Thay đổi diện mạo cho sơn mài truyền thống

Đăng Khoa| 06/11/2022 11:53

(HNMCT) - Diễn ra từ ngày 22-10 đến 15-11 tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội), triển lãm “Trong vườn” của họa sĩ Vũ Văn Tịch thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Với 20 tác phẩm được vẽ từ năm 2019, họa sĩ sinh năm 1989 đã đưa chất liệu sơn ta truyền thống vào các tác phẩm nghệ thuật của mình một cách nhuần nhuyễn.

Không gian triển lãm “Trong vườn”  của họa sĩ Vũ Văn Tịch.

Ai cũng cần có một "khu vườn"

Cuộc sống đô thị hóa khiến những khu vườn của gia đình, nơi họ thư giãn sau những giờ phút bận rộn, dần trở thành quý hiếm. Đó là lý do để họa sĩ Vũ Văn Tịch ấp ủ làm triển lãm “Trong vườn” từ năm 2019.

Qua triển lãm, thông điệp mà anh muốn gửi gắm chính là phải gìn giữ những góc nhỏ cho bản thân để sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, ai cũng có một nơi để tìm về. “Tôi muốn vẽ những khu vườn cho mọi người mà thực ra cũng là vẽ cho chính mình. Những bức tranh trong triển lãm “Trong vườn” đều rất nhẹ nhàng, ẩn hiện trong những lớp chồng xếp đầy chiều sâu, vốn là thế mạnh của chất liệu sơn ta truyền thống. Lựa chọn một đề tài có rất nhiều họa sĩ đã làm nhưng tôi không cảm thấy áp lực” - họa sĩ Vũ Văn Tịch nói.

Ngắm 20 tác phẩm trong triển lãm “Trong vườn”, người xem dễ dàng nhận thấy một bảng màu rực rỡ, sống động của thiên nhiên trong nhiều khoảnh khắc, từ buổi bình minh sương mờ, ban mai tươi sáng cho đến hoàng hôn kỳ ảo hay đêm tối thẳm sâu... Bằng cách sử dụng các kỹ thuật trên sơn mài như kỹ thuật dùng bạc mịn, vẽ xuyên lớp, kết hợp 3 sắc son, cùng việc kết hợp các thủ pháp nghệ thuật như đảo ngược những mảng tối sáng, dùng ngôn ngữ biểu tượng..., họa sĩ Vũ Văn Tịch đã tạo ra hình ảnh một khu vườn sinh động và rực rỡ.

Theo họa sĩ Vũ Văn Tịch thì với “Trong vườn”, anh muốn kể câu chuyện riêng của mình bằng ngôn ngữ hội họa và bằng kỹ thuật truyền thống của sơn mài Việt Nam. “Với các bức tranh như “Xương rồng tím”, “Ngày gió” hay “Đêm”..., tôi tập trung vào vẻ đẹp tinh tế hoặc các trạng thái, đặc trưng khác nhau của những loài cây ở trong vườn. Cụ thể, trên nền tối lạnh, bức tranh “Chiều buông” nổi bật màu cam đỏ của bụi hoa. Những tán lá lẩn khuất phía sau trong một màn đen huyền bí. Bức tranh gợi nhắc người xem nhớ về cảm giác xa vắng đâu đó trong ký ức. Đặc biệt, tôi đã đặt những bông hoa đỏ cam trên một nền tối sẫm mang sắc tím. Khi có ánh sáng chiếu vào tất cả lớp vàng lót ở dưới cho phép bụi hoa hiện lên rực cháy. Còn trong bức “Xương rồng tím”, tôi cố ý miêu tả cây xương rồng giống như chí khí của một người đàn ông, trong bất cứ hoàn cảnh nào xương rồng đều có thể sống được, ở chúng có một tinh thần vươn lên mạnh mẽ” - họa sĩ chia sẻ.

Theo họa sĩ Vân Vi, giám tuyển nghệ thuật của triển lãm, các kỹ thuật thể hiện nghệ thuật trên chất liệu sơn mài rất phức tạp, có nhiều công đoạn mài ủ và các yếu tố phụ thuộc bao gồm cả độ ẩm và thời tiết. Hơn nữa, việc thực hiện kéo dài trong thời gian 3 năm cũng ít nhiều gây ảnh hưởng tới cảm hứng, tâm trạng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, họa sĩ Vũ Văn Tịch đã giữ được mạch sáng tác xuyên suốt, nhuần nhuyễn.

