Vật gia bảo

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ| 13/11/2022 05:58

(HNMCT) - Ông Chính có vóc người cao, vạm vỡ, gương mặt phương phi với đôi lông mày rậm đen như tô mực nho. Cặp mắt sáng, nhân trung dài, sâu, giọng nói sang sảng, ấm áp và truyền cảm. Hồi còn làm thẩm phán, có lần phiên tòa đang diễn ra thì đột nhiên mất điện, ông vẫn tuyên án không cần micro. Đôi tai to, dày và cong hất ra phía trước. Nhân tướng học bảo những người tai như thế là giàu lắm. Nhưng ông Chính lại nghèo. Thật là nghịch lý!

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Căn nhà hai tầng trên mảnh đất rộng chừng sáu chục mét vuông xây từ dạo ông lên chức phó chánh án, nay tường vôi đã bong tróc, bản lề cửa lung lay. Hưu rồi, người còn cũ nói gì đến nhà cửa. Hồi đó, ủy ban cho đất, chỉ phải nộp tiền thuế. Gạch ngói công ty vật liệu xây dựng hỗ trợ, cho mua giá gốc. Bên lâm nghiệp bán thanh lý cho mớ gỗ. Công ty xi măng cũng bán giá gốc, còn cho trả góp. Anh em cơ quan đóng góp ủng hộ tiền công thợ nhưng ông không nhận. Nhiều người bảo nhà ông xoàng xĩnh, trông như cái bếp hai tầng. Kệ! Ở hết bao nhiêu! Không phải ở nhà tập thể là hạnh phúc rồi. Tích cóp dần ông cũng trả hết nợ nần.

Ở nhà mới được gần một năm thì vợ ông ra đi vì căn bệnh ung thư. Có người khuyên ông nên đi bước nữa, chọn một bà góa nhân hậu giúp ông chăm sóc con cái. Ông nuốt nước mắt vào trong: “Nhóm lửa một lần đã khó. Tôi không thể!”. Đến nay ba người con của ông đều đã có gia đình, việc làm ổn định. Cô cả tên Thanh, hai vợ chồng đều là giáo viên. Cậu thứ tên Tăng, tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh, làm nhà nước mấy năm, lương thấp nên nhảy ra ngoài thành lập công ty xây dựng - thương mại. Cậu út Tiến là cử nhân luật, công tác tại Thanh tra thành phố, gia cảnh đặc kiểu công chức, sinh hoạt tiết kiệm, mọi thứ trông vào đồng lương, có nét nhang nhác giống nếp sống của bố. 

Tuy ba đứa con nhưng ông Chính vẫn sống một mình. Cuối tuần chúng đưa cháu nội cháu ngoại về, căn nhà lại ríu rít tiếng cười đùa. Với ông thế là hạnh phúc đủ đầy rồi.

***

Một buổi sáng, bỗng chuông cửa reo. Tăng đi cùng một người lạ to béo, tóc vuốt keo bóng mượt, nước hoa thoang thoảng, đeo chiếc túi da đen căng phồng tiến vào sân. Tăng giới thiệu:

- Đây là anh Chuẩn bạn con, nhà sưu tầm đồ cổ số một, mới từ thành phố về, qua thăm bố cho biết nhà mình ạ!

Sau câu chào của vị khách, ông Chính đáp:

- Không dám! Mời cậu xơi nước.

Chuẩn lôi từ túi ra một bọc rồi bóc lớp giấy bọc đặt chiếc hộp lên bàn:

- Cháu có hộp sâm mới mang từ Hàn Quốc về, kính biếu bác dùng. Loại này hợp với người cao tuổi lắm...

- Cảm ơn cậu, nhưng tôi không quen dùng. Cậu mang về cho các cụ đằng nhà dùng cho khỏe.

Sau tuần trà, Chuẩn hắng giọng:

- Thưa bác, nghe nói bác có chiếc chuông bằng vàng muốn bán. Bác có thể cho cháu xem qua chiếc chuông ấy? Ưng là cháu xuống tiền ngay và luôn.

- Chuông vàng nào? Ai nói với cậu là tôi có chuông vàng?

- Dạ! Bác yên tâm, cháu là bạn thân của Tăng. Còn chuyện bác có chuông vàng, cả thành phố này đều biết, họ nói với cháu thế mà.

