Có một ''Phố xưa hè cũ'' đặc biệt đến thế!

Thúy Đinh| 25/03/2023 06:55

(HNMCT) - Chỉ mở trong 4 ngày nhưng triển lãm “Phố xưa hè cũ” tại Nhà triển lãm 29 phố Hàng Bài, Hà Nội của họa sĩ trẻ Trần Nam Long (sinh năm 2005) đã để lại ấn tượng đáng nhớ cho người xem.

Triển lãm giới thiệu hơn 80 tác phẩm sơn dầu và ký họa bút kim, do gia đình Nam Long giúp chuẩn bị trong nhiều năm để hiện thực hóa ước mơ có một triển lãm riêng của cậu bé khiếm thính khi mới bắt đầu con đường hội họa. Sự ngỡ ngàng, cảm phục, tình thương yêu của mọi người dành cho Nam Long chắc chắn là dư âm tốt đẹp, góp phần nhân thêm niềm hy vọng và tin yêu cuộc sống.

Trần Nam Long và một số bức họa trong triển lãm "Phố xưa hè cũ".

Tỉ mỉ họa phố

Họa sĩ Trịnh Lữ, một trong số rất nhiều người đến xem “Phố xưa hè cũ” đã nói rằng: “Xin đừng gọi những bức tranh bút kim của Long là “ký họa” - là “sketch”. Chúng không phải là những ghi chép nhanh với mục đích làm tư liệu để dựng tranh sau này, hoặc lưu giữ cảm xúc nhất thời trước những cảnh trí ấy. Chúng là những ghi chép kỹ lưỡng, vô tận mà cũng lập tức như thời gian, mà chỉ có một tâm thế “tự kỷ” mới có thể tập trung, chi tiết và chính xác đến như vậy. Chúng là tác phẩm hoàn chỉnh của một tâm thế khác thường”.

Thật vậy, ký họa thường là những nét phác thảo ý tưởng ban đầu. Còn với Nam Long, em đã dùng bút kim tỉ mẩn nâng niu từng chi tiết, từng khung hình. Một gốc cây sần sùi bên vỉa hè chật chội, là những ban công với hàng lan can đượm màu thời gian, là những mái nhà giăng mắc dây điện, những bậc thềm cũ hiện lên một vài viên gạch vỡ, một góc phố Tăng Bạt Hổ, Tôn Thất Tùng, một mái hiên nhà cổ ở phố Chân Cầm, những khu tập thể ở Hà Nội hay cận cảnh cầu Long Biên... qua nét ký họa của Trần Nam Long hiện lên cụ thể mà rất hài hòa, không ôm đồm chi tiết. Ấn tượng hơn cả là hình ảnh cây cối trong tranh của Nam Long luôn tươi mát, đầy sức sống mà khi người ta, trong tĩnh lặng, nhìn sâu vào bức tranh có thể cảm nhận được cả nét rung rẩy, hoan ca của những mầm xanh.

Mỗi bức tranh của Trần Nam Long giống như một câu chuyện về phố, về ngõ và những ngôi biệt thự cổ Hà Nội mà em đã dày công quan sát khi mỗi ngày cuối tuần cùng mẹ và nhóm Ký họa đô thị đi thăm phố. Anh Hàn Quang Vinh, thành viên nhóm Ký họa đô thị, nhận xét: “Cách nhìn phố của Long không giống bất cứ ai. Người ta hay khai thác nét Hà Nội cổ với những gì đó mờ ảo nhưng Long lại tìm những nét điển hình, ví dụ như những viên gạch bong tróc, những chấn song cửa sổ qua thời gian... Theo tôi, khoảng nhấn ấy hợp lý và gây ấn tượng cho người xem”.

“Phố Phù Đổng Thiên Vương” của Trần Nam Long.

Hội họa cứu rỗi số phận

Năm 2 tuổi, sau một trận viêm phổi nặng và phải uống kháng sinh liều cao, Long bị điếc vĩnh viễn. Em cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người bởi chứng tự kỷ thể tăng động. Long còn bị dị tật với bàn chân dẹt, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Sự trớ trêu của số phận chưa dừng lại ở đó, năm Long 11 tuổi, bố của em không may bị tai nạn giao thông và qua đời. Mọi gánh nặng gia đình đè lên vai người mẹ trẻ. Rồi chính mẹ của Long, chị Phùng Thị Hiếu đã nhận ra niềm đam mê hội họa của con.

Có một họa sĩ trẻ ở Quảng Ninh đã tặng Long toàn bộ họa phẩm cũng như dạy vẽ miễn phí cho em. Chị Hiếu xúc động kể về những người đã giúp đỡ mẹ con chị trong những lúc khó khăn nhất: “Để có một Trần Nam Long miệt mài và có những tác phẩm như ngày hôm nay, phải kể đến công lao dạy dỗ và đưa Long đến với hội họa của người thầy đó. Bạn ấy là người mang lại nguồn cảm hứng lớn nhất để Long hoàn thiện bản thân qua mỗi ngày”.

