Chuông vàng lại ngân

Trà Giang| 04/06/2022 06:43

(HNMCT) - Sau 5 năm đóng cửa sửa chữa, rạp cải lương Chuông Vàng (72 phố Hàng Bạc) vừa mở cửa trở lại trong sự hân hoan của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội. Hai vở diễn mới được khởi công tại đây, đánh dấu sự trở lại của một rạp hát đã quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Hà Nội. Nhiều kế hoạch đang được phác họa với mong muốn biến nơi đây thành địa chỉ văn hóa được yêu mến của Thủ đô.

Nhà hát Cải lương Hà Nội diễn trích đoạn vở “Trời Nam” trong lễ khởi công vở và ra mắt rạp Chuông Vàng sau một thời gian đóng cửa sửa chữa.

Một địa chỉ văn hóa của Thủ đô

Nằm trên phố Hàng Bạc, rạp Chuông Vàng từ lâu là địa chỉ thân quen của người Hà Nội. Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nơi đây đã cùng người Hà Nội chứng kiến những biến đổi của đời sống văn hóa giải trí và cả những biến động của lịch sử. Rạp từng mang nhiều tên khác nhau như: Rạp Tố Như (1925 - 1939), rạp Văn Lang (1940 - 1946), rạp Kim Chung (1947 - 1956). Từ năm 1956 đến nay, rạp chính thức mang tên Chuông Vàng. Không chỉ là địa chỉ biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật như tuồng, cải lương, thậm chí chiếu phim, đây còn là nơi diễn ra lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của Trung đoàn Thủ đô vào ngày 14-1-1947...

Từ khi gắn liền với thương hiệu Nhà hát Cải lương Hà Nội, rạp Chuông Vàng là địa điểm thân quen của những người yêu cải lương Thủ đô. Nhưng, cùng với những khó khăn chung của ngành sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống, cái tên Chuông Vàng cũng thưa thớt dần trên truyền thông và dư luận. Rạp nhỏ, lại xuống cấp nên chủ yếu là nơi tập luyện, diễn một vài trích đoạn ngắn hoặc diễn phục vụ khách du lịch.

Mới đây, theo Nhà hát Cải lương Hà Nội, rạp Chuông Vàng đã mở cửa đón khách trở lại sau 5 năm đóng cửa sửa chữa và nghỉ do dịch Covid-19. Nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ: “Nhà hát Cải lương Hà Nội được hợp nhất từ 3 đoàn cải lương lừng danh đất Bắc trước đây, gồm Hoa Mai, Kim Phụng và Chuông Vàng. Rạp Chuông Vàng là niềm tự hào của Nhà hát. Sau một thời gian dài nghỉ diễn do dịch, việc mở cửa rạp ở thời điểm này thực sự là niềm khích lệ, động viên rất lớn với các nghệ sĩ. Chúng tôi đang xin phép để đưa chương trình biểu diễn tại phố đi bộ về rạp, kéo khán giả đến với rạp Chuông Vàng. Mục tiêu của Nhà hát là biến nơi đây không chỉ là địa điểm biểu diễn cải lương, mà còn trở thành địa chỉ văn hóa của Thủ đô”.

Là một đạo diễn phương Nam được mời về dàn dựng vở tại Nhà hát Cải lương Hà Nội, đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt đánh giá: Không gian như tại rạp Chuông Vàng hiện nay là không gian mơ ước của cải lương, bởi rạp tuy nhỏ nhưng có sự ấm áp, gần gũi. Nghệ thuật cải lương vẫn tồn tại, phát triển và tương lai của cải lương đòi hỏi chúng ta phải đặt vào nghệ thuật truyền thống, không gian truyền thống lối nghĩ mới.

Một tâm thế mới

Việc rạp Chuông Vàng tái hoạt động cũng được coi là một dấu mốc để các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội đặt mình vào một tâm thế mới, phấn chấn hơn, quyết tâm hơn trong dàn dựng, biểu diễn. Điều đó thể hiện qua việc Nhà hát tổ chức lễ khởi công liền hai vở diễn mới là “Trời Nam” và “Những đứa con oan nghiệt” với sự đầu tư công phu.

Với vở “Những đứa con oan nghiệt”, một vở diễn về đề tài giáo dục (kịch bản NSND Doãn Hoàng Giang), Nhà hát mời đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Còn với vở “Trời Nam” về đề tài lịch sử, Nhà hát đã mời đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt từ sân khấu phía Nam ra Hà Nội dàn dựng. Cùng với đó là những cộng tác viên tên tuổi được Nhà hát mời về hợp tác.

Nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh chia sẻ: “Vừa rồi, Nhà hát có mang vở “Truyền thuyết Trinh Nương” về huyện Đan Phượng diễn phục vụ bà con, đúng hôm đó có bóng đá, chúng tôi đã nghĩ sẽ vắng khán giả. Ai ngờ, hội trường 900 chỗ không còn chỗ trống. Thậm chí diễn xong vẫn còn một nửa khán giả ở lại, không ai muốn về. Điều đó chứng tỏ vẫn còn rất nhiều khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương và việc của chúng tôi là làm sao để có những vở diễn tốt nhất, hay nhất phục vụ khán giả”.

Giống như các nhà hát khác của thành phố, Nhà hát Cải lương Hà Nội đang đứng trước áp lực phải tự chủ. “Quả thật đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt là với nghệ thuật truyền thống như cải lương. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm hết sức, khó đến đâu gỡ đến đấy”, nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh chia sẻ. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cũng cho biết, Nhà hát Cải lương Hà Nội đang cho thấy sự quyết tâm trong việc chinh phục khán giả và đã có những điều kiện bước đầu tuyệt vời. “Chính vì vậy, không có lý do gì mà chúng ta không làm tốt” - nữ đạo diễn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuông vàng lại ngân