Quỳ Châu nóng 42 độ

Hữu Vi| 10/06/2023 15:11

(HNMCT) - Tôi rẽ vào đường Hùng Vương. Lúc này trên giao lộ Phan Đình Phùng - Hùng Vương đang đèn đỏ. Tôi có thể thong thả đi qua đường mà chẳng cần e dè. Buổi chiều, tôi thích tản bộ từ Phan Đình Phùng qua Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu rồi trở lại Phan Đình Phùng. Sau đó thì nhảy phóc lên xe đạp theo đường Hoàng Diệu về lại ký túc xá.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Chợt nghe điện thoại rung lên trong túi quần. Em nhắn qua messenger: “Quỳ Châu nóng 42 độ”.

Ồ, Quỳ Châu. Đó là nơi tôi và em sinh và rồi lớn lên bên nhau. Em vẫn nhắn cho tôi mỗi ngày. Thường là “hôm nay nắng”, “tối nay có gió rét”. Hoặc:  “Sáng sớm sương mù dày đặc lắm anh ạ”. Ấy là em báo tình hình thời tiết ở quê nhà. Thấy tin nhắn thì biết em ổn. Giọng điệu có chút vui hoặc bình thường. Ví như em nhắn “hôm nay nắng” thì tâm trạng bình thường. Còn “sáng sớm có sương mù”, thêm “anh ạ” là có vui một chút. Ít ra cũng chẳng buồn.

Tôi dừng đọc tin nhắn và hình dung ra gương mặt em. Có lẽ giờ này đã nấu nướng xong, có thể vừa cho bầy gà ăn, rảnh tay thì nhắn. Có khi chẳng làm gì, ngồi vẩn vơ bên cửa sổ, buồn tình mà nhắn.

- Đang làm chi?

- Em chẳng làm gì cả.

Té ra tôi đoán đúng.

- Anh cũng đang đi lơ ngơ đây. Quỳ Châu 42 độ thật à?

- Nóng ghê rợn.

Những tin nhắn tưởng cụt ngủn lại như sợi dây nối tôi với em suốt hai năm qua, từ khi em lớp 10, tôi cuối cấp, sắp thi đại học. Hồi tôi đang năm thứ nhất, có lần em bảo: “Tưởng yêu gần hóa ra lại xa”. “Tưởng anh đăng ký ngành khác chứ văn hóa xin việc khó khăn, chẳng biết tương lai sẽ thế nào”. “Em thì chẳng vô đại học đâu. Chờ xong phổ thông là đi Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan chi đó ít năm thì về lấy chồng. Lấy ai cũng được, miễn sao gần mẹ cha. Đi xuất khẩu lao động nhanh có tiền hơn, cha mẹ còn đỡ tốn kém nuôi ăn học”.

“Mỗi người có một lựa chọn”, tôi nhắn cho em, có phần bực dọc. Nhưng tôi không nói với em là tôi lỡ mê Hà Nội rồi. Từ hồi lớp 10, tôi đã hát làu làu nhiều bài về Thủ đô. Năm lớp 11 đã biết ôm đàn cùng mấy anh chị sinh viên thực tập nghêu ngao “Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ” rồi. Sẵn biết đàn, hát tạm được, vào đại học chưa bao lâu tôi đã có một đống bạn người Hà Nội. Họ rủ đi rong ruổi qua nhiều phố phường. Sinh viên chỉ trà đá vỉa hè, sang lắm cũng chỉ mời nhau bữa cháo trai trên phố Hào Nam hay bún đậu mắm tôm đường Yết Kiêu, Nguyễn Du. Vậy mà vui lắm. Thế mà tôi chỉ kết mỗi Phan Đình Phùng. Cứ tuần vài bận, chiều đến tôi lại gửi xe đạp ở quán nước ven đường rồi theo lộ trình ưa thích. Thành lệ từ cuối năm thứ nhất.

Lại đèn đỏ. Giờ thì sang đường được rồi. Dường như trên tuyến phố này chẳng mấy ai vội vã chen lấn hay vượt đèn đỏ. Buổi chiều vốn nhộn nhịp. Người ở phố, kẻ từ thôn quê ra phố đang trên đường trở về nhà. Nhưng xem ra chẳng mấy ai vội, ít nhất là lúc này. Và tôi cứ thế thong dong bước trên lối ngựa vằn.

