Bước vào siêu thế giới

Tản văn của Nguyễn Quang Hưng| 23/01/2023 09:32

(HNMCT) - Nghe thì thấy hoành tráng, vẻ gì đó như quan trọng hóa. Nhưng thực cũng là dùng từ cho nó hơi “khác thường” đi chút thôi, khi ngẫm nghĩ về một phong tục rất gần gũi, thân quen: Lễ hội truyền thống. Nhưng mà gần, mà quen đó, lại rất đỗi khác thường, lạ thường đấy. Hiếm gặp, không dễ gặp trong năm đâu, mà thường chỉ những dịp cộng cảm, cộng hưởng chung của cả một cộng đồng như lễ hội, ta mới có được những cảm nhận quen mà lạ đó. Gần mà xa. Quanh đây mà mênh mông. Cụ thể mà huyền bí. Thân thuộc mà linh thiêng. Ấy là lễ hội, là không gian lễ hội, là cảm xúc con người ta đi hội.

Hội đình Chèm (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm) vẫn giữ được nhiều nghi thức truyền thống. Ảnh: Hữu Nghị

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh chiếc khăn đỏ che nửa mặt một cụ ông thôn Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đầu đội chiếc mũ cánh chuồn nên nhìn ông chỉ hở hai con mắt. Ông cụ mặc bộ lễ phục đỏ, đi hài, y hệt một ông quan thời xưa mà ta hay nhìn thấy trên sân khấu, kính cẩn nâng bài vị thành hoàng từ trong đình làng ra đặt lên kiệu. Các ông các cụ khác xúm quanh cùng nâng đón. Như là một cái tục phải kiêng hèm, không được để lộ mặt người trần nâng bài vị thánh, nhất là không để hơi thở của mình mà ta vẫn quen gọi là phàm tục, gây ô uế chiếc bài vị, làm vẩn đục thời khắc thiêng liêng này.

Chẳng thế mà người ta hay kể, trước nhiều lễ hội, những cụ lo toan việc nghi lễ phải giữ gìn thân thể sạch sẽ, ăn uống thanh tịnh. Có những cụ phải chuyển hẳn vào ở trong đình ít hôm trước ngày hội. Mà nhất là người ta hay chọn mời các cụ nhà cửa giữ gìn gia đạo, còn thảo cháu hiền, năm đó không “có bụi”. Với những người chung lo việc lễ khác, như đội trai đinh khênh kiệu long đình của thành hoàng, đội nữ rước kiệu song, thảy hai đội ấy đều phải chưa lập gia đình, thì mới cho vào khiêng kiệu được.

Tôi lại nhớ cả cái hình ảnh rước kiệu trong đêm tối ở thôn La Nội, xã Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội ngày nào, kiệu nhấc lên trên vai các tráng đinh, khênh ra khỏi mái đình là một loạt chiếc quạt to cán dài đã được mọi người che kín chung quanh ngai kiệu. Trên là chiếc lọng tán vàng lớn. Ấy là để che mặt thánh, không cho ai được nhìn thấy, cũng như xưa rước vua đi qua vậy, không cho phép ai nhìn mặt ngài. Cũng là không cho ánh sáng lọt vào, dù lúc đó đã tối trời. Cảm tưởng như đức thành hoàng ngự chốn hậu cung, giờ ngự trên ngai ra khỏi chốn phụng thờ, là phải làm sao cho kín đáo vậy!

Lễ hội và những nghi thức nhịp nhàng, nâng lên đặt xuống, rón rén, khẽ khàng, cung kính, lễ phép, có sự tham gia của đông người cùng cung thỉnh, thành kính đối với các đấng bậc siêu nhiên, khiến cho ta cùng thấm nhiễm cảm xúc, cảm giác, ý thức, thái độ như vậy. Chả thế mà bao nhiêu làng thôn, cứ kiệu rước qua là các cụ, các ông, các bà đã đứng xúm xít ở đầu xóm, tay chắp vái lạy thành hoàng, miệng lẩm nhẩm cầu xin ngài phù hộ, chở che. Trước ngõ, bao giờ cũng đặt một bàn thờ thơm hương khói, hoa quả, xôi, bánh kính dâng. Kiệu làng nào thong dong thì như thế. Chứ làng nào có truyền thống “kiệu bay” thì ôi thôi, các ông, các bà vái lấy vái để những lúc kiệu xô dạt hết sân này quãng nọ, mãi mà không dừng được. Tôi còn nhớ cụ bà nào đó khấn đầy vẻ sợ sệt, xin ngài, ngài thương chúng con, có gì không vừa ý, ngài tha cho chúng con…

Nhưng cũng “kiệu bay” ấy, thì lại có những người vui bảo nhau, cụ thành hoàng là tướng võ mà, hoặc, ngồi lâu trong cung quá, giờ mới ra ngoài, ngài phải chạy chơi cho thoải mái. Cũng trong cái “kênh tư duy” rất đỗi huyền hoặc, lạ thường ấy, mà bước vào ngày hội, nhiều những nghĩ ngợi, lời nói, cử chỉ của ta đều như nương vào những giá trị thiêng liêng, cao siêu, thần bí. Và chúng ta đi theo những lễ hội làng trên thôn dưới, từ xã nọ sang huyện kia, tỉnh Bắc, tỉnh Đông, xứ Đoài…, những lễ hội ngày Tết tháng xuân, những không gian của nửa thực và phi thực, cũng chính là những điều thực đã trở nên ước lệ, hình tượng hóa, những phần cuộc sống đã trở nên siêu thế giới.

