Nghề chế tác sản phẩm mỹ nghệ ở Thụy Ứng

Minh Phú| 07/04/2019 07:55

(HNM) - Nghề chế tác đồ mỹ nghệ từ xương, sừng ở thôn Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) có từ hơn 400 năm nay. Đặc biệt, gần đây, nghề được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu tới nhiều nước, mang lại nguồn thu lớn, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nơi đây.

(HNM) - Nghề chế tác đồ mỹ nghệ từ xương, sừng ở thôn Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) có từ hơn 400 năm nay. Đặc biệt, gần đây, nghề được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu tới nhiều nước, mang lại nguồn thu lớn, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nơi đây.

Xưởng chế tác xương, sừng của hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Huy được đánh giá lớn nhất - nhì ở thôn Thụy Ứng. Bình quân mỗi tháng, gia đình anh Huy nhập 3 container nguyên liệu, chủ yếu là sừng trâu từ Ấn Độ và một số nước châu Phi, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động. "Chế tác đồ mỹ nghệ từ xương, sừng là nghề truyền thống của gia đình, tôi làm nghề này cũng đã được hơn 20 năm. Những năm gần đây, nghề xương, sừng ở Thụy Ứng ngày một phát triển, hầu như các hộ đều có máy móc hỗ trợ sản xuất, như: Máy cưa để cắt sừng, máy thủy lực ép các đoạn sừng thành phôi, máy chà cho nhẵn và chuốt bóng sản phẩm... nên năng suất cao, sản phẩm phong phú" - anh Huy cho biết.

Chị Nguyễn Thị Xuyến - thợ chế tác xương, sừng ở thôn Thụy Ứng phụ trách khâu mài bóng đồ trang sức vui vẻ chia sẻ: "Việc không nặng nhọc, mỗi tháng được trả 4,5 triệu đồng tiền công. Ở nông thôn, tìm được công việc gần nhà, không mất chi phí ăn, ở, đi lại nên tiền công như vậy khá ổn. Từ ngày có việc làm, kinh tế gia đình tôi ngày một cải thiện”.

Nếu như trước đây, sản phẩm chính của làng nghề Thụy Ứng là lược sừng thì hiện nay các mặt hàng đa dạng hơn với hàng trăm mẫu như: Thìa, dĩa, muôi, đồ trang sức (vòng đeo tay, đeo tai...). Ngoài nguyên liệu sừng, người thợ Thụy Ứng còn tận dụng các phần khác của trâu, bò để tạo ra các sản phẩm: Dây lưng, bàn chải, túi xách... Đa số sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Theo Trưởng thôn Thụy Ứng Nguyễn Tuấn Anh, hiện thôn có khoảng 600 hộ làm nghề, chiếm 60% tổng số hộ toàn thôn; trong đó, có 30 doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, tạo việc làm cho 10 lao động trở lên. Ước tính mỗi năm, sản xuất của làng nghề đạt giá trị hơn 100 tỷ đồng; thu nhập của lao động làng nghề đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên...

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng thông tin: Xã có 4 thôn nhưng nghề làm xương, sừng chỉ có ở thôn Thụy Ứng. Nhờ nghề truyền thống phát triển, thu nhập của người dân thôn Thụy Ứng luôn dẫn đầu trong số các thôn của xã. Hiện nay, nông nghiệp ở Thụy Ứng chỉ chiếm 11% trong cơ cấu kinh tế; thương mại - dịch vụ chiếm 27%; còn lại là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

Tuy nhiên, cùng với hiệu quả tích cực từ nghề, Thụy Ứng đang đối mặt với một số khó khăn. “Do sản xuất trong khu dân cư, nơi sản xuất cũng là nơi sinh sống của cả gia đình nên rất chật chội. Nếu có mặt bằng, chắc chắn gia đình tôi sẽ mở rộng sản xuất hơn nữa” - anh Nguyễn Xuân Huy mong muốn. Đây cũng là ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất ở thôn Thụy Ứng. Qua quan sát, hầu hết hộ sản xuất ở Thụy Ứng đều làm nghề ngay tại nhà. Quá trình cắt, mài xương sừng gây bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng xấu tới đời sống nhân dân...

"Để khắc phục, xã đã được chấp thuận dự án xây dựng điểm sản xuất tập trung xa khu dân cư quy mô 10ha tại khu đồng Sen thuộc thôn Thụy Ứng. Theo lộ trình, đến năm 2020, dự án sẽ hoàn thành, đưa các hộ sản xuất ra điểm tập trung. Bên cạnh đó, xã Hòa Bình tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc; không sử dụng nguyên liệu trái phép. Xã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, xác minh, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nhất là hoạt động chế tác, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác..." - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề chế tác sản phẩm mỹ nghệ ở Thụy Ứng