Để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo

Bảo Châu| 11/09/2022 05:40

(HNMCT) - Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam khai mạc triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti” tại khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (triển lãm kéo dài đến hết ngày 30-9). Triển lãm là kết quả của một dự án sáng tác và trưng bày thư pháp kết hợp Graffiti với mục đích góp phần từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và văn hóa nghệ thuật.

Không gian Triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti” tại khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tìm tiếng nói chung

Dịp nghỉ lễ 2-9 vừa qua, công chúng đã có dịp thưởng thức những tác phẩm mới lạ, sáng tạo ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti”. Các tác giả đã mang đến triển lãm 39 tác phẩm của cả hai loại hình sáng tác, nội dung xoay quanh các chủ đề về đạo nghĩa thầy - trò; học tập, rèn luyện bản thân; sách và văn hóa đọc; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Việt Nam và các địa danh nổi tiếng của đất nước... Thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết, là thú chơi tao nhã của những người giỏi về ngôn ngữ và đam mê văn chương. Graffiti là bộ môn nghệ thuật thường gợi lên trong tâm trí nhiều người hình ảnh những người trẻ “nổi loạn”, khao khát được thể hiện và khẳng định mình. Chính vì thế, có thể nói, triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti” là dịp để hai loại hình sáng tác này được đối thoại, đồng sáng tạo và đến gần hơn với công chúng, mang lại cho người xem những trải nghiệm và góc nhìn mới mẻ, tích cực.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì triển lãm lần này là cuộc đối thoại đầy thú vị của hai loại hình sáng tác tưởng chừng rất khó tìm được tiếng nói chung bởi những khác biệt về thẩm mỹ, ngôn ngữ và chất liệu thể hiện. Cuộc đối thoại trải qua bốn giai đoạn: Từ gặp gỡ, đối thoại đến giao lưu với nhau, và cuối cùng tìm được sự đồng cảm, chia sẻ những điểm chung. Về hình thức, hai loại hình đều có điểm chung là chú tâm đến bố cục, đường nét, tạo hình giàu sức khơi gợi, liên tưởng; về nội dung, cả hai đều truyền tải thông điệp hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.

Là một trong 4 nghệ sĩ Graffiti tham gia triển lãm, nghệ sĩ Nguyễn Tấn Lực (đến từ thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Ý tưởng này mình đã nghĩ đến, nhưng phải nói là rất khó để kết hợp với nhau. Chính anh Lê Xuân Kiêu đã mời nhóm của mình (gồm Nguyễn Tấn Lực, Trang Nhơn Khoa, Lưu Đoàn Duy Linh) ra Hà Nội thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và định hướng cho mình cách thức thực hiện. Mình đã khai thác những họa tiết riêng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám để đưa vào tác phẩm sao cho có sự kết hợp giữa cái mới và cái cũ, giữa truyền thống và hiện đại”.

Cũng theo nghệ sĩ Nguyễn Tấn Lực, anh có 3 tác phẩm cá nhân, 3 tác phẩm nhóm tại triển lãm lần này. Trong 2 tác phẩm cá nhân, anh đã vẽ cô bé Ec - một nhân vật đặc trưng trong Graffiti, kết hợp với các họa tiết liên quan đến văn hóa, và với thư pháp. Cô bé ấy và những đám mây là đại diện của hình ảnh văn hóa châu Âu, cùng với những mái đình trong văn hóa Việt Nam tạo nên một sự kết hợp độc đáo. Còn trong tác phẩm cá nhân thứ 3, anh vẽ 2 chú chim thường thấy trong họa tiết ở những cánh cửa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trên tinh thần thư pháp nhưng được thể hiện bằng Graffiti. “Trực tiếp giao lưu với người xem tại triển lãm, tôi thấy triển lãm này đã nhận được sự quan tâm của người yêu thích thư pháp và Graffiti. Có người nói, chưa bao giờ họ thấy thư pháp có nhiều màu sắc như thế, và chưa bao giờ thấy Graffiti có nhiều hình ảnh Việt Nam như thế. Và tôi nghĩ, triển lãm tuy mới mở ra được vài ngày nhưng đã rất thành công” - anh Lực nhấn mạnh.

