Sân khấu cho thiếu nhi: Mong muốn mang đến những trải nghiệm mới mẻ

An Định| 28/05/2022 13:22

(HNMCT) - Mặc dù khán giả trẻ luôn được đánh giá là tương lai của sân khấu, song các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi chỉ thực sự được quan tâm khi vào hè. Điều này khiến những người làm sân khấu hết sức trăn trở, mong muốn mang đến những tác phẩm tạo được trải nghiệm mới mẻ, ấn tượng cho các em.

Cảnh trong vở nhạc kịch "Bầy chim thiên nga".

Làm mới cổ tích

Đến hẹn lại lên, các nhà hát ở Thủ đô đã sẵn sàng phục vụ khán giả nhí trong dịp hè. Lướt qua “thực đơn sân khấu” dịp này, có thể thấy đa số các vở kịch đều lấy cảm hứng từ cổ tích hoặc dựng mới nhưng theo cách kể của những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích kết hợp với âm nhạc sôi động và sân khấu bắt mắt.

“Mùa hè yêu thương” là tên dự án biểu diễn dành cho các em nhỏ của Nhà hát Tuổi trẻ, sẽ khởi động vào dịp 1-6. Dự án gồm 3 tác phẩm: Nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”, vở kịch “Cuộc chiến virus” và “Vaxilixa và Phù thủy độc ác”. “Bầy chim thiên nga” được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên của đại văn hào Hans Christian Andersen, được dàn dựng dưới hình thức nhạc kịch với vũ đạo ấn tượng.

“Cuộc chiến virus” tái hiện cuộc đấu tranh của muông thú với những con vi rút nguy hiểm trên một sân khấu rực rỡ, ấn tượng. Dành riêng cho lứa tuổi mầm non và tiểu học nên nội dung vở diễn khá đơn giản, thông điệp rõ ràng, dễ hiểu với những tình huống hài hước, vui nhộn.

Còn “Vaxilixa và Phù thủy độc ác” được chuyển thể từ câu chuyện “Hai cây phong” của nhà văn Eugene Schwartz, kể về hành trình của một người mẹ đi tìm hai đứa con ham chơi nên bị lạc trong khu rừng rậm. Không gian sân khấu được dàn cảnh ấn tượng và âm nhạc sinh động dần đưa các em thiếu nhi hòa mình vào thế giới cảm xúc qua cuộc hành trình thú vị cùng các nhân vật đáng yêu trong rừng.

Nhà hát Kịch Hà Nội tiếp tục biểu diễn các vở “Hai viên ngọc thần”, “Sự tích dã tràng” do NSND Tuấn Hải đạo diễn, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam. Sự hóa thân tuyệt vời của các nghệ sĩ Thanh Hương, Thiện Tùng, Tiến Lộc, màn khuấy động sân khấu của NSƯT Quang Thắng… trên sân khấu rực rỡ, hiện đại đã tạo nên sức hấp dẫn cho vở diễn.

Cũng lấy cảm hứng từ truyện cổ tích, ê kíp của “giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng lại mang đến cho khán giả nhỏ tuổi vở nhạc kịch “Ông lão đánh cá và con cá mập”, lần đầu tiên công diễn vào ngày 1 và 2-6 tại Nhà hát Âu Cơ. Vở kịch thú vị nhờ phát triển thêm những hướng nội dung mới và đảo chiều theo kiểu “phản cổ tích” nhằm tạo ra “phiên bản” truyện cổ tích hiện đại.

Với thời lượng khoảng 45 phút, nhạc kịch “Ông lão đánh cá và con cá mập” có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ có giọng hát đầy nội lực lần đầu tiên thử sức trong loại hình sân khấu nhạc kịch như ca sĩ Đông Hùng (cá mập bố), ca sĩ Trung Dũng (ông lão), ca sĩ Thu Hiền VK (bà lão)... Ngoài tác giả kịch bản Đinh Tiến Dũng, vở nhạc kịch còn được “bảo chứng” độ hấp dẫn bởi những tên tuổi như cố vấn nghệ thuật - NSƯT Trần Ly Ly, đạo diễn sân khấu Vũ Đình Thắng...

Sáng tạo để tạo ấn tượng

Xác định khán giả trẻ chính là tương lai của sân khấu, nhiều nhà hát đã có chiến lược tiếp cận khán giả ngay từ lứa tuổi học đường. Tuy nhiên, việc tiếp cận lứa tuổi này cũng gặp nhiều khó khăn, một phần do thiếu quỹ thời gian, sân khấu thiếu nhi chỉ hoạt động sôi nổi được trong dịp hè, phần vì thiếu những tác phẩm ấn tượng đủ để cạnh tranh với các loại hình giải trí khác. Đây cũng là áp lực lớn với các nghệ sĩ, cho thấy muốn hấp dẫn các em thì phải gây ấn tượng mạnh từ lần tiếp xúc đầu tiên.

Chia sẻ về khó khăn khi làm kịch thiếu nhi, biên kịch Đinh Tiến Dũng cho biết, để gần và hiểu trẻ em thì mình cũng phải trở thành trẻ con, xem những gì con xem để phát hiện ra điều khiến các con mê mẩn. Cái khó nhất là làm sao khiến các con thích mà vẫn giáo dục và định hướng được. Dùng những nhân vật cổ tích hay nhân vật trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới để kể những câu chuyện mới là cách mà nhiều đơn vị nghệ thuật đang áp dụng khi dựng vở cho thiếu nhi. Tuy nhiên, cách làm này cũng đã có phần nhàm, đòi hỏi biên kịch phải đưa vào nhiều yếu tố mới, bất ngờ, thậm chí là một góc nhìn hoàn toàn khác để hấp dẫn được các em.

Còn theo đại diện Nhà hát Tuổi trẻ, ngoài việc đổi mới nội dung, sân khấu cho thiếu nhi phải được thiết kế, dàn dựng phù hợp nhằm thể hiện tối đa tính tương tác, trải nghiệm thực tế, thúc đẩy sự hứng thú, lạc quan, niềm vui thích và ước mơ của trẻ em. Làm sao để mỗi lần xem kịch đều là cơ hội đặc biệt để nâng cao hơn nữa tình yêu thương, gắn kết giữa các bậc phụ huynh và con trẻ, giữa trẻ em và bạn bè, thầy cô, nối lại các mối quan hệ xã hội từng bị gián đoạn sau quãng thời gian nghỉ ở nhà do dịch bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu cho thiếu nhi: Mong muốn mang đến những trải nghiệm mới mẻ