Chị Hiếu đã ở bên con trên khắp chặng đường theo đuổi ước mơ hội họa. Chủ nhật hằng tuần, chị đồng hành cùng Long đi vẽ cùng nhóm Ký họa đô thị. Chị kể: “Có một chuyến đi Hà Giang vào năm 2021, vì địa hình nơi ấy phức tạp nên cả đoàn phải đi bộ. Cứ đi một lúc lại nghỉ. Tôi bảo Long để đồ cho mẹ xách nhưng Long sợ mẹ vất vả nên vẫn cố xách đồ giúp mẹ. Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Bạn ấy đã vẽ từ lúc 9h sáng đến 2h chiều rồi mới nghỉ ăn trưa. Vừa di chuyển, vừa vẽ nhưng Long luôn vui vẻ và vẽ được gần chục bức ký họa trong chuyến đi đó”. Tất cả những bức tranh ấy được Long tặng lại cho một quỹ thiện nguyện dành cho trẻ tự kỷ.

Lúc 11 tuổi, khi mới học vẽ được vài tháng, Long ước mơ có một triển lãm cá nhân. Có thể lúc ấy, mong ước của Long là khá xa vời. “Thực ra Long có năng khiếu nhưng tôi chưa bao giờ kỳ vọng con sẽ trở thành họa sĩ nổi tiếng hay gì cả. Đó là ước mơ của Long. Tôi biết những hạn chế của con và chỉ biết động viên, đôi khi có tạo cho bạn ấy một chút áp lực để con cố gắng. Long hiểu được điều đó và cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày” - chị Phùng Thị Hiếu chia sẻ.

Số phận đã lấy đi của Trần Nam Long khả năng nghe và nói, nhưng dường như lại ban cho em tài năng thiên bẩm về hội họa, để em có thể cảm nhận nhịp đập của cuộc sống bằng ánh mắt của mình. KTS Trần Hiếu biết đến Trần Nam Long qua những bức vẽ biệt thự cổ Hà Nội. Anh cho rằng, Long có khả năng truyền tải tình cảm qua những nét ký họa, với từng khoảng bạc màu trên bức tường căn nhà cổ, những ban công, song cửa đượm màu thời gian. “Trên thế giới, phong cách vẽ này không hiếm nhưng đạt đến độ chi tiết như của Long thì không nhiều. Thêm vào đó, có lẽ vì cậu bé này khiếm thính nên bạn ấy có sự tập trung cao hơn. Có thể khi bạn ấy không nghe được thì sẽ dồn sự tập trung cho bức vẽ nhiều hơn, cả về tình cảm và kỹ thuật”.

Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass đến dự khai mạc triển lãm của Long đã nói: “Bất kỳ người cha người mẹ nào cũng có một niềm hạnh phúc đặc biệt khi chứng kiến con mình tốt nghiệp. Chúng tôi cũng vậy, đã rất hạnh phúc khi con gái mình tốt nghiệp đại học. Hôm nay, khi được xem những bức tranh ở đây, chúng tôi nghĩ rằng chúng là những tác phẩm tốt nghiệp hội họa của Nam Long. Và chắc hẳn là mẹ của Long cũng rất hạnh phúc vì con trai đã tốt nghiệp và trở thành một bậc thầy hội họa. Tôi xin được cúi chào thầy”. Ngay sau đó, ông đã cúi chào Long. Chưa dừng lại ở đó, ông còn viết trên Twitter của mình: “Vô cùng ấn tượng trước tài năng và nét vẽ điêu luyện của Trần Nam Long. Long giao tiếp bằng cọ, bút chì ở mức độ tinh tế và nhạy cảm mà nhiều người trong chúng ta chỉ có thể mơ ước. Tôi khâm phục sự tận tụy và kiên trì của mẹ Long - chị Phùng Thị Hiếu, người đã tin tưởng và nuôi dưỡng tài năng của Long”.

Chị Phùng Thị Hiếu tâm niệm: “Bất kỳ người mẹ nào cũng luôn cố gắng để mang lại điều kiện tốt nhất cho con mình phát triển. Long là một đứa trẻ có trách nhiệm, hiểu chuyện. Việc chăm sóc con, động viên con cũng là niềm vui rất lớn. Đó cũng chính là động lực sống của tôi”. Và, chị luôn nghĩ rằng mình vẫn là một người mẹ may mắn bởi Long yêu vẽ và cũng nhận được sự quan tâm, yêu thương của thầy cô và mọi người. Hành trình của Trần Nam Long mới chỉ ở chặng đầu nhưng những tác phẩm của em đã thể hiện tư duy mỹ cảm đặc biệt, đủ để biến những gì chưa thể diễn đạt bằng lời thành những bản hòa ca của sắc màu và hình khối. Điều đó cho thấy, hội họa đã cứu rỗi một số phận và lan tỏa tình yêu thương, sự tử tế trong cuộc sống này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một ''Phố xưa hè cũ'' đặc biệt đến thế!