Làm rõ hình tượng La Hầu trong văn hóa, kiến trúc Việt Nam

Miên Hạo| 06/04/2022 12:33

(NSHN) - Ngày 10-4, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm với chủ đề “La Hầu và hình tượng La Hầu trong văn hóa - kiến trúc cổ Việt Nam”, theo 2 hình thức trực tiếp tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và trực tuyến qua Fanpage Không gian văn hóa Quốc Tử Giám và kênh Youtube Không gian văn hóa Quốc Tử Giám.

Hình tượng La Hầu (Hổ Phù) gần gũi với tín ngưỡng dân gian.

Hình tượng La Hầu, hay còn được gọi là Hổ phù - là một trong những hình ảnh được phổ biến trên hầu hết các không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu cho đến các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, sập đá bia đá…, góp phần khẳng định nghệ thuật trang trí cổ truyền Việt Nam nói chung, nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Nguyễn nói riêng cũng như giá trị đặc biệt, thể hiện cốt cách và tâm hồn của dân tộc.

Tọa đàm nhằm mang đến cho khán giả cái nhìn tổng quát về lịch sử hình thành và phát triển của hình tượng này trong văn hóa tín ngưỡng và nghệ thuật cổ thế giới, cũng như trong văn hóa và kiến trúc cổ Việt Nam. Tín ngưỡng đi vào đời sống là một quy luật tất yếu trong lịch sử, vậy hình tượng La Hầu đã được truyền bá trong đời sống dân gian như thế nào, và đến giờ sức sống của hình tượng này trong đời sống văn hóa hiện đại ra sao. 

Tọa đàm có sự tham gia của Nhà Lý luận lịch sử và phê bình mỹ thuật, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế, tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu mỹ thuật, di sản văn hóa nổi tiếng. Năm 2021, anh cùng Nhà xuất bản Mỹ thuật phối hợp phát hành cuốn sách “Đi tìm khuôn mặt La Hầu”, công trình nghiên cứu về dạng thức, vị trí và nghệ thuật Đồ án La Hầu trong trang trí kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc cổ dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ hình tượng La Hầu trong văn hóa, kiến trúc Việt Nam