Lễ hội đình làng Bát Tràng tri ân Lục vị Thành hoàng

Nguyễn Thanh| 05/03/2023 13:15

(NSHN) - Ngày 5-3 (tức 14 tháng Hai âm lịch), UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) long trọng tổ chức lễ khai hội đình làng Bát Tràng (xã Bát Tràng).

Khai hội đình làng Bát Tràng.

Là nơi bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghề làm gốm cổ truyền nổi tiếng trên đất Thăng Long - Hà Nội, Bát Tràng tuy là một làng công thương chuyên biệt, vẫn có nhiều nét tương đồng với nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhiều làng Việt cổ ven sông Hồng, với tục thờ Thành hoàng tại đình làng.

Tại đây, dân làng Bát Tràng nhiều đời thờ phụng 6 vị Thành hoàng, được gọi là “Lục vị nhà Thánh”, với lễ hội kéo dài từ ngày 11 đến 19 tháng Hai âm lịch, nay rút gọn lại thành 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng Hai). Tuy vậy, lễ hội vẫn được bảo lưu, gìn giữ, trao truyền nguyên vẹn nghi thức truyền thống, đậm sắc màu dân gian, tiêu biểu như: Lễ mộc dục, dâng lễ tam sinh, lễ cấp thủy, lễ rước bộ...

Đặc biệt, lễ dâng cúng Lục vị Thành hoàng tại đình Bát Tràng vẫn được duy trì theo nếp từ ngàn xưa rất độc đáo, gồm "tam chính" là trâu thui, dê thui và heo sữa quay, đi kèm 6 mâm cỗ mặn và 4 mâm xôi cùng trầu, rượu, hương, hoa, trà, quả.

Lễ hội Bát Tràng có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, từ người già đến trẻ nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết: Bát Tràng là làng nghề, song cũng nổi tiếng là đất học, với 11 vị đỗ đại khoa. Tình yêu với nghề và trọng con đường học vấn đã đưa Bát Tràng trở thành một “làng nghề, làng văn” nổi tiếng.

“Hòa mình vào dòng chảy phát triển của Thủ đô, Bát Tràng hôm nay đã trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của Hà Nội, “điểm du lịch” hấp dẫn, thu hút bạn bè trong nước và quốc tế. Mỗi người con Bát Tràng đều yêu mến mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên, mong muốn đóng góp thật nhiều để dựng xây làng xã, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa riêng có, chính là tinh hoa văn hóa dân tộc được kết tinh, hội tụ và lan tỏa. Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng là một nét đẹp văn hóa như vậy!”, ông Nguyễn Đức Hồng nói.

Khai trương khu trưng bày tác phẩm của nghệ nhân, sản phẩm OCOP làng nghề Bát Tràng.

Các tác phẩm tinh xảo của nghệ nhân làng nghề Bát Tràng được giới thiệu tại khu trưng bày.

Trong khuôn khổ lễ hội đình làng Bát Tràng, còn có các hoạt động truyền thống đặc sắc, như trò chơi cờ người, tục hát thờ, các hoạt động thi đấu thể thao...

Nhân dịp này, UBND huyện Gia Lâm đã khai trương khu trưng bày tác phẩm của nghệ nhân, sản phẩm OCOP làng nghề Bát Tràng, nhằm tạo thêm điểm đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm lịch sử văn hóa của một làng nghề giàu truyền thống.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội đình làng Bát Tràng tri ân Lục vị Thành hoàng