Ngôi đình cổ ven dòng Kim Ngưu

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công| 24/06/2021 09:30

(HNMCT) - Nằm ở gần ngã ba sông Nhuệ và sông Kim Ngưu, làng Ngải Khê (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là ngôi làng cổ với nhiều truyền thuyết xung quanh tứ vị Thành hoàng được thờ phụng trong đình. Cái tên “Ngải Khê” cũng bắt nguồn từ hòn đá thiêng trên cánh đồng làng.

Đình làng Ngải Khê có lối kiến trúc độc đáo, trước mặt là một sân gạch đã rêu phong.

Tứ vị Thành hoàng

Phần lớn mỗi ngôi đình làng thường thờ một Thành hoàng làng, nhưng riêng làng Ngải Khê có tới 4 vị Thành hoàng đều là những nhân thần từng sinh ra hoặc sống tại đây.

Vị Thành hoàng đầu tiên là Gia Thiện từ nhân Nguyên Thánh Thiên Cảm Quốc mẫu Hoàng thái hậu (? - 1287). Bà sinh ngày 12 tháng Chạp, họ Trần tên Thiều. Bà là người có nhan sắc, tính tình phong nhã, thường làm việc thiện, được vua Trần Thánh Tông tuyển làm cung phi và phong là Thiên Cảm phu nhân. Bà là mẹ vua Trần Nhân Tông, nên được phong là Thiên Cảm Quốc mẫu. Thời ấy, dân làng Ngải Khê gặp nạn dịch bệnh, trộm cướp bất yên. Bô lão và dân làng dâng biểu tấu xin bà cứu giúp. Hoàng thái hậu đã ra lệnh mang quân binh và ngự y về làng chữa bệnh, cứu dân, tiễu trừ trộm cướp, ổn định đời sống nhân dân. Năm 1287, Hoàng thái hậu qua đời, dân làng Ngải Khê lập miếu thờ để tưởng nhớ công ơn của bà và tôn làm Thành hoàng.

Thành hoàng làng thứ hai là Thiên Hộ Quốc Linh ứng Chương Vũ Trung Linh đại vương. Vào khoảng thế kỷ VII, tại Giao Châu, có người họ Hoàng tên Phả, vợ là Nguyễn Thị Hữu sinh ra một người con vào ngày 24 tháng Ba (âm lịch). Lớn lên, người con làm quan Thủ Lệnh Chức, hóa ngày 20 tháng Chín, rất hiển linh và được dân tôn làm thần. Thế kỷ IX, Cao Biền sang làm Tiết độ sứ An Nam, cậy biết làm phép đã yểm bùa nhiều nơi, luyện âm binh. Thần đã hiển linh khuyên Cao Biền: “Muốn làm nên sự nghiệp thì đức phải trong sáng, đạo làm người lối sống chân chính, lấy nhân đức thu phục tà tâm”.

Vị Thành hoàng thứ ba là Bảo Hộ Quốc thọ Thiên Hưng đại vương. Ngài tên là Vũ Văn Hòa, sinh ngày 12 tháng Mười một, hóa không rõ, người làng Ngải Khê, nổi tiếng thông minh, từng đánh cờ với vua cờ Đế Thích. Ngài được thờ tại miếu Thượng (xưa là bãi Gò) - nơi người dân không được trồng trọt, giết súc vật hay làm nhà ở...

Vị Thành hoàng thứ tư là Nhập Nội Thái úy Trung phụ Dũng vũ Uy Thắng Chiêu Nhân đại vương. Ngài sống vào thời Lý, là người làng Ngải Khê, sinh ngày 6 tháng Sáu, hóa ngày 11 tháng Mười một. Sử nhà Lý chép, ngài có tài thao lược, cầm binh, đã trợ giúp Lý Thường Kiệt tiễu trừ giặc loạn và hết lòng cống hiến cho đất nước, được người dân tưởng nhớ công ơn, lập đền thờ và tôn làm Thành hoàng.

Chùa Ngải Khê nằm sau đình Ngải Khê.

Còn đó nét rêu phong

Làng Ngải Khê vốn có hai đình trên - dưới. Đình dưới bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn, đình trên được tu bổ năm 1947 và có diện mạo như ngày nay.

Đình quay về hướng tây, phía sau đình là chùa Ngải Khê (Báo Ân tự), phía trước là một sân gạch chỉ rộng, bên trái là nhà ngang đã cũ. Đình gồm đại bái và hậu cung, kiến trúc kiểu hình chữ Đinh. Đình được dựng lại trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nên mang nhiều nét kiến trúc hiện đại.

Tứ vị Thành hoàng đều là nhân thần nên làng Ngải Khê có tục kiêng húy “Thiều, Phả, Hòa”, khi đọc đến tên thần thì đọc khẽ và thỉnh một tiếng chuông. Vào mùng 1 Tết, người dân kiêng không băm chặt, bổ củi, nhà nào có tang phải kỵ qua 5 tháng mới được ra đình, đàn bà không được bước vào cung cấm trong đình...

Xung quanh đình hiện còn hệ thống di tích liên quan đến những truyền thuyết như vườn quan, đường lính, đường Bụt, đường nghê vàng... Đặc biệt, cuối làng có hòn đá thiêng đè ẩm thủy, dân làng không ai được phép nhấc lên, nếu không, làng có thể gặp hỏa hoạn. Cái tên “Ngải Khê” có nghĩa là “loại bỏ sự cháy” cũng bắt nguồn từ hòn đá thiêng này.

Hội chính làng Ngải Khê được tổ chức vào ngày 25 tháng Ba (âm lịch), là ngày hóa của Thiên Cảm Quốc mẫu. Làng tổ chức tế lễ, rước 3 năm một lần, duy trì các trò chơi dân gian độc đáo: Tung cầu, kéo co, đánh cờ; đặc biệt là trò chơi vật cầu và kéo mỏ vào ngày hội mùng 6 tháng Giêng.

Trò vật cầu, quả cầu được làm bằng củ chuối, bôi trơn bóng nhẫy. Khi quả cầu được tung lên giữa sân đình, mọi người thi nhau giành cầu. Còn trò kéo mỏ, dân làng dùng hai cây tre dài bằng nhau, hơ lửa cho mềm, rồi vặn quặp lại như hai cái mỏ và dùng lạt buộc chặt. Sau đó, hai đội thi kéo. Phần thưởng chính là cây tre, được người dân chẻ thành tăm, coi như lộc thánh.

Với giá trị di sản độc đáo, năm 2007, đình và chùa Ngải Khê được tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, đình Ngải Khê hiện đang bị xuống cấp, cần được bảo tồn thích hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi đình cổ ven dòng Kim Ngưu