“Triển lãm “Trong vườn” có thể trình diện là nhờ vào sự kiên trì, được dẫn dắt bằng niềm đam mê và tính kỷ luật của họa sĩ. Các kỹ thuật sơn mài cơ bản không nhiều nhưng có thể phát triển các kỹ thuật đó với hàng trăm ứng dụng khác nhau, phù hợp với tư duy và phong cách tạo hình của mỗi họa sĩ, đó chính là một phần của việc phát triển tranh sơn mài Việt Nam” - giám tuyển Vân Vi nhấn mạnh.

Không đi theo lối mòn

Thạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, triển lãm “Trong vườn” là khu vườn mang tính ước lệ, một biểu trưng của sự truy tìm thiên nhiên mang tính thuần Việt, gợi được trạng thái, giống như vị thiền sư đứng giữa thiên nhiên để tìm sự cân bằng. Tác phẩm "khá kiệm lời" nhưng ngôn ngữ tạo hình cũng như kỹ thuật rất quyện, đưa người xem đến sự vững chãi, cân bằng, biểu đạt được sự thư thái của tinh thần. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự học hỏi kỹ thuật sơn mài Nhật Bản của họa sĩ Vũ Văn Tịch. Đặc biệt, tranh của Vũ Văn Tịch thể hiện được sự chắc chắn, đó là tinh thần nỗ lực vươn lên trong suốt 3 năm qua.

“Các tác phẩm của họa sĩ Vũ Văn Tịch kéo dài và làm sâu sắc hơn những giá trị truyền thống được chắt lọc trong nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam, kết hợp với tinh thần, cách nhìn và quan niệm của một họa sĩ trẻ trong cuộc sống đương đại. Trong tranh của Tịch có sự tìm tòi đào sâu về một chủ đề được quan tâm trong một quãng thời gian đủ dài, chứ không nhất thiết phải vẽ đủ thứ. Tinh thần mới mẻ của Tịch ở đây thực ra là quay lại cách thức đào sâu về một chủ đề, thâm canh cảm thức cá nhân. Cỏ cây hoa lá trong vườn chỉ là cái cớ, cái gợi ý để đưa tính trừu tượng và vô định trong chất liệu sơn mài “có đất” để phô diễn chất cảm (cảm xúc của chất liệu gợi lên). Chất cảm của sơn mài truyền thống và tinh thần của Tịch trong bộ tác phẩm này đồng điệu với nhau. Đó mới là điều quan trọng” - Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn đánh giá.

Có mặt tại triển lãm, Tiến sĩ, họa sĩ Triệu Khắc Tiến (giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), người thầy trực tiếp giảng dạy họa sĩ Vũ Văn Tịch, nhận xét: Triển lãm tập trung các tác phẩm chất lượng, được bài trí trong một không gian tối giản, trau chuốt đến từng nguồn sáng nhỏ vừa đủ để "lôi hết ra" sắc son, ánh vàng bạc, trắng của trai trứng, chiều sâu của lớp lang, độ trong của then và cánh gián. Có thể nói, triển lãm đã thực sự phô bày được những thế mạnh đặc trưng của chất liệu sơn ta truyền thống.

“Văn Tịch là một họa sĩ sơn mài có tay nghề vững vàng, có khả năng thâm diễn những kỹ thuật khó trong sơn mài. Và, hiển nhiên không dừng lại ở đó, Văn Tịch là người luôn chịu khó tìm tòi, chịu khó thử nghiệm, khám phá và mở rộng biên độ của kỹ thuật chất liệu; biết vận dụng nhanh nhạy những cái mới vào trong sáng tạo cá nhân bằng một tâm thế tự tin, đủ bản lĩnh để tung tẩy ngẫu hứng trải lòng mình vào tác phẩm. Có lẽ, đây chính là điểm mạnh tạo nên sự lôi cuốn đặc biệt, khả năng níu người xem dừng lại thật lâu bên tranh, để ngắm nhìn và thưởng lãm” - Tiến sĩ Triệu Khắc Tiến nhấn mạnh.

Trong triển lãm “Trong vườn”, có thể thấy được việc đưa văn hóa truyền thống vào nghệ thuật đương đại được họa sĩ 8x Vũ Văn Tịch thể hiện thành công. Đó là hướng đi mới và là xu hướng chung, nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều sự sáng tạo nhưng cũng đang dần mất đi  giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Đặc biệt, triển lãm cũng khẳng định, sơn mài truyền thống hay bất cứ chất liệu truyền thống nào cũng có sức gợi mở sáng tạo, là chất liệu “vàng” để xây dựng nền công nghiệp sáng tạo đang ngày càng phát triển tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi diện mạo cho sơn mài truyền thống