Lứa chúng tôi sau “12 ngày đêm” năm ấy

Phong Hà| 15/12/2022 08:07

(HNMCT) - Những ngày Hà Nội đỏ lửa đánh “pháo đài bay” B52, lứa chúng tôi chỉ mới 16, 17 tuổi. Đứa thì khai tăng tuổi để xin đi bộ đội, đứa theo gia đình sơ tán, đứa trốn về Hà Nội xem máy bay, tên lửa, pháo phòng không của ta bắn “giặc trời”. 50 năm đã trôi qua nhưng ký ức oanh liệt về một thời hoa lửa ấy vẫn luôn ghi đậm trong trái tim mỗi người...

Thanh niên Hà Nội tình nguyện lên đường ra mặt trận.

Ngọn lửa căm thù

Cuối tháng 11-1972, báo đài thông tin Mỹ sắp mở một cuộc tập kích lớn vào Thủ đô bằng không quân với “pháo đài bay” B52 “Bất khả xâm phạm”. Các gia đình rục rịch đưa trẻ con trở lại nơi sơ tán.

Từ Hà Tây (nơi sơ tán), tôi trốn về Hà Nội vì cho rằng mình là thanh niên, bỏ thành phố lúc này có gì đó không phải. Đêm 18-12, cuộc tập kích vào Hà Nội bắt đầu với tiếng gầm rít ghê rợn của B52 toan nuốt chửng những mái nhà cổ kính. Từ khắp các hướng, súng phòng không của ta thi nhau tung những đường đạn đỏ lừ như đàn cá lửa vẽ lên bầu trời thành phố những vệt sáng ngoạn mục.

Ngớt tiếng súng, tôi cùng mấy đứa bạn chui từ hầm lên, đi dọc phố xem nhà ai cần gì thì giúp. Điện tắt. Phố vắng lặng. Nhà ông giáo Thuần (dạy trường Sư phạm) có mảnh giấy gài nơi khóa cửa, ghi sơ sài: “Bố trực chiến ở trường, mẹ về nơi sơ tán. Chìa khóa gửi bên ông Bích số 12”. Nhà bên cạnh ghi ngắn gọn: “Nhà đi sơ tán hết - Hẹn gặp khi bình yên”. Có nhà còn cẩn thận ghi: “Ai nhắn gì viết giấy bỏ qua khe cửa - Cảm ơn”...

Đêm 26-12, chúng ném bom rải thảm gần như san phẳng một bên dãy phố Khâm Thiên, nhưng 8 chiếc B52 đã phải đền tội. Sáng sớm 27-12, mấy đứa chúng tôi rủ nhau lao về Khâm Thiên nhưng không được vào. Khói từ những ngôi nhà cháy dở và hương trầm nghi ngút trong đống đổ nát, hoang tàn. Bộ đội, công an, dân quân tự vệ khẩn trương làm nhiệm vụ trong phố. Đứng đầu phố có thể nhìn tới tận cuối phố đằng kia. Nhà bác thợ may (nơi tôi đặt may chiếc áo vải vinilon chần bông để diện Tết) cũng đã bị san phẳng. Hôm tôi đến đo áo, bác thợ may cứ đùa tôi: “Áo chú là tốn vải lắm đấy”. Chúng tôi bần thần im lặng đứng nhìn vào trong phố, đứa nào đứa nấy mắt cay xè...

Tình nguyện lên đường ra mặt trận

Sau “12 ngày đêm”, lứa chúng tôi nhất loạt nộp đơn xin đi bộ đội, có đứa nộp đơn lần thứ hai, khỏi cần khám sức khỏe. Tập trung huấn luyện ở Tây Tựu, Từ Liêm, ai cũng nóng lòng được đi B. Đang huấn luyện, mấy đứa “to con” được chọn đi học phi công, đứa thì được gọi lên Đoàn văn công Tổng cục Chính trị...

Trong đơn vị, một số đồng đội có nhà ở Khâm Thiên. Có người đã nộp đơn xin đi bộ đội, đang chờ gọi thì bất ngờ bị B52 rải thảm, cả gia đình chỉ còn lại ba người, hai đứa em nhỏ lúc đó ở nơi sơ tán. Có người thì nhà ở dãy phố bên kia đường cũng bị hơi bom làm đổ sập. Một năm sau, tháng 12-1973, khi đang đóng quân ở Nghệ An, cả đơn vị tôi đều hướng về phía Hà Nội, thắp hương tưởng nhớ những người dân đã mất ở Khâm Thiên. Giỗ đầu cho Khâm Thiên đơn giản vậy, nhưng thiêng liêng và cảm động lắm.

Rồi đơn vị hành quân vào Thanh Hóa, Nghệ An, tiến về phía Nam chuẩn bị hiệp đồng binh chủng cho chiến dịch lớn. Đơn vị phiên chế vào Lữ đoàn Công binh thuộc Quân đoàn 1. Vài ba người được lệnh quay về Xuân Mai học sáng tác ca khúc do Cục Chính trị tổ chức. Lúc tạm biệt, anh em nhắn gửi: “Nhớ qua Khâm Thiên thắp hương!”. Đơn vị chúng tôi làm đường, thi công ngầm qua sông Bé phục vụ cánh quân phía Bắc tiến về Sài Gòn...

Sau ngày đại thắng, đơn vị chuyển ra Bắc. Năm sau, một số ở lại làm quân nhân chuyên nghiệp, còn hầu hết xuất ngũ, chuyển ngành, tiếp tục học đại học. Nhiều năm sau, đồng đội tình cờ gặp lại nhau tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên, mừng vì có người trở thành bác sĩ, tiến sĩ; nhiều người làm giám đốc doanh nghiệp; có người được đề bạt Vụ trưởng; người đi học ở Liên Xô...

Riêng tôi thi vào Đại học Văn hóa ở đường La Thành. Nhà tôi ở phố Bà Triệu nên hằng ngày đi - về đều qua phố Khâm Thiên, khi nào cũng gợi trong tôi kỷ niệm. Phố Khâm Thiên lúc đó đã xây dựng lại với nhiều ngôi nhà cao ngất, các cửa hàng cửa hiệu may mặc, kinh doanh san sát, rất sầm uất.

Giữa phố là Đài tưởng niệm Khâm Thiên tưởng nhớ 287 người đã mất trong đêm 26-12-1972. Nhân ngày giỗ chung những người tử nạn, tôi viết bài này thay nén tâm nhang cầu nguyện cho tất cả, trong đó có bác thợ may hiền hòa, vui tính, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ may áo cho tôi nhưng đành dang dở. 50 năm đã trôi qua, lứa chúng tôi từ “12 ngày đêm” năm ấy nay đã ngót nghét 70 tuổi cả rồi.

Sự kiện “12 ngày đêm” năm ấy đã thổi bùng ngọn lửa trong tim những người con Hà Nội, thúc giục chúng tôi tình nguyện ra mặt trận, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975, đưa lứa chúng tôi đến với giảng đường đại học, tiếp tục phấn đấu, góp sức cùng Hà Nội thân yêu dựng xây và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lứa chúng tôi sau “12 ngày đêm” năm ấy