội xưa, việc giỏi nữ công gia chánh, tề gia nội trợ là một trong những bí quyết giữ lửa hạnh phúc gia đình. Vì vậy, các thế hệ trong gia đình cứ truyền cho nhau và “vốn liếng” về ẩm thực Hà thành cứ dần đầy lên từ những chỉ bảo của bà, của mẹ, để rồi... ngấm vào trong máu lúc nào không hay.

Nói về cơ duyên đến với nghề, nữ nghệ nhân Phạm Thị Tuyết chia sẻ, những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, bà Tuyết công tác trong ngành dịch vụ ăn uống. Để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình, ngoài giờ hành chính, bà Tuyết làm thêm giò, chả đem gửi bán tại các cửa hàng thực phẩm ở chợ Hàng Bè. Sản phẩm thơm ngon, chinh phục được nhiều người nội trợ sành ăn nên giò, chả gửi bán đến đâu, hết ngay trong ngày đến đó. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình bà Tuyết bớt khó khăn, có thêm đồng ra, đồng vào. Nhu cầu tăng mạnh đến nỗi hàng làm ra không đủ bán nên năm 1986, bà Tuyết quyết định xin nghỉ việc nhà nước. Vận dụng “vốn liếng” ẩm thực được truyền thụ, bà Tuyết chế biến thêm các món ăn ngon mang đậm phong vị Hà thành như: Xôi dị, giò lưỡi tai, sườn cốt lết, cổ hũ quay nước dừa, gà quay... phục vụ tiêu dùng. Chính việc tìm cách vượt lên khó khăn trong cuộc sống là cơ duyên đưa bà Tuyết đến với nghề làm bếp. Từ đây, bà được nhiều người biết, trong đó có cả những thực khách nổi tiếng thế giới tìm đến...

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết (giữa) đã được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018


Một dịp đặc biệt, đó là năm 2001, Hội chợ ẩm thực (Best Foods) được tổ chức tại khách sạn Horizon. Nghe lời động viên của bạn bè, bà ghi tên tham dự với tâm thế “đi cho biết”. Vậy mà chẳng ngờ, bà Tuyết giành hẳn Huy chương vàng, nhận Bằng khen của Ban Tổ chức với món “Gà quay mật ong”. Báo chí đưa tin, nhiều người biết tới... Đặc biệt, sau cuộc ghé thăm của đầu bếp, nhà phê bình ẩm thực lừng danh Anthony Bourdain (Mỹ), với bình luận “món gà ngon nhất thế giới” trên CNN, danh tiếng của đầu bếp Phạm Thị Tuyết bắt đầu vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Hàng loạt hãng thông tấn, truyền hình của nhiều quốc gia tìm đến phỏng vấn, ghi hình. Cũng từ khoảng thời gian này, bà liên tiếp nhận được đơn đặt hàng món ăn từ nhiều nước trên thế giới gửi đến. Khi đó, bà Tuyết mới nghĩ đến việc mở một nhà hàng và quyết định cải tạo căn gác tầng 2 nhà số 25 Mã Mây, đặt đóng bàn ghế ăn, trang trí lại để làm nhà hàng Ánh Tuyết phục vụ thực khách.

Quảng bá và tôn vinh ẩm thực Việt

Không chỉ là một đầu bếp tinh tế, là “tài liệu sống của ẩm thực truyền thống Hà thành” như nhà phê bình ẩm thực Anthony Bourdain đánh giá, đầu bếp tài hoa Phạm Thị Tuyết còn là người nhiệt huyết quảng bá và tôn vinh ẩm thực Hà Nội, ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Với mong muốn truyền cho thế hệ trẻ văn hóa ẩm thực truyền thống của người Hà Nội, từ năm 2003, tại căn gác tầng 2 nhà số 25 Mã Mây, bà Tuyết bắt đầu mở các lớp dạy nấu ăn, dạy nữ công gia chánh,... cho các bạn trẻ muốn học và tìm về với những món ăn truyền thống. Nơi đây cũng trở thành một địa chỉ du lịch ẩm thực hấp dẫn khi ngày càng nhiều khách nước ngoài tìm tới, thưởng thức món ăn mang phong vị truyền thống của Hà Nội, của Việt Nam và muốn được học cách làm ra những món ăn ngon của người Việt.

Điều đặc biệt là học viên người nước ngoài tìm đến lớp dạy nấu ăn của bà Tuyết ngày càng đông. Họ đến từ nhiều nước như: Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Thụy Sĩ… Để học viên hiểu rõ sự tinh tế về hương vị cũng như ý nghĩa văn hóa của từng món ăn truyền thống của người Hà thành, bà Tuyết rất kỳ công trong việc giảng dạy, giúp học viên hiểu rõ điều làm nên hồn cốt món ăn. Trong các buổi học, bà cố gắng lựa chọn những món ăn đơn giản, dễ làm nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chí: Là món ăn đặc trưng của người Hà Nội, các món đã có “thương hiệu”, có hương vị ngon nhưng không quá lạ. Bà tỉ mỉ chỉ cho họ cách nấu canh bóng, riêu cua, bún chả, bún thang, nem rán…

“Dạy các bạn quốc tế có một cái khó là mình phải truyền cảm thế nào để họ thấy được giá trị đích thực của món ăn Việt. Ví dụ như món nem rán đã nổi tiếng rồi nhưng giờ người ta được trải nghiệm, hướng dẫn cách làm và được thưởng thức ngay tại chỗ sản phẩm do chính tay mình làm ra... họ mới thấy cái hay, cái đẹp, ý nghĩa món ăn và cũng để nói lên cái tâm của mình, thế mới là thành công” - bà Tuyết chia sẻ.

Sự thành công của nghệ nhân Phạm Thị Tuyết đến từ chính tâm huyết của bà với các món ăn truyền thống Hà thành cùng sự nhiệt tâm truyền dạy cho học viên, góp phần lan tỏa những món ăn mang đậm phong vị Việt. Chẳng thế mà, nhiều người nước ngoài sau khi học cách chế biến món ăn của nghệ nhân Phạm Thị Tuyết lại trở nên yêu thích văn hóa ẩm thực Việt Nam, thường xuyên đến gặp bà để học thêm những bí quyết nghề. Hiện nay, lớp học của bà ngày càng đông thông qua các tour du lịch Hà Nội. Hình ảnh nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết với các món đặc sản của đất Hà thành cũng đã trở nên quen thuộc với công chúng Mỹ, Nga và các nước trên thế giới qua kênh truyền hình Discovery, BBC (Anh), SRG (Thụy Sĩ), CNN (Mỹ)... Đến nay, lớp dạy nấu ăn của bà đã đạt con số trên 14.000 lượt học viên đến từ nhiều quốc gia.

Với những đóng góp cho văn hóa ẩm thực truyền thống, năm 2006, bà Phạm Thị Tuyết được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu “Nghệ nhân ẩm thực dân gian Việt Nam”; năm 2015 được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Bà cũng vinh dự được lựa chọn là đầu bếp lên thực đơn và nấu tiệc chiêu đãi 21 nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017. Năm 2018, bà được Tổng cục Du lịch Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, mới đây, UBND TP Hà Nội đã vinh danh bà Phạm Thị Tuyết là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp người đưa ẩm thực Hà Nội ra thế giới