Tôn vinh cái đẹp, đề cao sự thiện lương

Yên Nga| 06/03/2022 08:01

(HNM) - Sân khấu Lệ Ngọc vừa ra mắt khán giả Thủ đô vở kịch “Vang bóng một thời” cảm tác từ tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân, nội dung trọng tâm là tôn vinh cái đẹp, đề cao sự thiện lương. Với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam đã quen thuộc “Chữ người tử tù” (truyện ngắn tiêu biểu trong “Vang bóng một thời”) qua sách giáo khoa, hẳn sẽ háo hức và có nhiều cảm xúc khi thưởng thức vở kịch này.

Một cảnh trong vở kịch “Vang bóng một thời”.

“Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân được coi là “viên ngọc quý” của văn học Việt Nam, thể hiện sự trân trọng đặc biệt của nhà văn đối với những phong tục đẹp, lối sống thanh nhã. Tác phẩm cũng cho thấy tư tưởng nghệ thuật vị nghệ thuật - văn chương và nghệ thuật đứng trên mọi thứ thiện, ác. Đưa tác phẩm trở lại trên sân khấu giữa những bộn bề do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sân khấu Lệ Ngọc, tác giả Nguyễn Hiếu và đạo diễn Bùi Như Lai mong muốn truyền tinh thần của người xưa đến thời đại ngày nay: Vẻ đẹp thiện lương trong sáng không bao giờ khuất sau danh phận hay chức vụ.

Ở vở diễn này, truyện ngắn “Chữ người tử tù” với nhân vật Huấn Cao và quản ngục là trung tâm. Tác giả và đạo diễn cũng khéo léo lồng ghép nhiều tác phẩm khác trong diễn tiến kịch. Đó là truyện “Chém treo ngành” với hình ảnh đao phủ Bát Lê có thuật chém người điêu luyện. Đó là truyện “Những chiếc ấm đất” về thú uống trà cầu kỳ, thanh nhã, đậm nghệ thuật của người xưa…

Mọi tình huống kịch chỉ diễn ra trong hai khung cảnh, nhà quản ngục và chốn lao tù, với nghệ thuật thư pháp Việt bài trí trang trọng. Từ đó, đạo diễn đào sâu số phận các nhân vật. Viên quản ngục (Văn Hải diễn) vốn là một thư sinh nho nhã đầy tài hoa nhưng bị chốn quan trường “nhuộm đen” trở thành một người tàn độc, dùng nhiều hình thức dã man tra tấn tù nhân. Nhưng khi đứng trước cái đẹp, trước những người có nhân cách, tâm hồn cao quý, ông đã nhận ra giá trị của cuộc sống, dần thay đổi. Huấn Cao (Anh Tuấn diễn) là một nghệ sĩ tài hoa với tài viết chữ đẹp “xưa nay chưa từng có”, trở thành tử tù vì chống lại triều đình. Dù chịu bao đòn roi, cực hình, nhưng Huấn Cao vẫn một mực không cho chữ những kẻ phàm phu tục tử, đồng thời không hối hận trước con đường đã chọn. Vợ quản ngục (Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc diễn) có tấm lòng nhân hậu, hay giúp đỡ người khó khăn, song luôn canh cánh về nghề của chồng và tìm cách thuyết phục chồng bớt hành động tàn ác. Bát Lê (Quang Tú diễn) - một đao phủ có thú vui ngắm nghía cổ tử tù để “chém ngọt”, đã tự kết liễu đời mình khi nhận thức về thiên lương…

Nghệ sĩ ưu tú Bùi Như Lai chia sẻ, dàn dựng vở này khá nhiều áp lực vì cái bóng vĩ đại của nhà văn Nguyễn Tuân. Song, sự hoàn mỹ trong ngôn từ của nhà văn chính là “chìa khóa” để đạo diễn dẫn dắt, khâu nối mượt mà các tình huống, câu chuyện, thể hiện được tư tưởng nghệ thuật. Nhiều câu văn quen thuộc được bảo toàn mượt mà trong các đoạn đối thoại của các nhân vật. Những đoạn văn hay nhất cũng được vang lên qua giọng đọc truyền cảm giữa các cảnh diễn.

Các diễn viên đều nghiên cứu rất kỹ về tập truyện ngắn, cuộc đời, sự nghiệp nhà văn Nguyễn Tuân và cả giai đoạn lịch sử bấy giờ để thể hiện phong thái từng nhân vật thuyết phục. Vai diễn trung tâm - Huấn Cao, được giao cho nghệ sĩ trẻ Anh Tuấn - một diễn viên có lợi thế hình thể, đài từ tốt và chịu khó tìm tòi, luyện tập vũ đạo. Cảnh Huấn Cao thể hiện tài viết chữ nổi danh được đầu tư khá kỹ cùng sự hóa thân tốt của Anh Tuấn chắc chắn để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả, góp phần tạo nên thành công của vở diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh cái đẹp, đề cao sự thiện lương