Khúc sông Đà huyền thoại

Nguyễn Ngọc Tiến| 19/09/2021 05:31

(HNMCT) - Hà Nội có hai con sông lớn chảy qua là sông Đà và sông Hồng. Từ Lai Châu, sông Đà chảy qua Hòa Bình theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Nhưng khi qua thành phố Hòa Bình vào xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì, Hà Nội), sông Đà bất ngờ quặt lên hướng Bắc, sau đó nhập với sông Hồng ở Trung Hà.

Sông Đà đoạn chảy qua huyện Ba Vì.

Sông Đà và sông Hồng được tôn là Thủy tổ và là một trong Tam tổ (Địa tổ ở Phú Thọ, Sơn tổ là núi Ba Vì) trong tâm thức dân gian Việt Nam. Khúc sông Đà từ xã Khánh Thượng khi nhập vào sông Hồng ở ngã ba Trung Hà, cũng là ranh giới hành chính với tỉnh Phú Thọ, chỉ dài 35km nhưng là khúc sông huyền thoại.

Theo truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, khúc sông này là nơi ẩn náu của thủy quái trong đội quân của Thủy Tinh. Ngày nay, dọc theo bờ sông vẫn còn đình, đền thờ Sơn Tinh. Tại Khê Thượng (Ba Vì), chiều 30 Tết, dân làng làm lễ tiễn đưa Đức thánh Tản Viên qua sông Đà về núi Nghĩa Lĩnh để lễ tết bố vợ là Hùng Vương. Chiều ngày mùng 2, dân làng lại chuẩn bị kiệu, cờ trống, hương án bên bờ sông Đà để bái vong và rước ngài về.

Không chỉ gắn với huyền thoại, khúc sông này là vị trí quan trọng về quân sự. Để chống quân Minh xâm lược, Hồ Quý Ly đã xây dựng tuyến phòng thủ dọc bờ hữu của sông Hồng và sông Đà, trong đó có thành Đa Bang (nay thuộc xã Phong Vân, huyện Ba Vì). Cuối tháng 5-2005, một chiếc tàu trọng tải 200 tấn chạy trên sông Đà, khi qua thôn Sơn Hà (xã Khánh Thượng) đã va đập vào vật cản và bị chìm. Sau khi trục vớt con tàu, người ta phát hiện một chiếc xe tăng của quân đội Pháp. Đây là một trong hai chiếc xe tăng bị Trung đoàn Tu Vũ (Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) bao vây đã lao xuống sông. Sau đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây (cũ) đã tiến hành trục vớt và đưa về trưng bày tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin của tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội). Còn chiếc kia hiện được trưng bày tại Tượng đài Chiến thắng Tu Vũ (tỉnh Phú Thọ).

Khúc sông này cũng từng là nơi buôn bán tấp nập. Xưa có câu: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Bợ, Bạt”. Bợ là tên tục làng Thanh Đồng (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), còn Bạt là Thái Bạt (nay thuộc xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội). Vào thời Hậu Lê, hai bến đò ngang này quanh năm nhộn nhịp thuyền bè vì là nơi các thương gia đưa hàng từ Thăng Long lên Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và đưa lâm thổ sản từ các tỉnh này về xuôi. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội cùng các tỉnh phía Bắc và cho lập bến tàu chở khách từ Hà Nội đi Sơn Tây. Từ Sơn Tây lại có tàu đi chợ Bờ (Hòa Bình), Tuyên Quang và ngược lại. Nhưng từ Phú Thọ muốn sang Ba Vì, Sơn Tây và ngược lại chỉ có đò ngang và 2 bến đông đúc nhất là Đồng Luận và Trung Hà. Bến đò Trung Hà nằm tại khu vực thị trấn Trung Hà (trước năm 1954 gọi là phố Trung Hà).

Tháng 12-1946, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ rời Hà Nội, qua đò Trung Hà sang Phú Thọ rồi lên Việt Bắc lập chiến khu kháng chiến. Năm 1948, để chuyển vũ khí, đạn dược lên phía Bắc chống lại Việt Minh, thực dân Pháp đã lập bến phà ở vị trí bến đò Trung Hà, xây lô cốt, cắt lính gác ngày đêm nhằm ngăn bộ đội vượt sông đánh các cứ điểm quân sự ở Sơn Tây. Ngày 5-8-1964, Mỹ dùng máy bay đánh phá miền Bắc, các bến phà trở thành mục tiêu nên Nhà nước đã chuyển bến phà Trung Hà về Phú Nhiêu, cách phố Trung Hà gần 1km. Từ năm 1966 - 1968, Mỹ đánh bom ác liệt. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, phà không hoạt động ban ngày mà chuyển sang chạy đêm, từ chập tối đến 6h sáng. Năm 1973, Mỹ ký Hiệp định Paris, miền Bắc được sống trong hòa bình, bến Phú Nhiêu vẫn được giữ. Con phà cũ kỹ ngày ngày vẫn chở khách và chỉ ngừng hoạt động khi cầu Trung Hà được xây dựng năm 2002. 

Ba Vì còn có bến phà khác là bến Đồng Luận (thuộc tỉnh Phú Thọ, còn bên Ba Vì thuộc xã Minh Quang). Trước năm 1965, Đồng Luận là bến đò ngang. Khi Mỹ đánh bom miền Bắc, Đồng Luận được nâng cấp thành bến phà để chở ô tô, giảm tải cho bến Trung Hà, vốn là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Phà sử dụng đầu kéo nên mỗi lần ô tô xuống phà phải đi lùi khá nguy hiểm. Mùa mưa, nước sông Đà dâng cao, phà sang - về không sợ va vào bãi ngầm. Nhưng vào mùa cạn, các bãi cát nổi lên buộc phà phải đi vòng, khá nguy hiểm. Ngày 28-11-2014, dự án xây dựng cầu Đồng Quang thay cho bến phà 55 tuổi được khởi công. Sau hơn 1 năm thi công, cầu được khánh thành ngày 20-12-2015.

Ngày nay, dù sông Đà không còn gây ra lũ lụt, hai bờ sông có nhiều đổi thay nhưng nó vẫn là khúc sông huyền thoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khúc sông Đà huyền thoại