Người cùng chuyến bay

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ| 18/09/2022 06:24

(HNMCT) - Sân bay Nội Bài. Một buổi chiều. Người đàn ông trung niên cao dong dỏng, áo trắng quần đen kéo chiếc va ly nhỏ từ quầy check-in ra. Một cô gái xuất hiện, gỡ chiếc khẩu trang xuống rồi hỏi: “Anh cho em hỏi, cửa ra máy bay số 8 đi lối nào?”.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Cô gái tầm ngoài ba mươi, gương mặt tròn đi cùng một bé trai khoảng tám, chín tuổi. Người đàn ông nhỏ nhẹ: “Cô bay thành phố Hồ Chí Minh à? Cô đi thẳng, đến đầu quầy hàng ăn rẽ trái là cửa số 8”. Cô gái cảm ơn rồi dắt đứa bé rảo bước...

Tình cờ khi lên máy bay hai mẹ con cô gái và người đàn ông ngồi cùng một hàng ghế. Cô gái loay hoay với dây an toàn: “Anh giúp em, khóa bị hóc hay sao, không tháo ra được”. Người đàn ông tận tình hướng dẫn cô gái: “Phải kéo đầu khóa lên như thế này này”.

Sự xuất hiện của cô gái làm cho người đàn ông có cảm giác vừa gần gũi, vừa gieo vào anh sự e dè. Anh kín đáo quan sát. Người mẹ hơi mập mạp, mặc chiếc váy hoa đỏ ngắn trên đầu gối để lộ cặp đùi tròn lẳn. Gương mặt không đẹp nhưng cân đối, ưa nhìn. Cặp mắt chất chứa nỗi niềm sâu thẳm. Thằng bé gầy khẳng, đôi môi thâm tím, tóc lưa thưa. Chợt cô gái cất giọng:

- Anh vào Sài Gòn công tác à?

- Không! Tôi vào có đám giỗ.

Cô gái khẽ kêu lên:

- Ôi! Mẹ con em cũng vào ăn giỗ. Giỗ ông nội cu Tít này. Anh đi đám giỗ người nhà à?

- Giỗ anh bạn học phổ thông với tôi...

Cô gái ngạc nhiên:

- Úi! Giỗ bạn mà anh cũng cất công bay vào cơ à? Chắc là bạn thân thiết lắm!

- Bạn tôi hoàn cảnh éo le lắm. Bị vợ bỏ đã lâu, một mình anh ta nuôi hai con từ bé, rồi đưa cả nhà vào miền Nam sinh sống. Khi đứa lớn đi làm kiếm được tiền, tưởng cuộc sống bắt đầu đỡ vất vả thì anh ấy bị Covid-19 không qua khỏi. Hai đứa con côi cút đùm bọc nhau, thương lắm. Tôi vào cũng là để hỗ trợ hai cháu một chút...

- Máy bay lên tới độ cao ổn định, bay êm êm trong tiếng động cơ rền đều. Cô gái lại hỏi người đàn ông:

- Anh là người Hà Nội à?

- Vâng! Thế cô ở đâu?

- Em ở tỉnh lẻ, nhưng sống thành phố lâu rồi.

Gần hai tiếng đồng hồ ngồi bay, chuyện trò cũng đỡ buồn và giết thời gian. Có lẽ cả hai người đều nghĩ vậy nên câu chuyện cứ qua lại. Người đàn ông hỏi:

- Cô tên gì nhỉ? Biết tên cho dễ gọi. Tôi là Long.

- Em là Vân.

- Hai mẹ con đi ăn giỗ ông, thế bố cháu bận không đi à?

Cô gái chợt cúi đầu, cặp mắt ươn ướt hướng ra cửa sổ. 

Người đàn ông nói nhỏ:

- Xin lỗi! Tôi không biết, nên...

Cô gái nhìn người đàn ông, nghẹn ngào:

- Anh không có lỗi. Chồng em mới là người có tội...

Người đàn ông buột miệng:

- Sao lại có tội?

