Những điểm đến không thể bỏ lỡ tại Hà Nội dịp 30-4 và 1-5

Hoàng Lân| 27/04/2018 15:28

(NSHN) - Bên cạnh các chương trình, sự kiện nhắc nhớ lịch sử dân tộc, nhiều địa điểm của Hà Nội còn tổ chức các hoạt động vui chơi trong những ngày nghỉ lễ.

(NSHN) - Rất nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5). Bên cạnh các chương trình, sự kiện nhắc nhớ lịch sử dân tộc, nhiều địa điểm của Hà Nội còn tổ chức các hoạt động vui chơi trong những ngày nghỉ lễ.


Tìm về lịch sử tại các di tích, bảo tàng 

Nhiều di tích lịch sử, bảo tàng tại Hà Nội tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm những hiện vật, hình ảnh thời kháng chiến chống Mỹ, gợi nhớ cho thế hệ trẻ hiểu hơn lịch sử hào hùng của dân tộc, những khó khăn, mất mát mà thế hệ cha anh đã hi sinh để có được nền hoà bình, độc lập hôm nay.

Hoạt động trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.


Để tìm hiểu về lịch sử, công chúng có thể tìm đến Hoàng thành Thăng Long để xem triển lãm “Ngày Thống nhất đất nước” trưng bày tại di tích Nhà và Hầm D67 (thuộc Hoàng thành Thăng Long). Đây là Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử và nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thông qua 150 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm tái hiện lại không khí tại Sài Gòn và Thủ đô Hà Nội vào thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975.

Tại triển lãm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long phối hợp với Công ty TNHH MTV Tem bưu chính giới thiệu 48 phơi tem bưu chính, là các bộ sưu tập tem bưu chính kỷ niệm ngày 30-4-1975 cũng như các tem bưu chính mang tính chất tuyên truyền, cổ vũ phong trào Ba đảm đang, Ba sẵn sàng trong kháng chiến chống Mỹ. Triển lãm “Ngày Thống nhất đất nước" kéo dài đến hết ngày 30-5-2018.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Thi Đình thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long - đỉnh cao khoa cử nho học Việt Nam” tại sân Rồng, điện Kính Thiên (Khu di sản Hoàng thành Thăng Long). Trưng bày chuyên đề này nhằm giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm về hệ thống khoa cử nho học Việt Nam cũng như truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam.

Những bức thư, nhật ký thời chiến được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.


Di tích Nhà tù Hoả Lò cũng là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng với trưng bày “Chân trần chí thép”. Trưng bày được chia làm 4 nội dung: Theo dấu chân Người; Từ trong tù ngục; Chân trần chí thép và Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, với nhiều hình ảnh sống động về Chủ tịch Hồ Chí Minh; các vị đại tướng của dân tộc Việt Nam như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Hoàng Văn Thái cùng nhiều tướng lĩnh; hình ảnh của quân và dân Việt Nam phần nào giúp người xem hiểu hơn về những giai đoạn lịch sử đấu tranh gian khổ để giành độc lập, dân tộc.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - nơi đang lưu giữ rất nhiều kỷ vật, hiện vật quý giá của lịch sử quân sự Việt Nam vừa khai mạc triển lãm trưng bày “Thư, nhật ký thời chiến” với hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tư liệu gồm những lá thư, cuốn nhật ký của các chiến sĩ, anh hùng cách mạng. 

Đến với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam dịp này, công chúng sẽ được tận mắt thấy bản gốc của nhiều cuốn nhật ký, những nét chữ viết vội vàng nhưng vẫn cẩn thận, thể hiện tâm tình của người lính đối với vận mệnh của Tổ quốc cũng như tình cảm gửi về quê nhà.

Triển lãm trưng bày những cuốn nhật ký nổi tiếng của các liệt sĩ đã được in lại thành sách như: Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Đỗ Đình Xô… và rất nhiều trang thư, nhật ký của những liệt sĩ khác như Võ Thị Tần, Lê Thị Riêng, Lê Văn Huỳnh, Phạm Thị Hiền hay nhật ký bằng tranh của liệt sĩ Lê Đức Tuấn…

Sôi nổi các hoạt động nghệ thuật

Theo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, nhân kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 131 năm Ngày Quốc tế Lao động, 64 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn thành phố Hà Nội sẽ có 37 buổi biểu diễn nghệ thuật tại 30 quận, huyện, thị xã để phục vụ nhân dân.

