Ngàn năm Thập tam trại

Thuận An| 20/05/2023 06:10

(HNMCT) - Địa bàn các phường Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), Hào Nam (quận Đống Đa) từ lâu đã thuộc “vùng lõi” của đô thị Hà Nội. Nhưng khi nhà Lý mới định đô tại Thăng Long, đó là vùng đất mới được khai phá, được gọi là Thập tam trại. Người dân Thập tam trại hôm nay vẫn giữ phong tục xưa, mỗi khi làng Lệ Mật (quận Long Biên, Hà Nội) tổ chức lễ hội, người ta lại trở về để tri ân nguồn cội và nhớ về thuở mới lập làng, lập trại.

Tái hiện nét đẹp xưa trong lễ hội Thập tam trại được tổ chức tại Công viên Bách thảo (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình).

Năm nay, đúng vào dịp cuối tháng 3 âm lịch, khi đình làng Lệ Mật tổ chức lễ hội, thì người dân các phường Cống Vị, Đội Cấn, Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai... thuộc quận Ba Đình và phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cũng kỷ niệm 980 năm Thập tam trại ra đời. Thần tích đình làng Lệ Mật ghi rằng, vào đời vua Lý Thái Tông, một hôm công chúa du ngoạn trên dòng Thiên Đức, không may thuyền đắm. Có một chàng trai tên là Hoàng Quý Công ở làng Lệ Mật đã xin vua lặn xuống, chiến đấu với giảo long, đưa thi thể công chúa vào bờ. Vua ban thưởng nhiều vàng bạc, châu báu nhưng chàng trai không nhận. Ông xin vua cho dân nghèo bản quán được khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long. Nhà vua chấp thuận cho chàng trai họ Hoàng đem con em vượt sông mở làng, lập ấp. 

Vùng đất ấy gồm 13 làng trại, hay còn gọi là Thập tam trại. Sau nhiều lần đổi dời qua các triều đại, Thập tam trại gồm 14 trại: Thủ Lệ, Vạn Phúc, Hào Nam, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Vĩnh Phúc, Xuân Biểu, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Giảng Võ. Không chỉ được truyền tụng trong dân gian, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” (Phan Huy Chú) cũng ghi lại sự kiện chàng trai làng Lệ Mật đem con em khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành, lập nên những làng trại ven đô. Cư dân Thập tam trại không chỉ thờ người khai sáng vùng đất Hoàng Quý Công mà nhiều làng còn thờ các vị thánh, thần khác làm Thành hoàng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khái niệm Thập tam trại có thể ra đời muộn hơn và không phải tất cả các trại đều do Hoàng Quý Công lập nên, nhưng đã “nhập” vào Thập tam trại để cùng tưởng nhớ ông. Dù lịch sử vẫn còn nhiều điểm mờ, nhưng việc coi Hoàng Quý Công là vị Thánh tổ đã ăn sâu vào tiềm thức, thành niềm tự hào của người dân vùng đất này. Thập tam trại có câu: “Nhớ ngày 23 tháng 3/ Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê/ Kinh quán, cựu quán đề huề/ Tây Hồ cá nhảy đi về trong mây”. Kinh quán chỉ những người ở Thập tam trại, cựu quán chỉ những người đất Lệ Mật. Mỗi khi vượt sông về cựu quán, 13 làng trại với các mâm lễ vật, cờ xí rợp trời tạo nên một đám rước khổng lồ, trong đó có sự “phân vai” rõ ràng. Trại Vĩnh Phúc được xem là “con trưởng” nên được giao nhiệm vụ cầm gươm bảo vệ; các trại Liễu Giai, Cống Vị làm bồi tế; trại Vạn Phúc đọc văn... Từ năm 2010, lần đầu tiên có một lễ hội chung của 13 làng trại được tổ chức tại Công viên Bách Thảo. Lễ hội ấy bây giờ đã thành lễ hội truyền thống của cả một vùng.

Thập tam trại chủ yếu làm nghề trồng rau, hoa và cây thuốc nam để cung cấp cho kinh thành Thăng Long. Những làng hoa Ngọc Hà, làng thuốc Nam Đại Yên nổi tiếng của đất Thăng Long chính là những ngôi làng của Thập tam trại ngày ấy. Thập tam trại, bởi thế, còn có một tên gọi thân thương khác là Trại hàng hoa.

Sau biến thiên của lịch sử, những vườn hoa, vườn thuốc nam cuối cùng của Trại hàng hoa cũng không còn. Nơi ấy giờ đất chật, người đông. Nhưng nếu đi sâu vào những ngõ nhỏ, người ta sẽ thấy những điều còn mãi. Ví như ở Giảng Võ vẫn còn một nhánh họ Trương, thường gọi mình là họ Trương Giảng Võ - Lệ Mật. Đi qua những con ngõ, có một mái chùa họ Trương - Linh Ứng tự. Khi di cư từ Lệ Mật sang đây, tổ tiên của dòng họ Trương đã dựng ngôi chùa này làm nơi thờ Phật. Đất đai được chia ra, con cháu họ Trương sống quây quần quanh sân chùa. Ấy vậy mà ngôi chùa vẫn được gìn giữ rất mực tôn nghiêm. 

Làng Đại Yên (phường Ngọc Hà) nằm ngay bên đường Hoàng Hoa Thám. Những tưởng nghề thuốc nam đã cáo chung từ lâu lắm nhưng thi thoảng vẫn bắt gặp một khu vườn trồng thuốc nam. Những người già cả vẫn giữ cho mình một khu vườn, ở đó họ trồng những loại cây như khổ sâm, cối xay, lá diễn, đơn tướng quân, đinh lăng, hương nhu, ngải cứu... phòng khi trái gió, trở trời. Đặc biệt, quanh khu vực cổng làng Đại Yên vẫn có những gia đình bán thuốc nam. Giờ người ta nhập thuốc nam từ nơi khác về, nhưng vẫn giữ nghề cũ. Người dân quanh vùng vẫn giữ thói quen đến đây mua các loại thuốc nam, nhất là khi cần nấu nồi lá giải cảm, hay tự nấu nồi nước lá thơm dưỡng tóc. Đó là những "mảnh vụn" sót lại từ quá khứ, những điều bình dị nhưng được người đời trân trọng. 

Nếu gặp những người Hà Nội cũ, đừng ngạc nhiên khi ở vùng lõi đô thị này người ta vẫn gọi nhau là “người làng”, làng Hữu Tiệp, làng Giảng Võ, làng Ngọc Hà... Ký ức Thập tam trại hẳn sẽ còn vương vấn đến mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngàn năm Thập tam trại