Giọt máu đào

Truyện ngắn của  Lê Phúc Hỷ| 29/05/2023 06:44

(HNMCT) - Bố mẹ chồng Tuyết sinh được hai con trai. Thế, chồng Tuyết là con thứ. Hơn chục năm trước, vợ chồng anh Thành vào miền Nam lập nghiệp. Được ít năm, Thành có ý đưa bố mẹ vào sống cùng gia đình. Thực lòng cũng muốn ở với con trưởng, nhưng lúc ấy Thế chưa lập gia đình nên ông bà không nỡ để anh bơ vơ một mình.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Lúc Tuyết mang bầu, ông bà nấn ná ở lại lo lắng cho con dâu sắp đến ngày sinh nở. Rồi Tuyết cũng “mẹ tròn con vuông”. Cu Tít sinh đủ tháng nhưng thiếu cân, thể trạng yếu hơn những đứa bé khác. Nó lười ăn, quấy khóc ngằn ngặt làm bà nội vất vả, ôm cháu vỗ về suốt đêm. Thương con thương cháu, ông bà gác hẳn chuyện vào Nam, quyết định ở lại ít năm, đỡ đần vợ chồng Thế cho cu Tít cứng cáp.

Cu Tít lên bốn tuổi, bi bô nói cười vui vẻ suốt ngày. Nó quấn quýt ông bà nội, tối đòi ngủ với ông để nghe chuyện cổ tích. Bà đi chợ về, nó hỏi: “Bà có mệt không?”. Bà rơm rớm nước mắt. Cháu còn bé nhưng đã biểu hiện là người tình cảm, biết quan tâm đến người khác khiến bà cảm động, mát lòng.

Nhiều hôm, Tuyết bận dự hội nghị, Thế đi công tác cả tuần, việc đưa đón cu Tít ở lớp mẫu giáo một tay ông bà gánh vác. Hôm ấy, tối muộn cu Tít bỗng sốt xình xịch, ông bà lúng túng bèn gọi điện cho Tiến, con người em ruột nhà ở ngoại thành. Nửa đêm Tiến chạy xe máy đến đưa cu Tít đi cấp cứu. Tiến nhanh nhẹn, nhiệt tình, nhiều lần còn nói với Tuyết: “Nhà có việc gì chị cứ gọi em, bất kể lúc nào!”.

Tuyết cảm thấy mình thật may mắn. Tuy nhà chồng không giàu có nhưng được anh chồng hiền lành, có trách nhiệm với vợ con, lại được ở cùng bố mẹ chồng hết lòng thương yêu con cháu, họ hàng tuy không đông nhưng chỉ “ới” một câu là có mặt, nhiệt tình giúp đỡ. Mấy chị cùng cơ quan bảo: “Một mẹ già bằng ba con ở! Mày lơ nga lơ ngơ, làm dâu như thế lại hóa sướng. Ông bà đỡ cho bao việc”.

Khi cu Tít học lớp một, sức khỏe của ông bà nội bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Bà trở chứng đau nhức xương khớp, ông bị bệnh dạ dày tái phát hành hạ. Đúng lúc ấy bác Thành gọi điện ra: “Khí hậu trong này tốt lắm, ông bà vào đây với chúng con, đảm bảo bệnh tật sẽ tiêu tan hết!”. Ra sân bay tiễn ông bà, cu Tít ngơ ngác hỏi: “Ông bà nội đi đâu thế?”, “Ai dắt con đi học, đi nhà sách, đi công viên?”. Nghe giọng cu Tít bi bô hồn nhiên với những câu hỏi ngây thơ, ông bà cùng vợ chồng Tuyết ai nấy đều ngân ngấn nước mắt...

***

Từ ngày ông bà nội vắng nhà, cu Tít luôn miệng hỏi mẹ: “Bao giờ ông bà nội ra với con?”. Tuyết vuốt tóc, xoa xoa hai bên má con, vỗ về: “Con ngoan ngoãn, không lười ăn, nghe lời bố mẹ thì ông bà nội sẽ ra với con”.