Trong triển lãm lần này có sự tham gia của 3 nhà hoạt động thư pháp là Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng, Võ Tuấn Xuân Thành và Nguyễn Hữu Pháp. Trầm ngâm bên những tác phẩm của mình, Võ Tuấn Xuân Thành cho biết, anh đã góp 5 tác phẩm cá nhân, trong đó có 3 tác phẩm truyền thống theo dòng thư pháp châu Á, 2 tác phẩm thư pháp còn lại viết theo phong cách phương Tây kết hợp với thủ pháp Graffiti.

“Lúc đầu, nhận lời tham gia triển lãm này, mình cảm nhận được sự táo bạo bởi người ta thường nghĩ 2 bộ môn này đối lập nhau. Nhưng khi tham gia thì thấy sự kết hợp này rất hay, rất độc đáo, thú vị. Nếu như người lớn tuổi đến với triển lãm vì yêu thích thư pháp thì người trẻ đến với triển lãm vì yêu thích Graffiti,  rất đúng với mục đích của triển lãm này là gắn kết hai thế hệ già - trẻ với nhau. Qua đây cũng có thể thấy thư pháp cần hội nhập hơn nữa và Graffiti cần hướng về truyền thống nhiều hơn nữa” - anh Thành khẳng định.

Khơi nguồn hoạt động sáng tạo

Theo ông Lê Xuân Kiêu, với mong muốn hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội trở thành không gian sáng tạo, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có sự kết hợp với nhau và đây là sự khởi đầu cho chuỗi hoạt động trong thời gian tới. Lâu nay, thư pháp rất đỗi quen thuộc với Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội còn Graffiti chưa từng xuất hiện tại các di tích với nhiều lý do, nhưng chủ yếu là còn nhiều định kiến về Graffiti. Ý tưởng tổ chức triển lãm là tạo ra sự đối thoại của 2 thực thể khác biệt, tưởng chừng như không thể đi cùng nhau. Thông qua đối thoại, các nghệ sĩ sáng tác đi tìm giá trị chung và cống hiến cho người xem các tác phẩm hấp dẫn.

Cũng theo ông Lê Xuân Kiêu, đến với triển lãm này, các nghệ sĩ phải vượt qua thử thách là sáng tác trên chất liệu lạ lẫm. Nếu như thư pháp thường viết trên giấy thì giờ đây lại viết trên chất liệu của Graffiti; ngược lại, Graffiti được viết trên chất liệu của thư pháp. Hiện đại và truyền thống hòa quyện với nhau trong từng tác phẩm, xoay quanh chủ đề đối thoại. Trên nền tảng giá trị di sản, các nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại và đó chính là nét đặc biệt của triển lãm lần này.

Đánh giá về triển lãm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, sự kết hợp của 2 loại hình tưởng chừng không liên quan đến nhau đã tạo ra sự kết nối truyền thống và hiện đại, lan tỏa giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa Việt Nam. Các nghệ sĩ còn trẻ, thậm chí có người chỉ mới ở ngưỡng 20. Triển lãm đã thu hút được các bạn trẻ, khơi dậy và tạo ra sự lan tỏa ý thức giữ gìn giá trị truyền thống.

Chia sẻ về những dự án tiếp theo được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, ông Lê Xuân Kiêu cho biết, từ giờ đến cuối năm, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tổ chức 5 cuộc triển lãm mang tính sáng tạo để “kéo” người xem về với Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

“Trong tháng 10, chúng tôi sẽ có triển lãm “Bia đá kể chuyện”, rồi tiếp theo là trưng bày về lịch sử hình thành Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thiết kế của triển lãm hướng tới sự hiện đại nhưng vẫn hòa quyện với không gian cổ kính của di tích, đặc biệt là sử dụng công nghệ để mang lại sự mới mẻ, hấp dẫn cho người xem. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa để kết nối cộng đồng sáng tạo, tạo thêm không gian nghệ thuật sáng tạo mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô” - ông Kiêu chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo