Tiến sĩ Trần Trọng Liêu và vùng quê Văn Hội

Trần Bá Lạn| 27/03/2020 10:14

(HNMCT) - Tiến sĩ Trần Trọng Liêu (1696 - 1746) là danh nhân văn võ song toàn, người thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Sinh thời, ông học rất giỏi, đỗ Tiến sĩ năm 1733, được ghi danh trên bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Noi gương ông, các thế hệ dân làng Văn Hội tiếp nối truyền thống hiếu học để góp phần phát triển quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

Tấm bia có dòng chữ: “Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân - nhị danh Trần Trọng Liêu - Thượng Phúc huyện, Văn Giáp xã - Huấn đạo”. Ảnh: Trần Trọng Hưng

Tấm gương của dòng họ Trần

Thuở nhỏ, Trần Trọng Liêu là học trò cụ Thiên Vũ Thái Bộc, tự Khanh, huyện Thọ Xương, nổi tiếng văn hay, học giỏi, thi đỗ Tứ trường - khoa Đinh Dậu (1717). Năm 26 tuổi, ông được làm huấn đạo phủ Phụng Thiên, tham gia giảng bài trong cung vua khi chưa đầy 30 tuổi. Năm 1731, ông thi đỗ Tam trường. Năm Quý Sửu (1733) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ và được ghi danh trên bia số 66 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông được phong Hàn lâm viện Hiệu lý, rồi lần lượt được thăng Hàn lâm viện Thị chế, Đốc đồng tỉnh Hưng Hóa, Hiến sát tỉnh Hải Dương, Hiệu thư điện Đông Các.

Trần Trọng Liêu được biết đến như một bậc tướng tài thời Hậu Lê. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh dẹp loạn, nhờ vậy được phong chức Quận công. Tháng Hai năm Nhâm Tuất (1742) ông phụng chiếu Thiên sứ. Năm Ất Sửu (1745) ông nhậm chức Tứ thành quân vụ. Cùng năm ấy ông được phong tước Bá và thăng tới chức Đông Các học sĩ.

Trần Trọng Liêu còn là một văn sĩ với nhiều tác phẩm được lưu truyền. Gia phả họ Trần ở thôn Văn Hội còn lưu giữ nhiều tác phẩm văn thơ của ông, trong đó có những tác phẩm được viết công phu: Đơn cử như một bài văn dưới dạng tự sự có nhan đề Thuật lại sự kiện mừng Trần Quý Hầu (tức Trần Trọng Liêu) đăng quang tiến sĩ, vẻ vang gia tộc, người thôn Văn Hội, xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, trong đó có đoạn: “Đó ắt phải là tin tức sốt dẻo như cánh phượng hoàng bay cao, mong chờ những bàn tay khéo léo hôm nay đào tạo, rèn giũa sao cho đất nước có nhiều tài năng văn chương chữ nghĩa!”. Hay một bài thơ gồm 60 câu có nhan đề Thiên hạ bình bách tính ninh thi (“Thơ ngẫm về trăm họ trong thiên hạ”) với mấy câu kết (tạm dịch): “Khi đã được dân yên trù liệu/ Viễn cảnh đẹp vui - người gương mẫu/ Tủi phận - hay chê - hỡi người tài!/ Lạm dụng uy danh, oai phong hão/ Trí lớn, mưu trường - mong sửa trị/ Hòa hợp sao trời bước khoan thai”. Văn, thơ của ông luôn toát lên tầm nhìn rộng mở, tư tưởng vì dân xuyên suốt. Đặc biệt, ông còn là một thầy đồ tận tâm. Sau giờ làm việc, lúc nhàn rỗi, ông lại dạy học. Với trí tuệ, tài năng và phẩm cách cao đẹp, học trò theo học ông rất đông, trong đó không ít người đã thành tài.

Tiếp nối truyền thống hiếu học

Người xưa kể rằng, thôn Văn Hội được hình thành khoảng 5 thế kỷ trước. Thời ấy, một bộ phận nhỏ dân cư tách khỏi thôn Văn Giáp ra khai hoang lập nghiệp ở vùng hoang sơ nằm giữa Văn Giáp (phía tây) với sông Hồng (phía đông). Họ còn phải chống chọi với bọn côn đồ thường cướp bóc cả ngày lẫn đêm. Sau khi nạn trộm cướp được dẹp yên, người dân đến sinh sống, lập nghiệp ngày một đông. Thôn Văn Hội được hình thành và ngày càng nổi tiếng là đất học, trong đó đáng kể là sự vươn lên của dòng tộc họ Trần với tấm gương Trần Trọng Liêu.