Hôm nay ở nhà nắng nóng. Giờ này chắc là bố tôi đang đưa con trâu đực từ ngoài sông về. Mẹ vẫn lúi húi ngoài ruộng. Mùa nóng, mẹ thích đi làm muộn và chỉ trở về nhà khi đã nhá nhem. Những hôm có trăng, phải 8h tối mẹ mới chịu về. Bà thì lo bếp núc, là việc của tôi hồi chưa đi học xa.

Nóng nực thế này, nấu ăn xong tôi thường ra sông tắm. Những buổi chiều nóng 39 - 40 độ, bọn oắt con chúng tôi khoái ra sông bơi. Đã có đứa chết đuối khiến cả lũ sợ xanh mặt. Sợ lắm rồi cũng quên ngay. Độ dăm bữa nửa tháng lại kéo nhau đi tắm. Con gái con trai tắm chung một khúc sông. Lớn hơn chút ít, biết xấu hổ thì trai tắm bến trên, gái bến dưới. Cứ thế mà biết bơi chẳng cần ai dạy. Hồi lớp 12, đi ngang qua bến con gái tắm thì nghe tiếng hô hoán váng mặt sông. Biết có chuyện chẳng lành, tôi liều lĩnh lao xuống, thấy em đang chới với giữa sông. Bơi một lúc thì tôi dìu được em vào. Đám phụ nữ lớn tuổi xúm lại ép ngực cho nước ra rồi cõng đi trạm xá. Nghe đâu chỉ sáng hôm sau em đã tỉnh táo, cười khanh khách. Tôi theo chúng bạn đến nhà thăm thấy em cứ nhìn mình như người hùng. Tình cờ tôi thành ân nhân cứu sống em. Thế mà ngày thường gặp mặt nhiều khi em tỏ mặt ghét lắm, vì tôi hay chòng ghẹo. Từ bấy thành quen thân rồi yêu mến nhau. Bọn bạn đùa: “Nó yêu vậy thôi, cốt để trả ơn mày cứu mạng”. Em bảo: “Thì cứ yêu đã. Biết có lấy được nhau không. Cuộc đời còn dài. Tương lai không ai biết được”. Hồi đó em đang lớp 10 mà đã nghĩ như bà cố...

Tôi đi qua bốt gác thấy anh chàng mặc cảnh phục bồng súng nghiêm trang như đang ngó ra phố. Gương mặt chẳng rõ buồn vui. Chẳng biết anh ta có đang nhớ nhà hay có một cô người yêu ở xa như tôi. Biết đâu khi đứng gác như nhân tượng thế kia, anh cảnh vệ cũng có một nỗi niềm nào đó chẳng biết tỏ bày cùng ai.

Tôi rẽ vào Hoàng Văn Thụ. Những hôm rảnh xe cộ, tôi sang đường tản bộ men bãi cỏ trước Lăng Bác vài vòng rồi trở ngược lại lấy xe đạp và phóng về trường. Chỉ những hôm bất chợt hào hứng, tôi thay đổi lộ trình cho đỡ nhàm chán. Thường thì về đến trường đã nhá nhem tối. Ghé căng tin ăn tạm bữa tối rồi trở về lấy đồ đi tắm. Giờ này phải xếp hàng chờ tắm thì cơm canh chắc đã nguội ngắt. Đợi tắm xong có khi chẳng còn thức ăn.
Hôm nay tôi lại qua Hoàng Diệu theo lộ trình quen thuộc. Tôi yêu những hàng cây thẳng tắp trên các tuyến phố. Nhiều khi những phố huyện miệt rừng cũng chẳng có những hàng cây đẹp mỡ màng đến vậy. Đi qua mấy thị trấn, thị xã miền núi chỉ thấy những thứ cây nhiệm kỳ. Trước thì sao đen, hoa sữa, nay là hoa ban. Sau vài năm sẽ là cây gì, có trời biết. Loài nào cũng ngợi ca tốt lắm, nhiều ích lợi lắm, sau vài năm đã thay bằng thứ cây khác.

- Thủ đô nắng nóng không?

- Chiều nay hơi lạnh.

