Giải trí cuối tuần: Vui chơi trong không khí Tết cận kề

Mai Chi| 20/01/2017 14:31

(NSHN) - Tết Nguyên đán 2017 đã cận kề. Trong lúc tất bật chuẩn bị cho một năm mới nhiều may mắn, đừng bỏ lỡ những hoạt động đậm nét văn hóa cổ truyền diễn ra vào dịp cuối tuần này.

(NSHN) - Tết Nguyên đán 2017 đã cận kề. Trong lúc tất bật chuẩn bị cho một năm mới nhiều may mắn, đừng bỏ lỡ những hoạt động đậm nét văn hóa cổ truyền diễn ra vào dịp cuối tuần này.

ĐI ĐÂU?

“Tết Việt” trong không gian phố cổ Hà Nội (19/1 - 12/2 tại Phố cổ Hà Nội)


Chương trình “Tết Việt” tại không gian phố cổ Hà Nội sẽ gồm nhiều hoạt động phong phú tại nhiều địa điểm là di tích nổi tiếng:

Đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc): Triển lãm ba dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ. Trong đó, sau nhiều năm vắng bóng, tranh Kim Hoàng sẽ được giới thiệu trở lại với công chúng, với những mẫu tranh truyền thống và cả một số mẫu tranh sáng tác mới theo phong cách tranh Kim Hoàng. Nổi bật nhất là bức Thần kê (thường gọi là Gà trống), được làm theo khổ lớn 2,2 x 0,6m.

Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây): Triển lãm ảnh Tết xưa của Viện Thông tin khoa học Xã hội Việt Nam và trải nghiệm không gian đón Tết của một gia đình điển hình Hà Nội xưa.

Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ (28 Hàng Buồm): Trình diễn thư pháp, vẽ tranh dân gian và trưng bày ứng dụng sản phẩm mỹ thuật truyền thống.

Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ): Hoạt động sắp đặt không gian đón Tết xưa trong ngôi nhà truyền thống đồng bằng Bắc Bộ.

Chương trình “Tết Việt” tại khu phố cổ Hà Nội hứa hẹn sẽ tạo không gian vui đón Tết ý nghĩa và hấp dẫn cho người dân và du khách khi đến thăm Hà Nội.

Hội chợ “Tết Việt 2017” (18 - 24/1 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật số 2 Hoa Lư)


Cùng với các gian hàng giới thiệu sản vật, ẩm thực mang hương vị Tết cổ truyền của các vùng, miền, địa phương, không gian “Tết Việt 2017” sẽ nổi bật với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, triển lãm tranh Tết Đinh Dậu, hoa xuân được sắp đặt theo chủ đề “Đại cát”, góc “Thư pháp ngày xuân”…

Ngoài ra, triển lãm - hội chợ “Tết Việt 2017” còn có nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân đón Tết cổ truyền.

Hội chợ Xuân “Phố đèn lồng” (16 - 23/1 tại SVĐ Quần Ngựa)


Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân, gần 500 gian hàng từ khắp 3 miền đất nước sẽ tụ họp với các món đặc sản ngày Tết. Với hàng ngàn mặt hàng, Hội chợ Xuân năm nay tại SVĐ Quần Ngựa kỳ vọng sẽ thu hút hàng vạn lượt khách Thủ đô.

Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết 2017 (9h - 11h30, 14h - 18h ngày 21/1 - 11/2 tại Hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám)


Với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian cổ truyền của người Việt, tìm hiểu về Tết xưa, những ngữ nghĩa trên các tác phẩm, dự án “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh Tết 2017” do giảng viên, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. 

Lễ hội Tết thường niên tại Bookworm (13h - 17h ngày 22/1 tại Bookworm, 44 Châu Long)


Lễ hội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như đồng diễn âm nhạc truyền thống, hướng dẫn làm bánh chưng tết, hướng dẫn làm tò he, bóng bay uốn dẻo...

XEM GÌ?

