Chuyện đồ chơi Trung thu bằng sắt tây

Nguyễn Ngọc Tiến| 24/09/2021 05:10

(HNMCT) - Năm 1902, chính phủ Pháp tổ chức một triển lãm lớn về thành tựu kinh tế - xã hội Đông Dương tại Hà Nội. Ngoài các nước trong xứ Đông Dương còn có các nước thuộc địa của Pháp và nhiều quốc gia trên thế giới trưng bày sản phẩm công nghiệp, thủ công. Trong tài liệu “Triển lãm Hà Nội 1902” (Exposition de Hanoi 1902) lưu trữ tại Thư viện Quốc gia có nói đến gian hàng nhỏ trưng bày đồ chơi làm bằng sắt tây gồm xe kéo tay, con bướm, phụ nữ dệt vải và đặc biệt có Thánh Gióng cưỡi ngựa, múa sư tử... đặt trên miếng sắt dưới có 4 bánh xe bằng gỗ do thợ thiếc Hà Nội chế tác.

Nghệ nhân cuối cùng còn giữ nghề làm tàu thủy bằng sắt tây ở làng Khương Hạ. Ảnh: Quyết Tuấn

Vào thế kỷ XVIII, một nhóm thợ thủ công người làng Phú Thứ (nay thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) ra kinh thành Thăng Long mở xưởng đúc đĩa đựng ấm pha chè, chân và trụ dùng để đặt cây nến, đèn thắp dầu lạc... Dân chúng kinh thành gọi đó là phường Hàng Thiếc.

Năm 1882, Pháp chiếm thành Hà Nội, sau đó xua quân bình định các tỉnh miền Bắc. Để thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất, nhiều công ty của Pháp đã nhập máy móc, thiết bị, hàng hóa từ Pháp vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng. Để tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển trên biển, máy móc thiết bị được đựng trong các thùng sắt. Sau khi lấy hàng, người ta rao bán những vỏ thùng sắt. Vì thùng sắt có xuất xứ từ Pháp nên dân chúng gọi là sắt tây.

Một số thợ ở phường Hàng Thiếc nhận thấy sắt này có thể làm ra đồ dùng sinh hoạt nên đã mua về để chế ra thùng đựng nước, thùng đựng dầu hỏa, đèn thắp dầu  tây, ô doa để tưới rau... Công việc kinh doanh của họ rất phát đạt. Ngoài sắt tây, họ còn mua vỏ đồ hộp làm đĩa đốt dầu lạc cho các tiệm hút thuốc phiện, gáo múc nước, hộp đựng thuốc lào... Vì thế, chính quyền thành phố đặt tên phố là Rue des Ferblantiers (phố Thợ làm sắt).

Tuy nhiên, trong quá trình làm đồ dùng sinh hoạt đã thừa nhiều miếng sắt nhỏ nên người thợ khéo tay chế ra món đồ chơi nhỏ xinh. Và, theo thời gian, thợ Hàng Thiếc đã cải tiến những món đồ chơi cũ và sáng tạo các đồ chơi mới có thể di chuyển hoặc cử động được như con thỏ biết đánh trống, con bướm có thể vẫy cánh, rồi ô tô có bánh quay để trẻ con có thể kéo đi chơi...

Thế nhưng, thợ Hàng Thiếc còn làm nhiều thứ khác kiếm được nhiều tiền hơn nên họ thuê người làng Khương Hạ (nay thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) gia công, sau đó họ bán buôn cho dân phố Hàng Gai để bán lẻ trước Tết Trung thu. Vì sao người Khương Hạ có nghề này? Trước đó, Khương Hạ có nghề sửa chữa xe kéo tay, do một người làng học được từ người Pháp sau đó truyền lại trong họ rồi dần lan khắp làng. Nghề sửa xe tay vất vả mà tiền công cũng không cao, vì thế người làng ra Hàng Thiếc xin việc. Khi đó, người biết dùng búa, đục, kìm, hàn rất hiếm nên các nhà làm nghề phố Hàng Thiếc nhận ngay.

Từ đó Khương Hạ có nghề làm đồ sắt tây. Từ tháng Sáu âm lịch, Khương Hạ đã rộn rã tiếng đục, tiếng búa gò sắt chan chát từ sáng sớm đến tối bởi mỗi nhà đều làm một món đồ chơi. Tuy nhiên, làm tàu thủy chạy dầu rất khó vì chỉ một sai sót nhỏ tàu sẽ không thể chạy nên chỉ rất ít người Khương Hạ làm được.

Cho đến nay, không rõ thứ đồ chơi quyến rũ trẻ con này ra đời thế nào. Một số người Khương Hạ cho rằng, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, làng có người sang Pháp làm lính thợ đã học được cách làm tàu thủy, sau khi giải ngũ về nước ông này đã truyền lại nghề. Số khác thì bảo, thợ Hàng Thiếc thấy trẻ con Pháp ở Hà Nội mang tàu ra Hồ Gươm chơi nên đã tìm cách mua lại rồi bắt chước. Lại có ý kiến đưa ra là một sĩ quan hải quân Pháp sống ở Hà Nội đã nhờ máy trưởng con tàu mà ông chỉ huy thiết kế, sau đó thuê thợ Hàng Thiếc thực hiện để tặng cậu con trai với mong muốn đứa con sẽ luôn nhớ đến ông khi ông đi biển.

Thậm chí, ông ta còn thiết kế ngôi biệt thự ở phố Trần Hưng Đạo (nay là số nhà 46 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) mang hình dáng một con tàu. Thời bao cấp, nguyên liệu khan hiếm nên thợ Khương Hạ mua từng vỏ hộp của các bà đồng nát để làm đồ chơi. Ngoài làm tàu chạy dầu, họ còn làm loại tàu thủy đơn giản cũng chạy được bằng cách gắn cục xà phòng ở đuôi tàu. Xà phòng gặp nước tan ra, tạo thành phản lực đẩy con tàu tiến lên phía trước. Khi hết xà phòng, tàu sẽ dừng lại.

Đầu thế kỷ XXI, nghề làm đồ chơi bằng sắt tây ở Khương Hạ mai một vì không cạnh tranh nổi với đồ chơi hiện đại tràn ngập thị trường. Hiện Khương Hạ chỉ còn duy nhất một gia đình làm tàu thủy vẫn cặm cụi với những giũa cùng cưa để mỗi dịp Trung thu lại xuất xưởng những con tàu bằng sắt tây cho con trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện đồ chơi Trung thu bằng sắt tây