Mùi số phận

Truyện ngắn của Kì Phong| 30/10/2022 06:07

(HNMCT) - Loan đặt gói đồ xuống bậu cửa. Cô ngoái đầu ra phía sau, giật giọng gọi thằng bé đang lúi húi gần chiếc xe đạp:

Minh họa: Lê Trí Dũng.

- Cường ơi, vào đây con!

Thằng nhóc nghe mẹ gọi nhưng không vội trả lời. Nó lau mồ hôi trên trán, vặn nốt con ốc cuối cùng gần vành xe. Dùng tay xoay bàn đạp, khi thấy hai chiếc bánh xe chuyển động đều đặn nó mới nở nụ cười. Thỏa mãn với thành quả nho nhỏ của mình, Cường đứng dậy khệ nệ bưng thùng dụng cụ vào nhà. Những thứ bên trong như búa, tuốc nơ vít, thước dây... được nó mua được bằng tiền tiết kiệm của bản thân nên Cường rất quý và luôn giữ gìn cẩn thận.

- Xe như thế nào rồi con?

Loan cất tiếng hỏi, tay thoăn thoắt mở các bao đậu phộng đặt ra giữa nhà. Căn nhà lụp xụp, nằm sâu trong con ngõ tối tăm. Nơi đây tập hợp phần lớn người lao động nghèo, dân tứ xứ đổ về thành phố kiếm kế sinh nhai. Mùi ẩm mốc bốc lên từ đám quần áo vắt trên thanh sào. Loan thoáng ngẩng đầu dậy. Mùi vị đó từ lâu đã trở nên quen thuộc với cô.

- Xe bị thủng lốp và lỏng xích mẹ ạ! Con vá lại rồi, căng dây xích ngon lành.

Cường đáp lời mẹ. Nó hiểu, chiếc xe là cần câu cơm của gia đình, là công cụ quan trọng nhất để mẹ nó kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.

- Bữa nay đậu nhiều mẹ nhỉ?

Loan chậm rãi xáo đậu, đong từng chén rồi đếm thầm trong miệng.

- Cũng được năm chục chén con ạ! Vậy là chia ra khoảng bốn mươi gói.

- Uầy! Nhiều phết mẹ nhỉ? Liệu đêm nay bán có hết không ạ?

Loan mỉm cười, đưa mắt nhìn con trai. Cô biết tấm lòng hiếu thảo của nó, chưa khi nào thôi lo lắng cho mẹ. Đã nhiều lần, nó bảo cố làm bài tập xong sớm rồi theo mẹ đi bán đậu. Thế nhưng, Loan không muốn con mình chịu khổ. Cô muốn Cường chuyên tâm học hành, đặng tương lai sau này sáng sủa hơn. Đời cô đã vất vả, nó phải cố gắng mới mong khá lên được.

- Chắc là được. Tối nay mẹ đi sớm, hôm nay cuối tuần quán nhậu sẽ đông khách lắm.

Cường ngẫm nghĩ rồi nói khéo:

- Mẹ cho con đi với nhé! Bữa nay bài vở không nhiều.

- Thế thầy cô không giao bài tập à? Phải ưu tiên việc học trước con ạ! Loan ôn tồn bảo.

- Dạ có ạ. Nhưng mỗi hai bài toán với bài làm văn, con xử lý hết vào tối qua rồi.

Cường trả lời, miệng cười toe toét. Loan trầm ngâm giây lát.

- Đi bán cực lắm chứ không vui gì đâu con ạ!

Nó lại nằn nì:

- Không sao đâu ạ! Nam nhi mà, có tí khổ mà không chịu được thì sau này làm sao kiếm tiền nuôi mẹ ạ!

Loan phì cười:

- Dẻo miệng gớm nhỉ? Thôi được rồi, tối nay cùng đi với mẹ.

- Dạ vâng ạ!

Cường hí hửng đáp, đoạn nó phụ mẹ cho đậu vào các gói nhỏ rồi xếp chúng vào một chỗ. Bên ngoài, nắng chiều đã tắt từ lâu. Bóng tối dần buông, phủ tấm màn đen quen thuộc trùm lên vạn vật.

Phố xá đã lên đèn.