Workshop nhiếp ảnh “Sắc màu Tết” (10h - 12h ngày 21/1 tại 46 Hàng Vải)


Địa điểm tổ chức workshop tại trung tâm thành phố tạo bầu không khí náo nhiệt và ấm dần lên từng ngày của Tết với “phố lễ hội” Hàng Mã và những góc phố, gánh hàng hoa tươi thắm tô điểm thêm cho những ngày cuối đông Hà Nội. Với hai giờ workshop, khách tham quan sẽ cùng nhau tìm hiểu những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh và cách phối hợp màu sắc, bố cục của khung hình.

Hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair (21 - 25/1 tại Hanoi Creative City)


Domino Art Fair là hội chợ nghệ thuật có mô hình thương mại lớn nhất từ trước đến nay với hơn 300 tác phẩm đa dạng về loại hình và chất liệu (tranh, điêu khắc, trang sức, quà tặng, sơn mài, sơn dầu, acrylic...) của hơn 160 họa sĩ từ Bắc vào Nam. 

Domino Art Fair là sự kiện đầu tiên trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu hội chợ nghệ thuật Vietnam Art Fair của RealArt. Vietnam Art Fair được định hướng trở thành một thương hiệu hội chợ quốc gia cho Việt Nam, sánh tầm với các thương hiệu hội chợ nghệ thuật khác trong khu vực và trên thế giới.

Đêm nhạc Cabaret tại L’Espace (20h30 ngày 21/1 tại L’Espace)


Hãy đến và cùng chia sẻ những khoảnh khắc âm nhạc với nhóm Puzzle, gồm các ca sĩ tài năng của Việt Nam và Pháp để đắm mình trong các ca khúc Việt và Pháp ngữ đặc sắc.

ĂN GÌ?

Tết Nguyên đán đã cận kề. Đây là thời điểm thích hợp cho việc chuẩn bị những món mứt tết vừa ngon lại đẹp mắt để mời khách trong những ngày đầu năm mới.

Mứt dừa

Mứt dừa là một trong những loại mứt phổ biến nhất trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam. Vị ngọt thanh và hương thơm đặc trưng khiến món mứt này được cả người lớn và trẻ em ưa thích.



Cách làm: Nạo cùi dừa thành những lát mỏng và dài. Nên chọn dừa non để mứt không bị khô. Rửa qua bằng nước ấm. Ngâm nước đun sôi để nguội trong khoảng 14 tiếng. Rửa sạch và để ráo nước. Trộn đường trắng theo công thức 1kg cùi dừa - 500g đường và ướp qua đêm.

Dùng một chiếc chảo dày, bật bếp cho chảo nóng già rồi hạ nhỏ lửa và cho dừa vào đảo đều tay. Cho thêm sữa hoặc vani để mứt có hương thơm. Xao đều trong khoảng 30 - 45 phút cho đến khi dừa khô lại. Tắt bếp và tiếp tục đảo thêm khoảng 5 phút cho tới khi mứt dừa nguội dần. Bảo quản nơi khô ráo để bảo đảm hương vị của mứt trong suốt dịp Tết. Bạn cũng có thể sử dụng thêm các nguyên liệu như lá nếp, gấc, bắp cải tím, cà rốt để tạo màu tự nhiên cho món mứt.


Mứt vỏ cam

Mứt vỏ cam dẻo thơm lại có vị cay cay và có thể chữa viêm họng nên được người lớn tuổi rất yêu thích.


Cách làm: Chọn những quả cam tươi vắt lấy nước, sau đó bào đi phần ruột bên trong và rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Đun sôi vỏ cam trong khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo. Tiếp tục đun sôi thêm lần nữa trong khoảng 5 - 10 phút để loại bỏ vị đắng gắt của vỏ cam. Ngâm nước lạnh trong khoảng 3 tiếng và để ráo nước.

Trộn vỏ cam với đường theo công thức 500g vỏ cam - 300g đường. Khi đường tan hết, cho vỏ cam vào nồi và đun sôi trong khoảng 10 phút. Tắt bếp, đậy vung và giữ trong 2 - 3 tiếng, thỉnh thoảng đảo đều hoặc xóc nồi để đường ngấm đều. Tiếp tục cho thêm nước cam và đun nhỏ lửa đến khi mứt cô lại.

Mứt xoài dẻo

Mứt xoài không chỉ xuất hiện trong những ngày Tết mà còn là món ăn vặt phổ biến ở nhiều gia đình.