Em gửi tôi cái hình mặt người mở miệng rộng toang ngoác. Thật ngạc nhiên. Cách nhau mấy trăm cây số mà như đang ở hai bầu trời khác nhau.
Phố đã lên đèn. Ở nhà thì sao rồi? Ấy là tôi tự hỏi mình rồi cố hình dung. Giờ này hẳn rằng bà nội đã bật điện và đang lần từng bước trên cầu thang nhà sàn xuống giếng nước múc một xô đầy khệ nệ xách đi. Đàn lợn đã chờ sẵn trong chuồng để được tắm mát. Bố đã buộc trâu vào chuồng, sắp ra giếng tắm. Bố thích xối từng gầu. Ào ào, vội vã. Buổi chiều muộn gió vẫn thổi từng làn hơi nóng từ đồng lúa qua những mái ngói nhà sàn khô như rang. Lúa đương thì đẻ nhánh. Chân ruộng có cháy khô, nứt nẻ không?

Tôi đã đến giao lộ. Chiếc xe đạp cà tàng vẫn chờ sẵn bên gốc cây. Mất gần nửa giờ để về khu ký túc. Giờ cao điểm đường tắc, có chỗ phải đi lên hè phố. Đám bạn cùng nhà ký túc dường như đang chờ tôi trong căn phòng nơi tầng bốn. Mỗi người một máy tính. Đứa mở nhạc, đứa chơi game, nghe thật rôm rả. “Ai gửi sách cho mày này” - Thằng Vũ quê Tuyên Quang dúi cho tôi cái hộp giấy. Tôi mở hộp, thấy cuốn sách “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”. Tôi sực nhớ có đặt mua sách và đã thanh toán qua mạng. Tiểu thuyết của nhà văn Hồ Anh Thái. Có chuyện về mưa ngâu, có cảnh bom rơi đạn nổ nửa thế kỷ trước. Chuyện Hà Nội đánh máy bay B52, con hổ trong rạp xiếc cũng đi sơ tán… Tôi nhìn chiếc bìa màu xanh dương điểm xuyết bản đồ Hà Nội hồi chiến tranh. Hẳn rằng sẽ có nhiều người tìm thấy trong đó ký ức về một thời bom đạn.

22h55, lại có âm thanh báo tin nhắn. “Mưa lớn anh ạ. Có sấm chớp và mưa đá”.

Lần này thì đến lượt tôi ngạc nhiên. Trời quê mình cũng kỳ lạ thật. Thoắt nắng, thoắt mưa. Chưa mùa hè đã mưa đá. Tôi tính gọi cho bố hỏi xem ở nhà có làm sao không, rồi lại nghĩ chắc chẳng hề gì. Nắng mưa, bão bùng là đặc sản nơi dải đất Trung Bộ. Ai cũng quen rồi. Mọi thứ đến rồi sẽ qua đi. Cuộc sống căn bản vậy. Bình yên, cũng nhàn nhạt, nhàm nhàm. Có lẽ em cũng thấy vui vui vì có nhắn “anh ạ”.

Tôi biết sáng mai thôi, các thầy mo gần nhà tôi sẽ mở hội mừng tiếng sấm. Tết qua hơn hai tháng rồi nhưng đêm nay mới có sấm. Với các thầy mo, có sấm thì mới sang năm mới. Vậy đó. Tiếng chiêng sẽ vang ngân len lỏi khắp lối quê, qua cửa sổ nhà sàn. Người ta tụ tập uống rượu cần mừng tiếng sấm và sẽ quên đi trận mưa đá vừa qua.

“Có lẽ em sẽ đăng ký trường nào đó”. Em nhắn lúc 23h.

Tôi lại được một phen ngạc nhiên. Em từng cả quyết rằng học xong sẽ đi Đài Loan, Nhật Bản kia mà. Sao lại thay đổi chóng vánh vậy. Rồi tôi chợt nghĩ, có lẽ con người ta cũng như bầu trời vậy. Nay nắng mai mưa. Đang nắng chợt có sấm chớp cũng là thường tình.

Tôi trèo vội lên chiếc giường tầng trong góc phòng rồi trùm chăn cho khỏi chói mắt. Trước khi chìm vào giấc ngủ dường như tôi nghe thấy tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn nơi nhà gửi xe ký túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quỳ Châu nóng 42 độ