Văng vẳng tiếng rao xa của những người bán hàng rong về muộn. Âm thanh bị nhấn chìm giữa tiếng ầm ĩ của dòng xe cộ tấp nập. Những tiệm ăn bên lề đường dọn sẵn bàn ghế trên vỉa hè, đợi chờ thực khách ghé vào trong cơn đói bụng bất chợt. Nhìn làn khói nghi ngút bốc lên từ nồi nước hầm của một xe hủ tiếu, Cường bỗng thấy bụng sôi réo lạ thường. Đang tuổi ăn tuổi lớn, chỉ hai bát cơm với cá kho hồi nãy chẳng thấm vào đâu với cậu thiếu niên mười bốn tuổi. Nó đánh mắt sang hướng khác, cố quên cơn đói đang ngày càng rõ rệt.

Chở con trai phía sau, Loan chầm chậm đạp xe đến nơi bán. Những quán nhậu giờ này bắt đầu đông khách. Theo dự tính của mình, nếu thuận lợi, cô sẽ bán đến mười giờ đêm rồi trở về nhà. Nghĩ vậy, cô vững tin đạp xe nhanh hơn. Bóng hai mẹ con hòa vào dòng người nhộn nhịp đa sắc màu.

- Bán gì đấy nhóc?

Tiếng một người đàn ông vang lên khi nhác thấy Cường ôm rổ đậu đi ngang qua. Nghe tiếng hỏi, nó quay người lại đáp:

- Dạ, cháu bán đậu phộng ạ. Chú mua ủng hộ giúp cháu nhé!

Thấy thằng nhóc lễ phép, người đàn ông gật đầu ra vẻ hài lòng.

- Bán thế nào nhóc?

- Dạ một gói hai mươi ngàn ạ! Đậu luộc thơm và bùi lắm chú.

- Vậy lấy cho chú hai gói.

- Vâng ạ! 

Cường đặt rổ xuống rồi lấy hai gói đưa cho khách. Người đàn ông móc ví ra tờ năm mươi nghìn trả tiền, đoạn nói.

- Khỏi thối nhé!

Cường cảm ơn rối rít, nhanh chóng bỏ tiền vào túi rồi di chuyển qua những bàn khác. Cách đó không xa, thấy con trai bán được hàng, Loan nở nụ cười nhưng nhanh chóng trầm ngâm. Tự dưng cô xót xa cho phận mình, bản thân bươn chải kiếm sống nuôi con vậy mà giờ lại phải để Cường đi theo phụ giúp. Nó còn bé quá, chịu khổ sớm thế này rồi đây lớn lên sẽ nghĩ thế nào về cuộc đời. Bất giác Loan thấy thương con vô chừng. Nhìn Cường buộc từng gói đậu mà sao trông chững chạc, nhẫn nại thế. Giá như... Cô lắc đầu, cắt đứt dòng suy nghĩ, tập trung bán hàng đặng còn về sớm với con. Loan tiến vào giữa quán, nơi tập trung rất đông khách.

Một đời chồng, một đứa con, chừng đó vẫn chưa khiến nhan sắc Loan phai tàn. Sự khổ cực dường như chỉ làm nét đẹp thời con gái của cô thêm phần đằm thắm, mặn mà. Không ít lần khi mời khách, nhiều gã đàn ông cố tình trêu ghẹo cô. Thậm chí có những người còn làm quen, ngỏ ý muốn tiến tới yêu đương. Cô từ chối tất cả, không muốn con trai mình hứng chịu những lời đàm tiếu.

- Mua đậu ủng hộ em anh ơi!

Loan cất giọng mời chào khi đến gần một bàn khách. Đó là một đám thanh niên trẻ, áo quần thời thượng cùng mùi nước hoa phảng phất. Những gã trai trông bảnh bao, tóc tai chải chuốt nhưng gầy ốm tong teo, thiếu sức sống. Những cô gái bên cạnh lại tươi tắn và tràn đầy năng lượng tuổi đôi mươi.

- Không mua đâu! Một giọng cộc lốc đáp lại.

Loan kiên nhẫn tiếp lời:

- Mua ủng hộ em đi anh chị. Gói đậu có hai chục ngàn thôi à! Vừa nói cô vừa tiến lại gần một cô gái trẻ trong bàn.

Cô ta vừa bấm điện thoại vừa trao đổi điều gì đó với bạn bè bên cạnh. Tuy nhiên, khi thấy cánh tay mang gói đậu của Loan đưa lại sát bên, cô gái trẻ tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Cô ngả người ra sau, tránh Loan.

- Hôi quá! Tránh ra giùm đi. Cô ả nhăn mặt thốt lên.