Ông Chính mỉm cười:

- Thế cậu định mua với giá bao nhiêu?

- Thưa bác! Chưa được xem hàng nên khó định giá chính xác. Cháu liều chơi quả tù mù, trả bác năm trăm triệu đồng. Xem hàng xong, có thể sẽ trả cao hơn...

Ông Chính nhỏ giọng như nói với chính mình:

 - Chuông này xưa có giá trị lắm, giờ chỉ có đem vào bảo tàng thôi. Nhưng nó đã gắn bó suốt cuộc đời thăng trầm của tôi nên không bán được!

Rồi ông quay sang nói với Chuẩn:

- Xin lỗi cậu! Tôi không cần tiền nên không bán chuông. Cậu cầm giúp hộp sâm nhung về cho.

Cuộc xem chuông vàng, ngã giá thất bại. Ra tới đầu đường, Tăng bảo Chuẩn: “Ông anh yên tâm, nếu ông già giao chuông cho em, em “mại” luôn cho ông anh. Còn nếu giao cho bà chị hay thằng út, em khắc có cách”...

***

Quả là ông Chính có chiếc chuông thật. Loại chuông tay có cán cao chừng mười phân, thường đặt úp trên bàn. Suốt quãng đời công tác, ông Chính đã rung chiếc chuông này không biết bao nhiêu lần tại các phiên xử khi ông tuyên án, cả những lần ông tuyên bị cáo vô tội hoặc trả tự do cho họ ngay tại phiên tòa. Có lần bị bọn xấu đón đường hành hung, chúng đạp ông xuống đường, đập phá xe đạp, giật kính, móc ví tiền của ông trong khi tay ông vẫn túm chặt lấy chiếc cặp lép kẹp đựng chiếc chuông bên trong. Mất hết cũng đành, nhưng không thể mất chiếc chuông. Ấy là thời ông, chứ bây giờ hiện đại các tòa án đều dùng chuông điện.

Đời ông là quãng dài những cuộc vật lộn cưỡng lại với chính bản thân mình để chối từ cám dỗ, tránh trượt ngã xuống vực sâu tội lỗi. Có lần, thư ký đưa cho ông tập tài liệu. Tối về mở ra thấy có phong bì tiền dày cộp gửi đích danh ông. Lúc ấy thằng Tăng còn bé đang nằm bệnh viện vì viêm phổi, ông rất cần tiền để trang trải viện phí, thuốc men. Suốt đêm đó ông không sao ngủ được, trăn trở vật lộn với chính mình. Tinh mơ hôm sau ông hộc tốc đạp xe đến nhà chánh án báo cáo và nộp lại phong bì tiền.

Rồi một vụ án tranh chấp đất đai mà ông làm chủ tọa. Buổi tối trước hôm tòa tuyên án, gã giám đốc công ty mò đến nhà ông, mặc cả: “Bác giúp em lấy được mấy trăm mét đất tranh chấp, em xin biếu bác căn hộ trong thành phố”. Ông Chính cười: “Hội đồng xét xử làm theo luật. Quyết định thế nào phụ thuộc vào chứng cứ, giấy tờ hợp pháp của hai bên. Tôi không quyết được”. Sáng sớm hôm sau, ông vừa dừng xe máy trước cổng tòa án, gã giám đốc đã phục sẵn, cầm cặp giấy tờ áp sát: “Em gửi bác toàn bộ hồ sơ giấy tờ căn hộ, cả sổ đỏ. Hôm nay tuyên án bác cứ tùy cơ ứng biến, xử lý giúp em”. Ông Chính trừng mắt: “Yêu cầu anh chấm dứt ngay, đừng để tôi phải gọi công an!”...

Cánh cán bộ trong thành phố nửa đùa nửa thật kháo nhau: “Chắc chuông bằng vàng nên ông Chính mới cất giữ cẩn thận như thế”. Rồi người nọ sang tai người kia, thêm thắt chi tiết ly kỳ lắm. Dù chưa tận mắt thấy chiếc chuông, nhưng có người còn tả rất tỉ mỉ, rằng “chuông nặng đến gần ba ký vàng”, cứ làm như ông Chính đặt họ đúc chuông vậy...

***

Thấm thoắt đã đến ngày giỗ vợ ông Chính.

