Phụ nữ Hà thành và chuyện đi chợ

Phong Hà| 23/03/2023 07:56

(HNMCT) - Những tưởng cái thời đi chợ bằng tem phiếu từ thế kỷ trước đã lùi vào dĩ vãng, nhưng những năm đại dịch Covid-19 vừa qua, các bà các mẹ lại phải dùng phiếu để đi chợ, lo từng bữa ăn hằng ngày cho chồng con. Giữa muôn vàn khó khăn của thời chiến hay dịch bệnh, hằng ngày bưng bát cơm dẻo thơm, hẳn mỗi chúng ta càng biết ơn và thêm yêu thương những người mẹ đảm đang, hết lòng vì sức khỏe của người thân.

Các bà mẹ đi chợ trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19.

Nhớ thời tem phiếu, càng thương mẹ nhiều

Thời chiến tranh, bao cấp, tiêu chuẩn gạo, thịt, đường, sữa, vải vóc... đều theo độ tuổi lao động, ngành nghề để cấp phát bằng các loại tem phiếu. Nhà nào có vài người làm công nhân thì thùng gạo luôn đầy và nhiều bữa ăn có thịt hơn vì tiêu chuẩn dành cho người lao động chân tay được ưu tiên ở mức cao. Mẹ tôi làm công nhân dệt nên bốn chị em chúng tôi được hưởng ké tiêu chuẩn của mẹ, nếu không muốn nói là “ăn hết phần của mẹ”.

Thời đi sơ tán, mẹ thường dậy sớm lặn lội đạp xe mãi làng trên chờ người ta tát ao, cố mua bằng được mấy cân cá về kho cho chị em chúng tôi ăn dần. Rồi mẹ tranh thủ cuối tuần đi chợ huyện mua chục trứng, cân lạc nhân, bó rau cải về muối dưa làm thức ăn “trường kỳ” cho cả gia đình. Mẹ bảo chúng tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn phải đủ chất nên mẹ tìm mọi cách cải thiện bữa ăn hằng ngày. Bố tôi làm giáo viên, ông mải miết theo học sinh ở nơi sơ tán. Ngoài lúc làm ca ở nhà máy, mẹ dành hết thời gian cho việc đi chợ và chế biến thức ăn. Tôi hồi đó mới học lớp 3, chỉ biết dọn mâm hay rửa bát giúp mẹ.

Còn nhớ một năm, chú tôi tổ chức đám cưới. Mẹ tôi đưa hết tem phiếu của gia đình cho bà nội và đi chợ tối ngày lo cỗ cưới cho chú tôi. Suốt tháng đó, bữa ăn của chị em tôi quanh quẩn điệp khúc “lạc rang, rau muống”, rồi “tép kho, dưa muối”. Một đêm, tôi thức giấc, phát hiện mùi hành phi thơm lựng khắp nhà. Ra là mẹ đi làm ca đêm về, bà tranh thủ rang mớ tép vừa mua được ở chợ đầu mối gần nhà máy. Mẹ thường bảo, nhiều hôm bà cứ ngẩn ngơ giữa chợ như người mất hồn, không biết mua gì vì túi tiền có hạn.

Suốt thời thanh xuân của mẹ, trong cái ví cũ bằng vải bạt của bà toàn các loại tem phiếu, cái cắt rời, cái còn dính nguyên trong tờ phiếu, tất cả nằm lộn xộn, nhàu nhĩ như sắc mặt của mẹ cứ cũ dần theo thời gian. Thỏi son môi, hộp phấn hồng trong ví cầm tay là hình ảnh hiếm thấy, thậm chí là không bao giờ có đối với mẹ tôi cũng như các bà mẹ khác thuở đi chợ bằng tem phiếu thời bao cấp...

Những anh hùng của gia đình và xã hội

Cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 lan tràn khắp nơi. Có thời điểm “ai ở đâu, ở yên đấy”, cuộc sống sinh hoạt đảo lộn chưa từng thấy. Mẹ tôi dù đã nghỉ hưu, ở với vợ chồng cậu út, nhưng bà vẫn tích cực tham gia công tác mặt trận, phụ nữ ở khu dân cư. Bà hăng hái mặc đồ phòng dịch, đeo khẩu trang đi phát phiếu đi chợ cho từng hộ dân. Mẹ tôi cùng các bà các chị còn phân công nhau đi mua thực phẩm, chuyển đến từng nhà những người neo đơn, già yếu, có hoàn cảnh khó khăn...

Chúng tôi đều đã có gia đình và ở riêng nhưng mẹ vẫn lọ mọ đi chợ, lo cho bữa ăn gia đình từng đứa con. Trong mắt bà, chúng tôi vẫn luôn là những đứa trẻ bé bỏng như thời sơ tán năm xưa. Với tấm giấy được phép di chuyển, bà tranh thủ đến từng nhà xem con cháu ăn uống ra sao giữa dịch giã căng thẳng. Bà còn mua dừa tươi, cam, yến sào bổ sung dinh dưỡng cho tôi khi tôi mắc Covid-19.

Dịch bệnh không chừa một ai. Rồi mẹ tôi cũng mắc virus SARS-CoV-2. Bà sốt cao, ho và khó thở. Chúng tôi cuống quýt về bên mẹ. Mẹ cười và giục chúng tôi về lo chợ búa, nấu nướng cho chồng con: “Mẹ đã tiêm vacxin, chắc Covid-19 không quật ngã được mẹ đâu”. Mấy ngày mẹ bị cách ly, bữa ăn của gia đình cậu út thất thường trông thấy. Khi nhúc nhắc bình phục, mẹ lại cùng tổ dân phố đi chợ, mua lương thực, thực phẩm cho từng nhà. Bà lại hì hụi chế biến các món ăn sao cho đủ chất dinh dưỡng cho vợ chồng cậu út cùng hai cháu nội. Rồi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, mẹ lại đi chợ hằng ngày lo từng mớ rau, con cá, lạng thịt cho bữa ăn của chồng con và các cháu.

Tôi thầm nghĩ và xót thương cho mẹ cả đời không được thảnh thơi hưởng thụ. Suốt thời tuổi trẻ cho đến khi nghỉ hưu, bên cạnh công việc xã hội, mẹ vẫn luôn cần mẫn lo lắng việc chợ búa, cơm nước cho mọi người trong gia đình. Cả cuộc đời mẹ luôn gắn liền với việc đi chợ và nấu những bữa ăn nóng sốt. Dù khó khăn đến mấy, mẹ vẫn kiên cường vượt qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Hà thành và chuyện đi chợ