Không riêng cảnh “kiệu bay” làm hoang mang, rối rít bao con người, kéo lên cao sự thăng hoa của cả thôn xã, mà bước vào khu vực nơi diễn ra các nghi thức, các hoạt động lễ, ta đã thấy khác khác rồi. Ta tin và mong vào sự linh thiêng, phù trợ của các đấng mà ta đang nghiêng mình, của bậc cao cả mà thường các lễ hội như hôm nay được mở ra chính là để tưởng nhớ con người ấy. Người bạn có dẫn tôi bước hẳn vào hậu cung nơi thờ đức Lý Ông Trọng trên đình Chèm, Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội một ngày vẫn vương vất không khí hội lễ, cho dù có thực hiện quy định chống dịch nên không tổ chức đình đám. Pho tượng thờ đức ngài to lớn nhằm mô phỏng hình dáng tương truyền hộ pháp của ngài thuở xa xưa hẳn đều khiến mỗi ai trông thấy đằng sau bức màn đỏ cũng phải e dè, kính nể mà có chút sờ sợ nào đó. Ở khía cạnh tâm linh, ta có một chút tin rằng chính là đức ngài đang ngự ở đó vậy. Bởi pho tượng không chỉ là khối vật chất không, mà trong đó còn ẩn chứa tinh thần, hồn vía của ngài vậy.

Và chốn đình chung, trong một thoáng, ta ngờ ngợ rằng, không chỉ là nơi thờ phụng, mà chính là không gian thiêng nơi hiện ngự, lo toan việc phúc phần, trông nom con dân của làng xã này vậy. Chẳng thế mà đôi hàng bát bửu đây, cặp ngựa gỗ kia, ngoài cổng có voi lớn sẵn sàng, và kiệu, những tượng quan hầu…, tất thảy như luôn sẵn sàng cho cuộc khởi hành vào mây gió, vào những lối âm, đường trần của mặt đất, lòng đất, không trung mà ngắm nghía, mà trông chừng, mà che chở những lớp người sống đời lúa má, sông nước. Từ những ngôi đình đồ sộ, ta bước sang miếu, tìm lên đền, ta theo những nhóm người đi lễ chùa, bảng lảng một không gian ngũ sắc, một thế giới khói hương và hoa thơm, lễ vật dâng cúng, thành tâm ngưỡng vọng, tưởng niệm và trân trọng. Suốt những mạch đường trong không gian ấy, là mạch tâm hồn ta hòa cùng những ý thiêng.

Không phải quá huyễn hoặc mình, chứ vào lễ hội nào đấy, chỉ thấy một ông địa đứng múa quạt, phè phỡn cái bụng phệ, cái mặt nạ cười đến tận mang tai, là tôi đã thấy “khác thường” rồi! Biết là ông địa ấy là “diễn”, là mô phỏng, chứ thực ra ở đằng sau chiếc mặt nạ là ông Nam, anh Hùng, bà Thanh ở làng mà ta vẫn biết. Nhưng lúc đó có ai gọi bà Thanh, ông Hùng gì nữa đâu, mà chính là gọi “ông địa” đấy chứ! Là một ông địa được sắm vai nhưng cũng chính là một ông địa thật, từ dân gian, từ ảo hóa bước ra trước mắt ta, múa may, vẫy gọi. Lại tiếng trống thúc, lại chiếc đầu sư tử ai đó đang nhảy nhót, nhấp nhô, như một con vật thiêng đang vờn đớp quả cầu bay lên lượn xuống. Có làng kia còn tập hợp đủ cả đội rồng để cho những chất liệu của vải, của sắt, của kim tuyến, chỉ thêu lóng lánh sắc màu làm nên đầu rồng, thân rồng ấy, thoắt cái theo tay người múa, chân người chạy phóng khoáng, cấp tập, đã không chỉ còn là cái thật của người, của vật chất đó nữa. Đó là một con rồng đang bay lượn, đang cuộn mình, đang vút lên, vờn đuổi giữa đất trời xuân mới.

Vậy đấy, lễ hội, mùa lễ hội, ta tìm đến nơi nào trong không gian, thời gian ấy, cũng như cảm nhận thấy nhiều hơn, sâu xa hơn điều gì đang diễn ra trước mắt mình. Đoàn các cụ, các bà dâng mâm lễ theo đoàn rước. Nhà ai kia đội mâm xôi đặt chiếc thủ lợn lên đình, nghi ngút sợi khói quẩn vòng thân hương mờ ảo. Ai nữa đang vái trước ban thờ Mẫu. Những ai, những chúng ta đang trình diện trước những pho tượng, ngai thờ, những bóng hình thiêng đang từ trên ban thờ ấy trông xuống để nghe những lời tâm niệm, khấn nguyện, và ban cho ta chờ đợi, gieo vào ta niềm tin bước đi trên con đường dài xa có tên là cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước vào siêu thế giới