Thực lòng, Tuyết cũng thấy hẫng hụt, ngẩn ngơ mất gần một tháng sau khi bố mẹ chồng vắng nhà. Việc lớn việc nhỏ trong nhà đều đến tay cô. Một cảm giác chơ vơ, không có điểm tựa vững vàng cứ đeo đẳng Tuyết. Sự có mặt của bố mẹ chồng khiến cô yên tâm, dường như được che chở trong mọi tình huống. Đúng như các chị cùng cơ quan vẫn nói: “Mày dựa dẫm ông bà quen rồi. Giờ rời ông bà ra là lúng ta lúng túng”.

Đã vậy, ngày nghỉ cũng chẳng được yên tĩnh. Nhà bên cạnh luôn mở nhạc oang oang như tra tấn hàng xóm, quanh đi quẩn lại bài hát cũ mèm: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động/ Làm sao em biết bia đá không đau/ Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”... Tuyết ca thán với chồng, Thế cười trừ: “Ôi dào! Người ta thích thì người ta nghe, cấm thế nào được!”. Giá có ông bà nội ngoài này, ông chỉ sang góp ý một câu chắc hàng xóm sẽ dừng mở nhạc hoặc vặn nhỏ loa ngay lập tức.

Một buổi chiều Tuyết về nhà sớm. Từ xa cô đã thấy trước cửa nhà lảng vảng mấy người đội nón, dắt xe đạp như đứng chờ ai. Một chị ăn mặc kiểu phụ nữ ngoại thành, sau xe buộc mấy vỏ hộp bìa các tông cùng lỉnh kỉnh túi dứa đựng gì không biết.

- Chị hỏi ai? Tuyết đánh tiếng.

- Nhà em có vỏ lon bia, giấy vụn, bàn là, nồi cơm điện cũ hỏng, bán cho chị?

Tuyết cảnh giác:

- Nhà tôi không có gì bán, mời chị đi chỗ khác. Lảng vảng ở đây người ta tưởng rình mò gì, họ mời lên phường đấy!

Chị đồng nát không nói không rằng lẳng lặng dắt xe đi.

Một buổi sáng, Tuyết dắt xe máy ra cửa chuẩn bị đưa cu Tít đến lớp thì thấy lốp sau bị xẹp rúm từ bao giờ. Thế thì đã đi làm từ rất sớm. Chưa biết tính sao, bỗng trước cửa xuất hiện một gã xe ôm cao lớn, mặt đen bóng, tóc húi cua, hai cánh tay xăm trổ hình thù kỳ quái, nom dễ sợ.

- Chị bế cháu lên xe em chở đi học. Cơ quan chị ở phố nào em chở chị luôn kẻo muộn giờ làm? Gã xe ôm lên tiếng mời mọc.

Tuyết giật mình. Sao hắn biết xe mình hỏng mà phục ở cửa đón mình nhỉ? Xăm trổ đầy người, phát khiếp! Tuyết lại cảnh giác, xua tay:

- Thôi thôi! Tôi... tôi đi taxi cũng được!

Gã xe ôm liền nổ máy, vòng xe phóng đi.

Tuyết cảm thấy có gì đó bất an. Không lẽ có người luôn rình mò, phục quanh nhà mình để theo dõi? Tuyết nói với chồng, Thế gạt đi: “Em cứ nghĩ vớ vẩn, làm gì có chuyện ấy! Cứ tự kỷ ám thị, chỉ tự làm khổ bản thân mình thôi!”.

Nhiều đêm Tuyết thức giấc vì nghe tiếng chuột chạy loành xoành trên mái tôn ban công, hay sáng sớm nghe tiếng người xôn xao và tiếng xe máy nổ trước cổng nhà... Tất cả đều khiến cô thu mình lại, cuốn chăn kín nằm rúm ró trong nỗi sợ hãi mơ hồ. Những lúc ấy, Tuyết bỗng nhớ về những ngày bố mẹ chồng cô còn chưa vào Nam. Ôi, gia đình ba thế hệ bình yên và vững chãi quá!

***

Một chiều đi học về, cu Tít sốt cao, mặt mày tím tái, người nó rũ ra như tàu lá héo. Tuyết cuống quýt gọi điện cho chồng rồi vội vã đưa con đi cấp cứu. Bác sĩ cho uống thuốc giảm sốt, làm các xét nghiệm và yêu cầu nhập viện ngay.

