Ấn tượng điểm check-in bên Hồ Gươm

Hoàng Quyên| 23/10/2022 06:10

(HNM) - Tấm bảng tin của Báo Hànộimới đặt ở phía ngoài ngôi nhà số 44 Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) không chỉ là nơi lui tới của nhiều bạn đọc lớn tuổi, mà từ lâu đã trở thành điểm check-in, "địa chỉ bỏ túi" không thể bỏ lỡ khi đến Hà Nội của nhiều du khách.

Báo Hànộimới là một trong những điểm check-in “hot” nhất của giới trẻ Hà Nội. Ảnh: Minh Vũ - Kim Ngân

Ngược dòng thời gian tìm hiểu về lịch sử Báo Hànộimới, bạn sẽ hiểu vì sao trụ sở của Báo tại số 44 phố Lê Thái Tổ lại có sức hấp dẫn đến vậy. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1893, theo lối kiến trúc Pháp với kết cấu 3 tầng, tường sơn màu vàng nhạt và có những ô cửa gỗ màu xanh dương. Trước kia, nơi đây là trụ sở của L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ). Điều đặc biệt là ngôi nhà ấy nằm ngay bên hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thăng Long - Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ trưng thu ngôi nhà này để làm trụ sở Báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ trở thành trụ sở của Liên hiệp Công đoàn thành phố. Cuối năm 1958, khi Báo Thủ đô của Thành ủy Hà Nội (tiền thân của Báo Hànộimới, ra số đầu tiên ngày 24-10-1957) hợp nhất với Báo Hà Nội hằng ngày thành Báo Thủ đô Hà Nội, trụ sở báo được chuyển từ số 6 phố Hai Bà Trưng về đây. Từ năm 1968, khi tờ Thủ đô Hà Nội hợp nhất với tờ Thời Mới, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên chung là Hànộimới thì trụ sở báo vẫn ở tại 44 Lê Thái Tổ cho tới nay. Hơn 6 thập kỷ đã qua, ngôi nhà đã chứng kiến sự phát triển không ngừng của Báo Hànộimới.

Dù đã nhiều lần phải cải tạo nhưng hình dáng bên ngoài của tòa nhà gần như nguyên vẹn như năm nào, từ kết cấu 3 tầng tới màu sơn, khung cửa... Một điều đặc biệt nữa, ở mặt tiền ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ có một bảng tin có kích thước chừng 2m2, nơi có ghim những tờ báo Hànộimới hằng ngày để phục vụ bạn đọc. Đến nay, dù báo in đã không còn giữ vị trí "độc tôn" như trước nhưng Báo Hànộimới vẫn duy trì bảng tin. Đều đặn khoảng 5h sáng mỗi ngày, 8 trang báo Hànộimới hằng ngày “ra lò” lại được dán tại đây để đón bạn đọc.

Là người thường xuyên đọc báo tại bảng tin ở 44 Lê Thái Tổ, vợ chồng ông Nguyễn Tiến Võ - bà Nguyễn Thị Nhương (số 44A phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Chúng tôi thường đạp xe, đi bộ, tập thể dục ở khu vực này. Lần nào cũng dừng lại để đọc tin tức qua bảng tin Hànộimới. Đó là thói quen khó bỏ dù ở nhà cũng có báo giấy và chúng tôi có thể nhận tin tức qua truyền hình và internet”. Còn bà Nguyễn Thị Yến (phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm) thì nói: “Tôi thích không gian này, nó khiến tôi nhớ về cuộc sống của nhiều chục năm về trước”.