Câu hỏi như hòn đá ném xuống mặt hồ ký ức vốn phẳng lặng của cô gái khiến mặt nước bất ngờ lay động. Cô nghiêng người sang bên cạnh, kể lể:

- Vợ chồng em lấy nhau được sáu năm thì ba lần chồng em phải ra tòa. Lần đầu đi đòi nợ giúp ông bạn cha căng chú kiết nào không biết, đánh người ta bị thương nặng, phải đi tù ba năm. Lần thứ hai thì bị tù sáu tháng về tội đánh bạc...
Người đàn ông thủng thẳng:

- Mỗi nhà mỗi cảnh mà cô. Có ai được cả mười phần đâu.

Cô gái tiếp:

- Bố chồng em lo lắng, xin việc cho đi làm ở một công ty nhưng anh ấy cứ thích làm tự do bên ngoài. Chồng em không sống tử tế được, vợ con mất nhờ, mắc tù tội rồi chết khổ chết sở...

- Anh nhà mất trong trường hợp nào?

Cô gái lại cúi đầu, giọng trầm xuống:

- Bị tử hình, anh ạ!

Ngưng một lát rồi cô nói tiếp:

- Lần thứ ba ra tòa, chồng em mắc tội cướp của, giết người. Lúc đó cu Tít hơn ba tuổi, ốm đau quặt quẹo suốt.

Người đàn ông buột miệng:

- Chồng cô tên gì?

- Dạ, tên Đắc!

Bỗng người đàn ông bật ra:

- Nguyễn Vũ Đắc, bố là Nguyễn Văn Đề, mẹ là bà Trần Thị Lai, đúng không?

Cô gái tròn mắt:

- Ôi, anh biết anh ấy ạ?

Người đàn ông thoáng lúng túng:

- Không, không... Tôi đọc báo, nhớ mang máng về vụ án đó.

- Hôm tòa xử, em ngất lên ngất xuống, phải đi cấp cứu ở bệnh viện.

Với tay lấy chai nước ở túi ghế máy bay, cô gái uống một ngụm nhỏ rồi kể tiếp:

- Sau vụ đó bố chồng em ốm mấy tháng trời. Ông ôm ngực hét lên “nhục nhã quá!” rồi bàn với con trai cả bán nhà vào Nam sống. Ba năm sau, ông mất ở Sài Gòn.

Cả hai người cùng im lặng. Rồi cô gái nói vẻ tiếc nuối:

- Giá chồng em không bị tử hình, tù chung thân cũng được thì cu Tít đã không đến nỗi mồ côi cha...

Người đàn ông hạ giọng:

- Chồng cô tái phạm nguy hiểm, phạm tội tàn độc, các cấp tòa án đã xem xét kỹ lắm. Chủ tịch nước cũng bác đơn xin ân giảm án... Tính mạng một con người hệ trọng lắm. Quyết định tử hình hay tù có thời hạn phải theo luật, xem xét toàn diện vụ án rồi cân nhắc rất kỹ. Mấy cấp tòa án xem xét lại có giải quyết thỏa đáng không...

- À, ra là vậy! Mà anh nói hệt ông thẩm phán, anh làm tòa án à?

- Không, không! Tôi là nhà báo, tôi tìm hiểu luật thôi...

Ngưng một lát, người đàn ông tiếp:

- Tôi còn được biết, nhiều thẩm phán trước và sau khi tuyên án tử hình, họ thường thắp hương cầu khấn...

- Cầu khấn ai? Cô gái ngạc nhiên hỏi.

- Chắc họ cầu nguyện cho kẻ tội phạm xấu số sớm hối cải nơi địa ngục mà y sắp đến, mong kiếp sau y được đầu thai làm người lương thiện. Họ thắp hương mong trời đất chứng giám cho hành động cực chẳng đã mới phải tuyên tử hình một người. Họ không mê tín đâu, nhưng tâm linh xưa nay như vậy, người ta thường làm theo phong tục truyền thống mà...

- Nghe anh nói, giờ em mới biết.

Vẻ mặt cô gái như chợt ngộ ra một điều gì mới lạ. Người đàn ông tiếp:

- Có bị cáo tội tử hình nhưng hoàn cảnh rất éo le, vợ không việc làm, hai con nhỏ, mẹ già bệnh tật. Tòa án phải kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bị cáo. Cám cảnh lắm, nhưng vẫn phải tuyên vì luật đã quy định. Tuyên án xong, có khi họ mất ngủ cả tháng trời...