Cúng lễ xong, ông Chính mở tủ mang ra chiếc túi nhung màu huyết dụ. Ông chậm rãi mở túi. Bên trong là một chiếc hộp cao thành, bọc nhung đỏ thẫm, bốn góc bịt hoa văn cổ vàng chóe. Đặt hộp lên ban thờ, ông vái ba vái, miệng lẩm nhẩm khấn rồi đưa chiếc hộp cho cậu út Tiến:

- Bố đã hoàn thành nhiệm vụ với xã hội và gia đình. Bố giao chuông cho con giữ. Con nhớ bảo quản, gìn giữ kỷ vật quý giá của đời bố. Giờ nó là tài sản tinh thần chung của tất cả các con các cháu.

Năm tháng sau, ông Chính nhẹ nhàng ra đi sau một giấc ngủ dài. Từ nghĩa trang ra, ông Thành, chánh văn phòng tòa án thành phố, ngậm ngùi nói với Tiến: “Mới tuần trước chú còn đến gửi bố cháu giấy mời dự lễ kỷ niệm ngày truyền thống. Vậy mà... Cuộc đời thật vô thường!”. Rồi ông Thành bảo: “Chiều mai chú qua nhà nhờ hai cháu giúp mấy việc”. Tiến đáp: “Vâng. Mời chú qua nhà chơi”. Tăng đi bên cạnh, bĩu môi: “Rách việc. Chết là hết, còn việc đếch gì mà giúp!”.

***

Một buổi tối. Nhà Tiến vừa ăn cơm xong thì Tăng đến, hỏi chuyện qua quýt rồi bảo:

- Chú cho anh mượn cái chuông của bố. Anh có việc, ba ngày sau mang trả.

Tiến lưỡng lự:

- Anh mượn chuông làm gì?

- Tao cúng khởi công xây nhà mới, lấy hên cho may mắn, suôn sẻ.

Tiến mở tủ lấy hộp chuông bọc nhung đỏ đặt lên bàn:

- Xong việc, anh nhớ mang trả, bố dặn em giữ mà. Dạo này, em hay nằm mơ thấy bố về. Không biết bố còn điều gì chưa yên lòng không nữa?

Mặt Tăng nở ra, cười cười:

- Yên tâm. Ba ngày nữa sẽ trả nguyên đai nguyên kiện. Mà sao tao chả nằm mơ thấy ông già nhỉ? Bố là ưu ái vợ chồng chú út nhất đấy!

Thế rồi chẳng đợi đủ ba ngày, ngay tối hôm sau nhà Tiến đang ăn cơm bỗng nghe giọng Tăng oang oang ngoài cửa:

- Mẹ kiếp! Vợ chồng mày là đồ lừa đảo. Rồi chúng mày biết thế nào là nhân quả...

Tăng hổn hển lao vào nhà, mở túi lấy hộp chuông đặt “kịch” lên bàn, lớn tiếng:

- Chuông của bố bằng vàng ròng, sao mày dám đánh tráo chuông đồng, hả? Tao không lừa thì thôi, chúng mày lại dám lừa cả bố, lừa cả tao à. Quả báo nhỡn tiền đấy!

Tiến mở hộp. Chiếc chuông vẫn sáng ánh lên màu vàng rực rỡ. Tiến không thanh minh mà đặt chiếc chuông lên ban thờ rồi khẽ nói: “Từ ngày bố trao giữ, đây là lần đầu tiên con mở hộp. Con đã không nghe lời bố, đem trao cho người khác. Trong mắt anh Tăng, chuông chỉ là thứ vật chất, tính bằng tiền nên anh ấy đã không thể nhìn thấy giá trị quý hơn vàng bạc ẩn chứa bên trong mà bố muốn chúng con gìn giữ và kế tục thực hiện. Con xin bố xá tội”. Hai hàng nước mắt nóng hổi chảy dài trên má Tiến...

***

Chiếc chuông gia bảo nay đã trở thành kỷ vật quý của tòa án thành phố.

Theo đề nghị của ông Thành chánh văn phòng tòa án, Tiến đã trao tặng tòa án chiếc cặp da cũ, cây bút máy, cặp kính lão cùng chiếc chuông tay của ông Chính để đóng góp vào "kho tàng" những kỷ vật lịch sử của tòa án được trưng bày ở phòng truyền thống, trong mục giới thiệu thành tích của những thẩm phán liêm chính, mẫu mực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vật gia bảo