Tuyết xin nghỉ làm, ở riết trong bệnh viện. Thế thì chạy ra chạy vào lo ăn uống cho hai mẹ con. Cả đêm Tuyết nắm chặt bàn tay xinh xinh bé bỏng của con. Sáng hôm sau, ông bác sĩ cầm trên tay tập hồ sơ bệnh án, nhìn Tuyết ái ngại:

- Cháu bé bị bệnh về máu. Chỉ cần tiếp máu là ổn. Gia đình cứ yên tâm, chúng tôi sẽ làm hết sức để cháu bình phục.

Tuyết sụt sùi, níu tay bác sĩ:

- Vợ chồng em, cả họ hàng, huyết thống gia tộc sẵn sàng tiếp máu cho cháu! Trăm sự trông nhờ vào bác sĩ...

Đêm hôm ấy, ông bà nội tức tốc bay ra rồi từ sân bay đến thẳng bệnh viện. Vợ chồng chú Tiến ở ngoại thành cũng có mặt từ sáng sớm. Quãng trưa, vợ chồng bác Thành cùng con trai cũng bay ra, tề tựu ở bệnh viện. Mấy người anh em họ với Thế từ quê cũng lặn lội mò đến. Tất cả đều thử máu xem có cùng loại máu thích hợp với cu Tít không.

Cu Tít nằm bất động trên giường nệm trắng. Thi thoảng, nó hé mắt yếu ớt nhìn mọi người xung quanh rồi nhắm nghiền mắt lại. Tuyết tóc tai bơ phờ vì mấy đêm mất ngủ, đôi mắt sưng húp vì khóc thương con. Cô khẽ gọi: “Con ơi! Mẹ đây! Con...”. Nhưng cu Tít không trả lời, chắc nó yếu quá rồi.

Rồi bác sĩ thông báo: Tất cả những người trong huyết thống, họ tộc đều không thể tiếp máu cho cháu được, bởi tuy là “giọt máu đào” nhưng không phù hợp với loại máu của cháu bé. Cả nhà thất vọng, lo lắng. Ông bác sĩ trấn an, giải thích rõ căn nguyên: “Trong máu của bé có kháng thể chống lại các kháng nguyên phổ biến, nên rất khó tìm được đơn vị máu phù hợp. Đây là trường hợp rất hiếm gặp”...

Tuyết bỗng òa khóc: “Không lẽ cả thành phố rộng lớn này không có ai có cùng loại máu với con tôi sao?”. Ông bác sĩ nói: “Chị bình tĩnh. Còn nước còn tát. Thành phố đang có đợt hiến máu nhân đạo. Hy vọng kết quả đợt này sẽ có đơn vị máu tương thích. Chúng tôi đã đề nghị Viện Huyết học tổ chức lấy máu đột xuất tại các quận, huyện, tìm đơn vị máu thích hợp để cứu cháu”.

Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày nặng nề trôi qua... Mạng sống của cu Tít dường như được tính từng ngày, từng giờ, phụ thuộc vào sự may mắn nếu có được loại máu phù hợp. Máu hiếm, đâu dễ tìm. Sang ngày thứ tư, gần trưa, bất chợt ông bác sĩ tìm Tuyết, thông báo:

- Hôm qua trong số hằng trăm người hiến máu, may mắn có ba người có cùng loại máu với cháu.

Tuyết sững người, không tin vào tai mình nữa. Vậy là con tôi sống rồi!

... Một tuần sau cu Tít được xuất viện. Cảm ơn bác sĩ và nhân viên trong khoa xong, Tuyết nán lại gặng hỏi: “Những người hiến máu tình nguyện có cùng loại máu với con em là ai vậy, họ ở đâu, thưa bác sĩ?”.

Ông bác sĩ không do dự:

- À! Đó là những người lao động tự do. Một anh chạy xe grab, một chị mua bán đồng nát và một anh phụ hồ, nhà ở ngoại thành”...

Đây quả là một bất ngờ lớn đối với Tuyết. Về đến cửa nhà, bế con từ taxi xuống, Tuyết lại nghe văng vẳng bài hát từ nhà hàng xóm vang lên: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”. Cô ôm chặt con trong vòng tay và cảm thấy dường như một quãng đời mới đang mở ra phía trước cô, ở ngay trong căn nhà quen thuộc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giọt máu đào