Hoạt động văn hóa nghệ thuật Thủ đô: Trở lại nhịp sống sôi động

An Định| 23/04/2022 06:38

(HNMCT) - Nhiều vở kịch được ra mắt, những buổi hòa nhạc kín khán giả, dạ hội âm nhạc đông người được tổ chức... Hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô đã dần trở lại với nhịp sôi động, mang đến niềm hân hoan cho cả nghệ sĩ lẫn công chúng.

Đông đảo khán giả đến thưởng thức chương trình hòa nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam có sự tham gia của nghệ sĩ Lưu Đức Anh. Ảnh: BTC

Cảm giác như “bình thường cũ"

Tối cuối tuần dạo chơi ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, người dân đã có cảm giác nhịp sống “bình thường cũ” đang trở lại. Đường phố đông vui tấp nập, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố diễn ra như thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Từ ngày 1-4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đồng ý để các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phục vụ khán giả vào các tối cuối tuần tại không gian này. Và ngay lập tức, các nhà hát đã tưng bừng “xuống phố”. Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn các trích đoạn, các tiểu phẩm ngắn trước rạp Công Nhân (số 42 Tràng Tiền). Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn các tiết mục ca, múa, nhạc, rối tại khu vực trước cửa nhà hát (số 57 Đinh Tiên Hoàng). Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn các chương trình nghệ thuật dân tộc, cải lương, dân ca trước cửa rạp Chuông Vàng (số 72 Hàng Bạc). Tại sân khấu khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long thay nhau phục vụ khán giả bằng các tiết mục đặc sắc nhất. Ngoài ra, tại các nơi khác như Nhà bát giác, khu vực ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền, cũng có các chương trình biểu diễn của ban nhạc Flamingo, độc tấu nhạc kèn, hòa tấu nhạc cụ dân tộc...

Cuối tuần qua, bất chấp thời tiết xấu với những cơn mưa dày hạt, đông đảo khán giả đã tề tựu tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, để được quay lại không khí đời sống sinh viên những năm 1990 qua chương trình “Dạ hội cựu sinh viên Thủ đô”. Không khí sôi động khiến khán giả như được trở lại thời thanh xuân sôi nổi, không còn khoảng cách cũng như nỗi lo lắng dịch bệnh bấy lâu nay. “Lâu lắm mới có một đêm cháy hết mình và vui đến thế” - khán giả Tuyết Vân chia sẻ cảm xúc trên trang cá nhân về sự kiện này.

Được quay trở lại biểu diễn trực tiếp trước khán giả, các nghệ sĩ có cảm giác hân hoan. Nghệ sĩ Trần Văn Đức, Nhà hát Cải lương Hà Nội, thường xuyên cập nhật thông tin biểu diễn của nhà hát lên trang Facebook cá nhân và mời khán giả đến xem biểu diễn tại rạp Chuông Vàng. Anh hồ hởi khoe những bức ảnh cùng bạn diễn với tinh thần: “Dịch đã bớt, phải “chiển” thôi!”.

Trau chuốt khi trở lại

Không khí sôi động cũng đã tràn vào các nhà hát. Sau vở nhạc kịch “Sóng” gây ấn tượng với công chúng Thủ đô hồi tháng 3, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục cho ra mắt vở “Cái... ao làng” mang màu sắc hài kịch dân gian đương đại vào tối 9-4. Với 4 câu chuyện: “Tên làng”, “Sống thử”, “Ghen xuôi”, “Tiếp thị cao cấp”, vở diễn dẫn dắt người xem đến với câu chuyện của làng Cầu - một làng quê yên bình, dung dị, nơi những người dân chân chất đang phải đối mặt với những vấn đề của đô thị hóa. Xuất hiện với vai trò đạo diễn, NSƯT Chí Trung thể hiện nét sáng tạo mới mẻ, châm biếm, hóm hỉnh. Vở kịch giàu nhạc tính với phần âm nhạc được sáng tác riêng của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cùng những nhạc phẩm và vũ đạo sôi động. Cũng thời điểm này, các nhà hát của Hà Nội và các sân khấu tư nhân như sân khấu Lực Team, sân khấu Lệ Ngọc... cũng đã hoạt động trở lại, giúp công chúng yêu kịch có thêm lựa chọn.

Đời sống âm nhạc đã quay lại nhịp vốn có, đặc biệt là các chương trình có tính định kỳ nhưng được đầu tư kỹ hơn để tạo ấn tượng khi trở lại. Chương trình hòa nhạc đặt vé trước của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tiếp tục số 141 vào đầu tháng 4 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đêm nhạc gây ấn tượng bởi màn trình diễn kiệt tác Piano Concerto No.3 của Rachmaninov của nghệ sĩ Lưu Đức Anh và dàn nhạc. Đây là tác phẩm nổi tiếng, đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, khả năng quán xuyến và phối hợp cùng dàn nhạc. Tại Việt Nam, tác phẩm kinh điển này chưa có nhiều cơ hội được giới thiệu tới công chúng so với các tác phẩm khác của Rachmaninov.

Dự án âm nhạc LiveSpace Vietnam cũng tiếp tục đêm diễn thứ 4 vào ngày 23-4 với sự tham gia trình diễn của 3 ban nhạc trẻ được yêu thích là Abyxx, Đá Số Tới và Những Gã Mộng Mơ. LiveSpace 4 là đêm nhạc cuối cùng trên sân khấu L’Espace, khép lại hành trình 20 năm của Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace tại tòa nhà số 24 Tràng Tiền kể từ năm 2003 trước khi chuyển sang địa điểm mới ở số 15 Thiền Quang.

Trước đêm nhạc “Hà Nội phố” diễn ra vào ngày 21-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ca sĩ Tùng Dương, cũng là người biên tập chương trình, chia sẻ rằng, anh lựa chọn rất kỹ từng bài hát cho đêm nhạc bởi đây là những ca khúc khán giả muốn nghe nhất và cũng là những ca khúc mà các ca sĩ mong muốn được phục vụ khán giả của mình, nhất là sau 2 năm dịch Covid-19 đã khiến các nghệ sĩ không được hát trực tiếp trước khán giả. Đây chắc hẳn là lý do chung để các chương trình nghệ thuật vừa qua đều được trau chuốt, các nghệ sĩ đều cố gắng để có một chương trình nghệ thuật hay phục vụ khán giả trong ngày trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động văn hóa nghệ thuật Thủ đô: Trở lại nhịp sống sôi động