Nhiều chương trình nghệ thuật diễn ra dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam.


Cụ thể, ngày 30-4, tại quận Ba Đình diễn ra chương trình biểu diễn của Trung tâm Văn hóa thành phố với các ca khúc mang chủ đề ngợi ca Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước; tại quận Bắc Từ Liêm là chương trình xiếc chọn lọc do Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội biểu diễn; tại quận Cầu Giấy là chương trình biểu diễn hài kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội; tại quận Nam Từ Liêm diễn ra chương trình biểu diễn của Đoàn Cải lương Hải Phòng…

Vào ngày 1-5, các đoàn nghệ thuật của Hà Nội cùng một số đoàn nghệ thuật trung ương và các tỉnh bạn như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch nói Hải Phòng… sẽ lần lượt có những buổi diễn phục vụ nhân dân tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Sóc Sơn…

Ngoài các chương trình nghệ thuật phục vụ miễn phí cho đông đảo công chúng, nhân dịp này, tối 27-4, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tổ chức chương trình nghệ thuật “Tình em” tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. 

Đây là liveshow nhạc cách mạng gồm những ca khúc đã rất nổi tiếng, được đông đảo công chúng yêu thích như: “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân), “Hành khúc ngày và đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp), “Rặng trâm bầu” (Thái Cơ), “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Tiếng đàn bầu” (Nguyễn Đình Phúc… 

Chương trình sẽ có sự tham gia của 25 nghệ sĩ, trong đó có các ca sĩ tên tuổi như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tấn Minh, Khánh Linh, Đông Hùng và đông đảo các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long Hà Nội.

Những điểm đến hấp dẫn

Từ ngày 27-4 đến hết dịp nghỉ lễ 1-5, tại Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.

Trung tâm Giao lưu văn hoá Phố cổ Hà Nội tổ chức các hoạt động như: Triển lãm Sơn mài Việt Nam diễn ra từ ngày 27-4 đến hết ngày 6-5 tại số 50 Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm); Chương trình diễn xướng dân gian “Câu Then Việt Bắc” diễn ra ngày 28-4 tại Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm).


Ngoài ra, tại địa chỉ này cũng diễn ra hoạt động biểu diễn nghề kim hoàn của các nghệ nhân kim hoàn đến từ các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội; chương trình trình diễn thời trang “Hà Nội ngày ấy” tại không gian tranh Bích họa trên phố Phùng Hưng (phường Hàng Mã) vào 19h30 ngày 27-4, kéo dài đến hết ngày 1-5…

Nhiều hoạt động vui chơi dành cho trẻ em.


Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy) tổ chức nhiều trò chơi dân gian diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-4 như: Nhảy dây đôi, dây ba, đi cà kheo, kéo co, nối thúng, nhảy bao bố, ô ăn quan… Ngoài ra, các em thiếu nhi sẽ được xem những tiết mục múa rối nước sôi động do các nghệ nhân đến từ phường rối nước Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trình diễn.

Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, ngoài việc trưng bày các triển lãm, vào dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cũng tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích như trình diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ đông đảo khách tham quan gồm: múa rối nước, múa rối cạn, diễn xướng dân gian và các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Nhiều hoạt động dành riêng cho thiếu nhi cũng được tổ chức, như tô mẫu tem, tô tranh dân gian, hoạt động khám phá “Em tập làm khảo cổ”…

Những ai đam mê khảo cổ có thể đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ nay đến hết ngày 24-5 để tìm hiểu văn hoá nguyên thuỷ của người Việt qua triển lãm “Di sản văn hóa Óc Eo”. Với trên 100 hình ảnh và hơn 40 hiện vật gốc được trưng bày, triển lãm giới thiệu đến công chúng một nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ VII sau Công nguyên. 

Tại triển lãm, công chúng được chiêm ngưỡng hình ảnh khuôn đúc bằng kim loại có hình đức Phật hai tòa tháp và hình hoa lá, hình ảnh tượng Phật bằng đồng, tượng ba vị thần đạo Bà la môn là Brahma, Visnu, Shiva…, thể hiện đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú của thời kỳ bấy giờ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những điểm đến không thể bỏ lỡ tại Hà Nội dịp 30-4 và 1-5