Năm 2006, người dân làng Văn Hội bắt đầu tập hợp sử liệu liên quan đến Tiến sĩ Trần Trọng Liêu. Đầu tiên là việc giải mã hai tấm bia trong khuôn viên Văn chỉ chứa đựng nhiều dữ liệu quý. Bia thứ nhất có tiêu đề Thượng phúc Văn chỉ bi ký (Bia ghi về Văn chỉ - huyện Thượng Phúc, tức huyện Thường Tín ngày nay). Nội dung bia giải trình rõ về lịch sử hình thành Văn chỉ, từ lúc khởi đầu ở Yên Duyên đến khi được di dời về thôn Văn Hội, đại ý: “Cứ mùa mưa tới là nước dồn về, vùng đất Yên Duyên bị ngập úng, khó bề tổ chức được các cuộc tế lễ, thi cử theo quy định...”.

Bia thứ hai có tiêu đề Hội biện quan tính (Danh sách quan chức Hội đồng biện xét - tương ứng Hội đồng giám khảo). Từ đó có thể thấy đây từng là nơi tổ chức thi Hương của vùng phía Nam thành Thăng Long xưa. Hai tấm bia đã thể hiện rõ thôn Văn Hội là một địa chỉ văn hóa sớm của huyện Thường Tín... Năm 2007, bia ghi danh Tiến sĩ Trần Trọng Liêu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xác minh. Qua văn bia và tư liệu trong gia phả, dòng họ Trần đã tìm được nơi Tiến sĩ Trần Trọng Liêu yên nghỉ là gò Thổ Phụ, thuộc khu Nghĩa trang nhân dân Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín).

Với trình độ học vấn cùng công tích nổi trội, Tiến sĩ Trần Trọng Liêu được biết tới như một danh nhân văn võ song toàn. Đó chính là cơ sở để chính quyền địa phương lập dự án trùng tu, tôn tạo khu Văn chỉ xưa, nay là Văn từ Thượng Phúc, đồng thời lập dự án xây dựng Khu bảo tồn văn hóa tâm linh - nơi tôn thờ các bậc danh nhân tiền bối của huyện Thường Tín, trong đó không thể không kể tới các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Trần Trọng Liêu cùng nhiều bậc tiên hiền, khoa bảng có công được lịch sử ghi danh.

Kế tiếp truyền thống hiếu học ấy, hậu duệ của Tiến sĩ Trần Trọng Liêu luôn giữ vững nền nếp học tập. Nhiều thành viên các đời dòng tộc ở Văn Hội cuối thời phong kiến đỗ đạt, có bằng cấp, nhưng nhiều người đã không nhận chức quan mà về quê dạy học cho con em trong làng mở mang tri thức. Hàng chục tác phẩm văn thơ của các thế hệ sinh sau đã phần nào ghi lại được những dấu ấn về văn hóa, lịch sử cách đây hàng thế kỷ. Như bài thơ Khai bút Giáp Dần (1854), chắt của Tiến sĩ Trần Trọng Liêu đã nhấn về lòng nhân đức của ông ở cuối bài rằng: “Tâm vị đạo lớn - giàu nhân đức/ Đạo ở trong tâm - cực chẳng sờn/ Chỉ ước hiếu hiền yên hạ thế/ Mỗi năm vui đón một tân xuân”. Phó Giáo sư Bằng Tường, nguyên giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Tôi nghĩ, không phải là ngẫu nhiên khi các cụ ở đó lấy chữ “Văn” để đặt tên thôn”.

Ngày nay, các thế hệ dân làng Văn Hội luôn giữ vững truyền thống hiếu học mà Tiến sĩ Trần Trọng Liêu và các bậc tiên hiền đã góp công tạo dựng. Ngoài dấu ấn của Tiến sĩ Trần Trọng Liêu còn ghi tại Văn từ Thượng Phúc và bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tên tuổi ông mãi được nhớ đến cùng niềm tự hào của nhân dân thôn Văn Hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ Trần Trọng Liêu và vùng quê Văn Hội