Xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường

Nguyễn Thanh| 03/10/2022 17:06

(NSHN) - Ngày 3-10, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường và tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn Hà Nội. Hội nghị nhằm phục vụ hiệu quả công tác phối hợp xây dựng Hồ sơ quốc gia về Mo Mường, đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Hội nghị triển khai công tác xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường.

Nguy cơ mai một di sản tín ngưỡng đặc sắc

Mo là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường, được hợp thành bởi ba yếu tố: Lời Mo, nghệ nhân Mo và Lễ thức Mo. Đây là loại hình gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, mà điển hình nhất là lễ tang ma, phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa. Theo thời gian, cơ hội thực hành, gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một, đòi hỏi sớm có những giải pháp để bảo tồn, phát huy. 

Hiện nay, trên cả nước, có 7 tỉnh, thành phố ghi nhận có sự hiện diện của Mo Mường, gồm: Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắc Lắk, Hà Nội. Tại tỉnh Hòa Bình, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc Mường hiện có 184 nghệ nhân Mo, nhưng số có  khả năng thực hành và truyền dạy tốt chỉ chiếm 6%. Tại Hà Nội, thống kê các dân tộc thiểu số trên địa bàn của Ban Dân tộc cũng cho thấy, dân tộc Mường phân bố ở 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, song không phải cộng đồng nào cũng thực hành nghi thức Mo. Theo bà Bùi Hương Thủy (Phó Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), trên thực tế, số thầy Mo thực hành thường xuyên trên địa bàn Hà Nội hiện chỉ có 7 người, trong đó người cao tuổi nhất đã 86 tuổi (ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì). 

Trước thực trạng này, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Hồ sơ quốc gia di sản văn hóa Mo Mường, đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Công tác này đã và đang được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành phố hiện đang lưu giữ Mo Mường. 

Tại Hà Nội, UBND thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phối hợp xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là triển khai kiểm kê di sản Mo Mường trên địa bàn Hà Nội, hoàn thành trước tháng 1-2023. 

Nâng cao nhận thức về bảo tồn, kế tục di sản 

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận về vai trò, giá trị của di sản Mo Mường trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mường; tầm quan trọng của việc đề ra giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại, mà trọng tâm là phục vụ hiệu quả công tác phối hợp xây dựng Hồ sơ quốc gia về Mo Mường, đệ trình UNESCO. Hội nghị cũng tập trung phổ biến, hướng dẫn quy trình, phương pháp thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường theo quan điểm và yêu cầu của UNESCO, gồm: Ứng dụng lý thuyết vào công tác kiểm kê di sản Mo Mường ở Hà Nội, hướng dẫn thực hành kiểm kê thông qua việc phỏng vấn, ghi âm, ghi hình các thầy Mo, thầy Clượng…, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản. 

Theo Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Phạm Minh Hương, hiện nay, Viện Âm nhạc đang tiến hành xây dựng Hồ sơ quốc gia Mo Mường, hoàn thành trong năm nay để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3-2023, với sự tham gia của 7 tỉnh, thành phố có sự hiện diện của Mo Mường. “Nhận diện di sản văn hóa Mo Mường và đưa vào Danh mục kiểm kê là bước đi góp phần nâng cao nhận thức về vốn di sản nói chung và Mo Mường nói riêng trong cộng đồng. Thông qua quá trình kiểm kê, các thành viên của cộng đồng sẽ quan tâm nhiều hơn và tự hào hơn về di sản Mo Mường, chủ động tham gia vào quá trình bảo vệ và kế tục di sản”, bà Phạm Minh Hương nói. 

Cùng với công tác phối hợp xây dựng Hồ sơ quốc gia di sản Mo Mường, Hà Nội cũng đồng thời tiến hành các bước xây dựng hồ sơ, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hóa Mo Mường Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chính vì vậy, Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường là một trong những khâu quan trọng trong tiến trình này. Thông qua những kiến thức được các chuyên gia cung cấp, nhận thức về di sản Mo Mường được củng cố, nâng cao hơn trong đội ngũ cán bộ, qua đó phục vụ tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường, hướng tới việc di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường