Chiếc quạt gắn bó một thời

Phạm Kim Thanh| 28/08/2022 05:35

(HNMCT) - Cái tên “con cóc” đủ cho ta mường tượng ra hình dáng chiếc quạt. Năm 1965, bộ phận sản xuất quạt điện của Xí nghiệp Điện thông và Điện cơ Tam Quang sáp nhập thành Xí nghiệp Điện khí Thống Nhất (sau đổi là Điện cơ Thống Nhất), chuyên sản xuất các loại quạt điện phục vụ nhân dân. Quạt “con cóc” ra đời và sớm được người dân Hà Nội ưa dùng...

Những chiếc quạt gắn bó với thời kỳ bao cấp.

Thân quạt nhỏ gọn có đường kính khoảng 10cm và hình dáng như chú cóc đang ngồi. Ba cánh nhựa quay rất tít. Đế quạt làm bằng thanh sắt tròn có đường kính 1cm, uốn gần như hình chữ U, để bàn hay đặt ở giường ngủ đều tiện dụng. Cũng như xe đạp Thống Nhất, quạt con cóc có chất lượng và là một thương hiệu uy tín lúc bấy giờ. “Chú cóc điện” be bé vậy thôi, nhưng giá thành là 35 đồng, so với lương thợ cơ khí Nhà máy Dệt 8/3 là 48 đồng, hay lương kỹ sư 64 đồng thì giá ấy khá cao, nên người dân “định vị” luôn thành cái tên là “quạt 35 đồng”. 

Hồi ấy, người dân ngoại thành vẫn dùng quạt nan là phổ biến. Chạy gạo, chạy tiền cho đàn con ăn học đã đứt hơi, mơ gì đến chiếc quạt điện 35 đồng. Riêng cán bộ, công nhân, viên chức ở nội thành thì cố gắng chi tiêu tiết kiệm, dần dà cũng sắm được cho gia đình “chú cóc điện”. Gia đình nào có 3 - 5 con, bố mẹ cố gắng lắm cũng chỉ tậu được hai “chú”. Nhà tôi có ba mẹ con thì mẹ chỉ sắm một chiếc. Mẹ đi làm ca chiều đến khi tan ca, về đến nhà đã 11h đêm nên hai chị em ăn cơm, học bài, làm bài tập, đều bày sách vở ra giường rồi dùng chung quạt, chứ đâu có quạt cây, máy điều hòa, bàn học đẹp như bây giờ. Khi ngủ, ba mẹ con phải nằm ngang cho gió quạt thổi chênh chếch, em bé nhỏ nhất được ưu tiên nằm cạnh quạt, mẹ nằm trong cùng. Những đêm hè nóng nực quá mẹ vẫn phành phạch chiếc quạt nan trên tay. Cứ như thế, những mùa hạ ngột ngạt trôi qua, đang tuổi ăn tuổi lớn nên chúng tôi không biết mất ngủ là gì. Chỉ có mẹ nhiều đêm khó ngủ, giật mình tỉnh giấc thấy mẹ giang tay quạt thêm cho tôi. Chõng tre bên cạnh, bà tôi cũng đang quạt lạch phạch chiếc quạt lá cọ.

Năm 1971, nhà có thêm chiếc quạt “tai voi” của Liên Xô, mẹ nhờ bác tôi mua giúp theo tiêu chuẩn cán bộ. Gọi là quạt “tai voi”, vì ba cánh cao su to hệt như tai chú voi. Cái đế bằng gang đúc pha hợp kim chắc chắn, hình bầu dục, đỡ thân quạt cũng bằng gang đúc to tròn như trái mít cỡ 1kg. Vui sướng nhất là cả nhà đều được mát khi quây quần ăn cơm, vì quạt có cái “tuốc lăng” điều khiển cho thân quay các hướng.

Những chiếc quạt gắn bó với thời kỳ bao cấp.

Cho đến khi tôi lớn bổng, 16 tuổi rồi, cả nhà vẫn dùng chiếc quạt “con cóc” và quạt “tai voi”. Tôi thức khuya học bài để thi tốt nghiệp và thi đại học, có “chú cóc điện” thủy chung làm bạn. Lúc ấy, quạt trần của Nhà máy Điện cơ Thống Nhất cũng hiếm như xe đạp Favorit của Tiệp Khắc mà các anh chị đi du học mang về, không phải nhà nào cũng có. Sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ vào các tỉnh, thành phố miền Nam công tác thì quạt Biên Hòa mới xuất hiện ở Hà Nội. Cả khu tập thể Nhà máy Dệt 8/3 có lẽ chưa đến mươi nhà có chiếc quạt này. Mọi nhà dùng quạt Điện cơ như một nếp tiêu dùng quen của người Hà Nội. 

Những năm 1980 - 1990, ai được đi học tập, lao động tại Liên Xô khi về thường cố gắng “ôm” vài chiếc nồi áp suất, bàn là, ấm điện... và nhất định không thể thiếu chiếc quạt Orbita nhỏ gọn, vỏ và cánh làm bằng nhựa dẻo cao cấp thay cho quạt “tai voi”... Nhà máy Điện cơ Thống Nhất cũng loay hoay cải tiến mẫu mã và chất lượng để cho ra đời thế hệ quạt Hoa sen chân đế to đùng, cao khoảng gần 50cm, có lồng sắt bảo vệ ba cánh sắt to bản cỡ 20cm, cao khoảng 45cm để tạo gió mạnh. Giá quạt Hoa sen hồi đó đắt đến nỗi tôi và chị hàng xóm rủ nhau ra gian hàng ở Triển lãm Giảng Võ xem quạt rồi lại bấm bụng về tay không, chịu khó dùng quạt trần cũ vậy. Dân lao động vẫn ưa dùng quạt “con cóc” thông dụng. Nhà bạn tôi, ba chiếc giường thì có ba chú cóc điện. Một chiếc quạt trần Điện cơ treo ở phòng khách, thế là đủ gió mát cho cả nhà. 

Từ năm 1995 đến gần đây, dù đã có quạt nhập khẩu và quạt do nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất, phong phú về chủng loại nhưng chiếc quạt “con cóc” đã qua tuổi lục tuần vẫn gắn bó với nhiều gia đình, dùng để quạt khi nhóm lò than, tráng bánh cuốn, hầm xương cho nồi nước dùng làm bún, phở... Thủ đô ngày càng mọc lên nhiều nhà cao tầng chọc trời, tiện nghi hiện đại, vậy mà vẫn còn không ít “chú cóc điện” ngày ngày thức khuya dậy sớm cùng người chủ tần tảo, để cống hiến cho người Hà Nội và du khách bốn phương những món ngon Hà thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiếc quạt gắn bó một thời