Gã bên cạnh vừa lên tiếng phụ họa, vừa đưa tay gạt phắt gói đậu của Loan đang cầm:

- Người ta đã bảo không mua mà cứ sát lại gần là sao? Sao bà mặt dày thế?

Liếc nhìn gói đậu nằm dưới đất, Loan lập tức xin lỗi rồi quay ra nhặt lên. Cô quá quen với điều này nên chẳng hề bận tâm. Bọn thanh niên ngồi đấy chỉ đáng tuổi em út của cô, vậy mà khi mời chào Loan luôn gọi chúng là anh chị. Bởi lẽ muốn bán được hàng thì chút khó chịu ấy đâu có nghĩa lý gì.

Loan bỏ sang bàn khác. Ngước nhìn về phía Cường, cô thở phào khi thấy nó không chú ý đến sự việc vừa nãy.

Tiếng chạm cốc, tiếng cười nói rôm rả vang lên liên hồi. Không gian đậm mùi bia và thức ăn hòa lẫn vào nhau. Giữa khung cảnh đó, với hàng trăm gương mặt người đủ các sắc thái khác nhau, dáng hình hai mẹ con cứ len lỏi giữa các bàn nhậu. Họ kiên nhẫn mời chào khách mua đậu, với nụ cười thân thiện thường trực trên môi dù thái độ nhận lại có là gì đi nữa.

Đêm dần trôi về khuya.

Gió lạnh từ đâu kéo tới, lê những bước dài mỏi mệt trên đường phố. Đèn đường nhập nhoạng khi mờ khi tỏ. Một chiếc xe phân khối lớn xẹt qua mang theo tiếng cười như điên dại của đám thanh niên. Bóng tối nhanh chóng nuốt chửng lấy âm thanh ấy, đưa mọi thứ trở lại với trật tự vốn có.

Trong cảnh tranh tối tranh sáng, hai mẹ con người phụ nữ bán hàng rong đang ngồi bên lề đường, dưới mái hiên một tiệm bán áo quần đã đóng cửa từ lâu.

- Hôm nay bán được đấy chứ. Bốn mươi gói giờ chỉ còn ba gói.

Cường móc trong túi ra một nắm giấy bạc nhàu nhĩ.

- Mẹ xem, con có năm mươi nghìn nữa nè!

Loan nhìn con thắc mắc.

- Tiền đâu mà con có thế?

Cường trả lời:

- Dạ khách cho đấy ạ! Có mấy khách mua còn thừa tiền nên cho con.

Loan ôn tồn bảo con trai:

- Thế thì được! Con trai mẹ giỏi quá! Lần đầu đi bán mà khá ghê.

Cường híp mắt cười hạnh phúc. Cảm giác tự hào xen lẫn phấn khởi trong trái tim bé nhỏ của nó khi giúp đỡ được cho mẹ. Những gói đậu còn thừa, hai mẹ con bóc ăn xem như phần thưởng cho một đêm lao động vất vả.

- Ngày mai mẹ con mình đi chợ nhé. Khuya nay con ngủ trước đi, mẹ thức làm vài việc.

- Mình đi chợ mua gì hả mẹ?

Loan đáp lời con:

- Sắm sửa ít đồ con ạ. À mà quên, mua ít thức ăn về nấu bữa ngon cho con trai mẹ chứ.

Nghe mẹ nói vậy, Cường cúi đầu lặng lẽ nói:

- Thôi. Con ăn gì cũng được. Tiền mẹ cứ để lo việc khác ạ!

Loan cười hiền từ, lòng ấm áp khi thấy con trai hiểu chuyện:

- Yên tâm đi, mẹ xoay xở được mà.

Hai mẹ con cố ăn hết số đậu còn thừa. Vẫn để lại hai gói, sáng mai ăn lót dạ đỡ phải xài tiền. Vật giá tăng cao, tiết kiệm được thứ gì hay thứ ấy. Loan nhắc nhở con dọn vỏ đậu vào bao rồi bỏ vào thùng rác công cộng gần đó. Khi chỗ ngồi đã sạch sẽ, hai mẹ con mới đèo nhau trở về nhà.

Không gian đột nhiên như hửng sáng hơn. Ánh trăng bị mây che khuất chợt hiện ra, vằng vặc giữa bầu trời. Bóng hai mẹ con xa dần trên con đường dài phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùi số phận