Cách làm: Xoài xanh rửa sạch, gọt vỏ, cắt thành miếng theo chiều dọc. Luộc sơ bằng nước muối loãng trong khoảng 1 - 2 phút. Để ráo nước và trộn với đường trắng rồi ướp trong khoảng 3 - 4 tiếng. Đun hỗn hợp với lửa nhỏ cho đến khi đường từ từ cô lại. Mứt xoài ngon phải bảo đảm vị chua của xoài, vị ngọt của đường, khi ăn phải có độ dẻo và mùi thơm.


PHIM GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN

Luật ngầm (tội phạm, tâm lý)


Bộ phim xoay quanh nhân vật Joe Coughlin (do Ben Affleck thủ vai). Anh lựa chọn trở thành một kẻ sống ngoài vòng pháp luật trong một thị trấn bị kiểm soát bởi những tên gangster, giữa cuộc chiến của những ông trùm Ailen và Ý. Ben Affleck cho biết: “Điều thú vị nhất ở nhân vật này là mặc dù phá luật và tạo ra luật riêng, nhưng chính phẩm chất đạo đức đã ngăn cản anh ta tự coi mình là một trong số chúng - một gã gangster".

Sát nhân giấu mặt (tội phạm, hình sự)


Bộ phim lấy bối cảnh thập niên 60 tại New York với nhân vật chính là Walter Stackhouse - một kiến trúc sư thành công. Anh kết hôn cùng người phụ nữ xinh đẹp và có một cuộc sống dường như rất hoàn hảo. Nhưng ẩn chứa sau đó lại là sự chán nản của Walter. Thất vọng với cuộc sống hôn nhân bên người vợ xinh đẹp nhưng bệnh tật, Walter dần lạc lối vào vòng xoáy hỗn loạn và buộc phải đối đầu với một tên sát nhân thông minh và một thám tử đầy tham vọng. Cùng lúc này, Walter lại say mê Ellie - một ca sĩ quyến rũ. Liệu rằng giữa ranh giới mong manh của sự vô tội và chủ mưu, ai mới chính là sát nhân thực sự?

Rừng xanh kỳ lạ truyện (hài)


Bộ phim kể về cuộc gặp gỡ định mệnh của Người Rừng - sống trong rừng từ năm sáu tuổi, chưa một lần tiếp xúc với con người, và Mỹ Nữ - con gái của một nhà khoa học quen sống trong nhung lụa từ nhỏ và luôn được sự bao bọc của người cha. Theo chân Mỹ Nữ luôn có nhóm gia nhân phục tùng gồm Quản gia và Cơ, Rô, Chuồn. Mỹ Nữ mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ từ nhỏ do một sai lầm của người cha nên để sửa chữa sai lầm của mình, ông giao cho nhóm gia nhân này truy tìm gấu để bào chữa thuốc trị bệnh cho con gái.

Tên cậu là gì? (hoạt hình, tâm lý)


“Tên cậu là gì?” kể về Mitsuha - nữ sinh trung học sống ở một thị trấn nhỏ của vùng Itomori. Luôn chán chường với cuộc sống tẻ nhạt ở vùng thôn quê, Mitsuha ao ước kiếp sau được làm một anh chàng đẹp trai sống ở thủ đô Tokyo sôi động.

Trong khi đó ở Tokyo, anh chàng Taki rất hài lòng với cuộc sống và công việc làm thêm ở một nhà hàng Italy sau giờ học. Tuy vậy, hằng đêm cậu vẫn mơ thấy mình trong cơ thể một cô gái thôn quê. Khi sự kiện nghìn năm có một là sao chổi tiến gần tới Trái đất, Taki và Mitsuha bỗng bị hoán đổi cơ thể. Cứ cách một ngày, Taki lại trở thành Mitsuha để khám phá cuộc sống vùng quê và ngược lại, Mitsuha trở thành anh chàng nam sinh Tokyo háo hức với cuộc sống nơi đô thị ồn ào. Cứ thế, câu chuyện của Mitsuha và Taki diễn ra dẫn dắt khán giả đến những tình huống đặc biệt, dù cả hai chưa bao giờ gặp mặt hay thậm chí là biết tên của nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải trí cuối tuần: Vui chơi trong không khí Tết cận kề