Tôi chia sẻ cảm xúc với bà Nguyễn Thị Yến, bởi từ lâu đã nghe chồng tôi nói về bảng tin đặc biệt này. Một lần, anh kể với tôi rằng vào mùa hè năm 1986, người Hà Nội háo hức theo dõi trực tiếp World Cup Mexico '86 qua sóng truyền hình. Đêm ấy, đội tuyển Liên Xô gặp Bỉ tại vòng 16 đội, đang xem thì mất điện, cả khu "như mất hồn" vì không biết số phận "những chú gấu Nga" ra sao. Sáng sớm hôm sau, chồng tôi đạp xe từ khu Bách Khoa lên 44 Lê Thái Tổ để "hóng" kết quả. Trận đấu đó diễn ra vào ban đêm, lại phải đá hiệp phụ nên có lẽ báo không chờ được để cập nhật thông tin lên trang. Nhưng không sao! Như biết trước sẽ có nhiều người muốn biết tin nên ai đó ở Báo Hànộimới đã treo lên bảng tin tấm bảng con với dòng chữ nghiêng ngả dường như viết vội: "Liên Xô - Bỉ: 3-4"...

Báo Hànộimới là một trong những điểm check-in “hot” nhất của giới trẻ Hà Nội. Ảnh: Minh Vũ - Kim Ngân

Kể những điều trên vì muốn nói rằng, bảng tin bên hồ Gươm cũng là một chứng nhân lịch sử của Hànộimới, một địa chỉ tin cậy của độc giả Thủ đô. Giờ đây, khu vực treo bảng tin của Báo Hànộimới không chỉ là nơi để độc giả đọc tin tức hằng ngày, mà còn trở thành điểm check-in nổi tiếng. Tuần cuối tháng 9 này, trong sáng thu sóng sánh nắng vàng, tôi gặp chị Linh San, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cùng nhóm bạn say sưa chụp ảnh trước bảng tin Hànộimới. “Bạn bè tôi có những bức ảnh tuyệt đẹp ở đây. Vì thế, khi ra Thủ đô, tôi lập tức đến đây để có được bức ảnh kỷ niệm” - chị Linh San tâm sự. Còn cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Tùng Linh - Trần Tú Anh, những người đã quyết định chọn khu vực trước trụ sở Báo Hànộimới để chụp ảnh cưới vào ngày hôm đó, bày tỏ: “Chúng tôi muốn có những bức ảnh đẹp và độc đáo. Đây là điểm chụp hoàn hảo cho một bộ ảnh cưới mang phong cách cổ điển”.

Nhiều hãng tin, trang web du lịch ở nước ngoài đã giới thiệu địa chỉ tòa soạn Báo Hànộimới trong tốp những điểm đến “hot” nhất tại Thủ đô. Trang Gotaditour.com xếp “Tòa soạn Báo Hànộimới trong tốp 50 điểm check-in đẹp nhất Hà Nội”. Trang dulichso.vn thì coi đây là một trong “9 điểm check-in hot nhất Hà Nội tháng 9-2022”... Họ mô tả rằng, dù chỉ là bảng tin đơn giản nhưng chính sự đơn giản được đặt trong không gian đặc biệt với bức tường màu vàng nhạt, khung cửa màu xanh hoài cổ và hình ảnh măng-sét màu đỏ truyền thống của Báo đã mang đến cảm giác đầy chất thơ, độc đáo. Rất thú vị, bởi có trang web còn "cẩn thận" hướng dẫn du khách chọn trang phục kiểu vintage (cổ điển) để có được những bức ảnh phù hợp với bối cảnh...

Nắm bắt được xu hướng lựa chọn của du khách, một số đơn vị kinh doanh du lịch trong nước đã đưa địa chỉ tòa soạn Báo Hànộimới vào danh sách những điểm đến cần giới thiệu cho du khách, điển hình như “Hanoi City Tour” trên xe buýt hai tầng. 

Những ngày này, nếu có dịp tới khu vực hồ Hoàn Kiếm, qua địa chỉ 44 Lê Thái Tổ, bạn có thể thấy những tốp du khách xếp hàng để chụp ảnh check-in tại bảng tin Hànộimới, thậm chí có cả những đoàn quay phim. Ngôi nhà với lịch sử gần 130 năm và bảng tin giản dị luôn là niềm tự hào của những người làm báo Thủ đô, đồng thời là minh chứng cho dòng chảy phát triển không ngừng của tờ báo Đảng của Thủ đô - Báo Hànộimới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng điểm check-in bên Hồ Gươm