Ước mơ hóa rồng

Hồng Sơn| 15/01/2023 07:30

(HNNN) - Mùa xuân là thời điểm khai trí, mở lòng, hướng thiện và ước mơ...

Xin chữ đầu xuân. Ảnh: Kha Chu Long

Chuyện rằng, ở một miền biển vắng, cách xa chốn phồn hoa phố thị có cha con ông giáo nghèo. Thằng bé học cùng với lũ trẻ trong xóm, do chính cha nó dạy. Tuổi thơ của chúng gắn liền với thiên nhiên, cây cỏ, có cả con cá, con chim và những truyền thuyết dân gian thuộc lòng từ câu chuyện kể của người lớn. Có đêm nó mơ thấy những con rồng rất to, uy vũ, bay lượn khắp miền biển quê hương, đẹp đẽ vô cùng. Nhưng rồng thì xa vời quá, chỉ có trong tranh hay tưởng tượng, vì thế, phần lớn bọn trẻ toàn mơ về những trò chơi, nghịch ngợm lúc ban ngày để đêm về vẫn còn thấy mình đang chạy đuổi nhau, đào giun, bắt cá trong thế giới trẻ thơ của riêng mình.

Mà lạ, từ khi biết chữ, đọc được sách, bọn trẻ rất thích tìm hiểu những gì xung quanh, từ vũ trụ bao la đến sự đời đầy phức tạp; có khi là nhân tình thế thái rồi nảy sinh tình cảm với con giun bé nhỏ. Nhưng chúng lại thắc mắc rằng, con giun yếu đuối, thua thiệt đủ điều thì có gì để được ghi nhận thân phận, để được tôn trọng giữa cuộc đời? Thế nên, bọn chúng quyết hỏi ông giáo cho hết nhẽ vào đúng buổi khai bút đầu năm mới.

Nghe chuyện, ông giáo ôn tồn mà rằng:

- Trong Đông y hay dân gian từ xưa người ta hay gọi con giun đất là “địa long” - tức là rồng đất. Nó sống dưới đất, cần mẫn lao động để làm tơi đất, tạo biết bao hạt đất nhỏ thành những khoảng trống, xốp và có tác dụng làm giàu lượng ô xy trong lòng đất. Nhờ vậy mà các loại côn trùng cũng như cỏ cây dễ dàng thẩm thấu dinh dưỡng mà phát triển nhanh, thúc đẩy quá trình sinh trưởng. Cũng vì tập tính chuyên cần, lao động hăng say đóng góp cho đời mà giun là loài hữu ích, dù khiêm nhường bé nhỏ. Xét rộng hơn, con người cũng vậy, nhờ lao động mà nên ý thức, hoàn thiện nhân cách; biết tránh xa thói lười biếng, ích kỷ, dựa dẫm người khác để vươn mình thành người toàn diện, tài năng. Bởi thế, con giun cũng có thể hóa rồng, các trò đã hiểu chưa?

Bọn chúng nhất loạt đồng thanh: “Dạ!”. Rồi háo hức nhìn ông thầy già.

Buổi hạnh ngộ ấy, bọn trẻ không học chữ mới nào nên không hề tập viết nhưng thời gian như ngưng đọng, tựa như thời khắc chuyển giao một cái gì đó thiêng liêng, đầy trân quý và hiếm hoi. Ông giáo vẫn cất giọng ấm áp nhưng ánh mắt sâu thẳm, như từ xa lắm, như xuyên suốt thời gian kể từ khi loài người biết mình là ai, biết phải sống thế nào trong suốt dặm dài sinh trưởng; đi từ tiến bộ này đến tiến bộ khác.

Rồi giọng ông rung lên, đầy nhiệt huyết và tự tin: Các con nên biết chắt lọc, thấu hiểu những tấm gương sáng mà học điều hay. Lịch sử nhân loại đã có nhiều người xuất thân từ tầng lớp bình dân, hoàn cảnh gian khó nhưng nhờ ý chí và trí tuệ siêu việt, lại biết tự học và rèn luyện nên đã phát triển vượt bậc. Họ tự ghi tên mình vào lịch sử. Đó là những bằng chứng về việc giun hóa thành rồng. Cũng bởi thế mà xưa nay người ta vẫn ví những bậc vĩ nhân hay người kiệt xuất, tài năng xuất chúng và có những đóng góp phi thường cho xã hội là Rồng. Những quốc gia nghèo mà thoát nghèo trong thời gian ngắn cũng được gọi là “Rồng”, hàm ý thừa nhận một sự thành đạt, phát triển tột bậc.

Bởi thế, ta cần ghi nhận, học tập một vài nước láng giềng đã phát triển thành Rồng chỉ trong vòng 30 - 40 năm vì họ biết kiến tạo làn gió mới, đầy tự tin rồi xây dựng kỷ nguyên châu Á trong thế kỷ XX đầy sôi động của nhân loại. Vì vậy, mỗi trò cần ý thức về trách nhiệm cá nhân của mình, phải ra sức vươn lên, biết lao động và học tập bằng tinh thần nghiêm túc, cầu thị và sáng tạo để làm rạng rỡ đất nước; để lại những thành tựu to lớn cũng như giá trị Việt đặc sắc cho muôn đời sau. Làm được như vậy, dân tộc ta sẽ hãnh diện, ngẩng cao đầu bước ra hòa đồng, chia sẻ cuộc sống với toàn thế giới, góp sức làm đẹp và dày thêm kho tàng văn hóa - văn minh nhân loại cũng như thượng tôn tinh thần cầu tiến, yêu chuộng hòa bình. Việt Nam phải trở thành hình ảnh đặc trưng của sự giàu có, đẹp đẽ, tự tin và độc đáo trong mắt bè bạn bốn phương...

Thấy lũ trẻ ngây thơ đang tròn mắt lắng nghe, ông giáo càng phấn khởi, giọng ông trầm bổng, ánh mắt nhân từ như thu lấy chúng bởi ông muốn gửi gắm cả nỗi niềm, tri thức và nhất là khát vọng trong đời mà khai sáng cho lớp hậu sinh. Ông muốn hun đúc chúng, để chúng có thể vỡ ra cái giá trị đích thực của cuộc sống; từ đó sớm giác ngộ, biết tự lực tới gần Chân - Thiện - Mỹ, để xứng đáng với nòi giống tổ tiên...

Ông giáo đã thấm mệt, nhìn lũ trẻ nhưng chưa hề vơi hết tâm can mà kết lời:

- Thầy muốn các con ghi nhớ rằng: Con người có trí tuệ và tâm hồn thì bao giờ cũng hiểu cuộc sống một cách đầy đủ, sâu sắc; biết hướng thiện để sống một cách tốt đẹp và dám ước mơ. Sau đó nỗ lực biến ước mơ thành sự thật. Với cả dân tộc cũng như vậy...

Rồi buổi học đầu xuân kết thúc, ông giáo đã hứng khởi thuyết giảng chuyện cuộc sống, chuyện đời cho lũ trẻ. Trong tiết tân xuân, già trẻ giao thoa bằng tấm tình nhân ái, cầu thị. Ngoài kia cỏ non lên xanh mởn đánh dấu sự nảy nở, là mùa của hy vọng và tương lai để con trẻ biết xin chữ của Thầy ngay khi nhân gian bận rộn thay áo mới. Muôn loài, vạn vật cùng đất trời đang quyện hòa, sâu đậm giao kết, hỗ trợ nhau trong vòng tuần hoàn sinh sôi, khởi phát. Xuân về gợi nhắc những khát vọng cao xa, giục lòng người hướng tới tương lai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ước mơ hóa rồng