Cô gái lại tròn mắt “ồ”, “à” rồi kể tiếp:

- Anh ạ! Sau khi tòa xử, cu Tít nhà em bị ốm liên miên. Bác sĩ bảo bị bệnh tim bẩm sinh rất nguy hiểm, phải mổ, tốn hơn trăm triệu. Mà em đào đâu ra nổi số tiền lớn ấy chứ?

Rồi giọng cô trở nên tươi tỉnh:

- Phúc bảy mươi đời nhà em! Sau phiên xử án, chính cái ông thẩm phán xử tử hình chồng em đi vận động doanh nghiệp quyên góp được hơn trăm triệu giúp cu Tít mổ tim. Hôm ấy mẹ con em ở trong bệnh viện, ông anh chồng ở nhà nhận tiền. Chắc ông trời xui khiến đưa vị cứu tinh đem liều thuốc tiên cứu sống cu Tít. Mà em cũng không hiểu vì sao ông ấy lại biết cu Tít bị bệnh tim, biết cảnh nghèo nhà em nữa chứ?

- Từ dạo đó cô có gặp ông thẩm phán ấy không? Người đàn ông hỏi nhỏ.

Cô gái thủ thỉ:

- Cu Tít ra viện, em có đến Tòa án thành phố tìm ông ấy mấy lần để cảm ơn, nhưng đều không gặp. Đời em mắc nợ ông ấy ơn cứu mạng con em, thế nào em cũng phải tìm bằng được ông ấy để cảm tạ rồi em chết mới yên lòng...

Người đàn ông không giấu nổi xúc động. Anh lấy khăn giấy lau mắt, đeo cặp kính đen rồi nói nhỏ:

- Ở đời, người ta làm việc thiện đâu phải để mong được trả ơn. Thấy tình cảnh cháu nhỏ bệnh tình như vậy, chắc không ai đành lòng quay mặt đi.

Máy bay bắt đầu giảm độ cao để hạ cánh. Cô gái lại nắm lấy cánh tay người đàn ông, hỏi:

- Anh làm ở báo nào vậy? Cho em xin số điện thoại được không?

Người đàn ông cười, ánh mắt anh dịu lại:

- Tôi làm ở báo thành phố. Tôi cũng đi công tác suốt ấy mà...

Máy bay hạ cánh. Hai mẹ con cô gái và người đàn ông tình cờ cùng sóng đôi bên nhau bước ra sảnh ngoài nhà ga. Cô gái đi bên người đàn ông, tíu tít: “Nhà em có xe đón, anh đi cùng nhé! Anh về đâu, xe sẽ đưa anh về tận nơi”. Người đàn ông tươi cười: “Cảm ơn cô. Tôi cũng có xe người nhà ra đón rồi. Thôi, tạm biệt. Chúc hai mẹ con khỏe nhé. Hẹn gặp lại!”.

Đúng lúc ấy, người anh chồng cô gái ra đón cũng vừa chạy tới: “Cô Vân, cô Vân! Ôi, cu Tít lớn quá nhỉ... Lên xe thôi, xe nhà mình đậu làn đường này cơ mà”. Cô gái đang quay ra nói lời tạm biệt người đàn ông đồng hành: “Cảm ơn anh nhiều. Nói chuyện với anh giúp em hiểu ra nhiều điều. Em cũng chúc anh mạnh khỏe, may mắn. Hy vọng gặp lại anh!”.

Ông anh chồng bỗng sững người, níu lấy cô gái: “Ô này! Ông Long thẩm phán ngồi xử vụ án chồng cô đấy. Ông Nguyễn Tuấn Long, đúng ông Long rồi! Cô bay cùng chuyến với ông ấy à?”. Cô gái giật mình: “Ôi thế à?!”. Rồi như vừa để tuột mất điều gì quý giá, cô vụt chạy theo hướng người đàn ông, đảo mắt tìm trong dòng người đông đúc và hàng xe taxi bên đường. Cô lẩm bẩm: “Vớ vẩn quá! Ngồi ngay cạnh ông ấy mà không biết!”. Thằng cu Tít lò dò chạy theo mẹ: “Bác ấy quên cái gì hả mẹ?”...

Tình cờ tôi đi cùng chuyến bay, ngồi ngay sau hai người, lại xuống sân ga cùng lúc, dù không cố ý nhưng vô tình nghe được cuộc trò chuyện của họ, thấy hay hay nên ghi lại thành câu chuyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cùng chuyến bay